THCS Thượng Thanh, THPT Lý Thường Kiệt 'né' cung cấp báo cáo về vụ GV dạy thêm?
'Nhà trường đã giải quyết xong và có báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo ngay hôm đó', cô Vũ Thị Hương Lan cho hay.
.t1 { text-align: justify; }
Vào ngày 15,16/4 vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết:
Long Biên: Học sinh thật thà kể GV bộ môn "kéo" ra trung tâm học thêm thu tiền
Thủ thuật "đánh tráo" GV của trung tâm để thầy cô dạy thêm chính HS trên lớp
Bài viết ghi nhận chia sẻ của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh về việc học thêm giáo viên dạy trên lớp ở trung tâm văn hóa tại một con hẻm của ngõ 94 Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Theo ghi nhận của phóng viên, trên tấm biển gắn ở trước cửa của trung tâm này có ghi: "Trung tâm BDVH Bách khoa. Luyện thi tiếng Anh các cấp độ, dạy tiếng Anh cho người mất gốc, bồi dưỡng kiến thức: Toán - Văn".
Trước khi bài viết trên được đăng tải, để tìm hiểu về công tác quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, vào ngày 8/4, phóng viên liên hệ điện thoại với cô Trần Thị Ngọc Yến (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh). Tuy nhiên cô Yến cho hay, cô không nói chuyện này qua điện thoại, và phóng viên muốn gì thì qua Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên.
Đồng thời, phóng viên cũng đã gửi Giấy giới thiệu đến Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, không có có đơn vị nào phản hồi.
Sau khoảng 1 tháng đăng tải bài viết trên, vào ngày 12/5, phóng viên liên hệ với cô Vũ Thị Hương Lan (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt), vị hiệu trưởng cho hay: "Cô cũng đã họp các bộ phận rồi, và cũng đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo, nộp cho anh Nghĩa (Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội".
Để có thông tin khách quan, phóng viên đề nghị nhà trường chia sẻ thông tin nội dung bản báo cáo, cô Lan cho biết, do liên quan đến công việc của nhà trường nên đề nghị phóng viên qua làm việc trực tiếp.
Ngày 19/5, phóng viên liên hệ với thầy Hà Xuân Nhâm (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo) để hỏi về văn bản báo cáo của Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, thầy Nhâm cho hay: "Tôi tìm thông tin chuyển xử lý trên hệ thống, nhưng không thấy".
Thầy Nhâm cũng cho hay, thầy sẽ gặp thầy Nghĩa để hỏi về nội dung trên. Tuy nhiên, về nguyên tắc, các phòng sẽ không tiếp nhận từ trường, trường phải gửi báo cáo lên Sở qua đường công văn.
Tuy nhiên, đến ngày 23/5, khi phóng viên liên hệ lại với thầy Hà Xuân Nhâm, vị Trưởng phòng Giáo dục Trung học cho biết: "Phóng viên liên hệ với bộ phận truyền thông của Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi không được phép phát ngôn".
Cũng trong sáng 23/5, phóng viên đã đến cơ sở dạy thêm được phản ánh trong 2 bài viết, nơi đây "cửa đóng, then cài" không có học sinh học thêm. Điều này trái ngược với tình trạng học sinh tấp nập trong 2 bài viết Tạp chí phản ánh trước đó.
Sáng 23/5, theo lịch hẹn của cô Vũ Thị Hương Lan (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt), phóng viên đã đến trường theo đề nghị của Hiệu trưởng để lấy thông tin báo cáo, cũng như nắm rõ quá trình kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến giáo việc dạy thêm được nêu trong bài viết đã đăng.
Hiệu trưởng Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt cho biết, cô cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh sự việc khách quan, qua đó nhà trường đã rà soát lại hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên.
"Nhà trường đã giải quyết xong và có báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo ngay hôm đó", cô Vũ Thị Hương Lan cho hay.
Khi được hỏi về thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo xử lý vụ việc ra sao, cô Lan cho hay, nhà trường làm đúng theo các bước và gửi báo cáo qua Sở để thực hiện kiểm tra.
Tuy nhiên, khi phóng viên một lần nữa đề nghị cô Vũ Thị Hương Lan cung cấp thông tin báo cáo gửi Sở và kết quả xử lý vi phạm (nếu có), cô Lan lại từ chối với lý do: "Nhà trường đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo, em cứ qua văn phòng Sở để lấy thông tin".
Phóng viên cũng liên hệ với Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh là cô Trần Thị Ngọc Yến, và được cô Yến phản hồi: "Nhà trường sẽ gửi báo cáo cho Tạp chí sau". Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về việc nhà trường sẽ phản hồi cụ thể vào thời gian nào, cô Yến không phản hồi.
Trưa 23/5, phóng viên có mặt tại trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên, tại thời điểm này, một nữ cán bộ công tác ở mảng giáo dục trung học cơ sở cho hay, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng đều bận đi họp, vì thời điểm này liên quan đến công tác tuyển sinh. Người viết cũng để lại số điện thoại và thông tin cá nhân để đơn vị này liên hệ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 với các quy định rất cụ thể, chi tiết dễ hiểu, dễ thực hiện để ngăn chặn việc dạy thêm tiêu cực. Và một trong những quy định rất rõ trong Thông tư 29 là giáo viên không được dạy thêm học sinh chính ngoài trường. Tuy nhiên, với ghi nhận thực tế trong bài viết đã được đăng tải trên, thì vẫn có giáo viên không thực hiện nghiêm.
Thực tế, nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo địa phương cũng khó lòng giám sát hết được. Vì thế, vai trò của người dân, cơ quan báo chí là rất quan trọng để giúp các đơn vị này làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được nêu tại Thông tư 29.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Hiệu trưởng Trường trung học phổ Lý Thường Kiệt, Trung học cơ sở Thượng Thanh; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Long Biên, Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội) lại "né tránh" việc cung cấp thông tin liên quan đến kiểm tra, xử lý dạy thêm có dấu hiệu vi phạm quy định đã được báo chí nêu? Với cách làm như vậy, liệu việc thực hiện Thông tư 29 bao giờ mới có hiệu quả thực chất?