Thay đổi nếp nghĩ, dựng xây hạnh phúc

Rút ngắn khoảng cách giới, tiến đến bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới ở miền núi là điều khó có thể thay đổi một sớm một chiều trong tiềm thức, nếp nghĩ của người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở khu vực miền núi. Vậy nhưng trong tiến trình phát động phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ở huyện Hướng Hóa hiện nay đã có sự thay đổi trong nếp nghĩ của mỗi gia đình, cộng đồng. Nhận thức, cách nghĩ và ứng xử của nhiều người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nơi đây đã dần tiến bộ với mong muốn tốt đẹp là cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và văn minh hơn.

 Vợ chồng anh Hồ Văn Long cùng nhau hướng dẫn cho con học bài

Vợ chồng anh Hồ Văn Long cùng nhau hướng dẫn cho con học bài

Ở khối 6, thị trấn Khe Sanh hầu như ai cũng biết đến anh Hồ Văn Long, chàng thanh niên Vân Kiều khuyết tật đầy nghị lực, biết vượt lên số phận để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc vẹn tròn. Tuy đôi chân khuyết tật, di chuyển khó khăn, vợ lại công tác xa nhưng không có gì làm khó được anh Long. Từ chăm sóc con, lo lắng chuyện học hành đến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình anh đều sắp xếp chu toàn. Sau 7 năm chung sống, những khó khăn vật chất, những lúc vợ sinh non, con nằm viện, trong nhà thiếu thốn đủ bề nhưng anh chị đều cùng nhau vượt qua. Dường như bằng chính hạnh phúc gia đình được vun đắp từ tình yêu thương đã trở thành điểm tựa và động lực để anh chị bước tiếp. Với một người bình thường việc gìn giữ hạnh phúc gia đình cũng đã không đơn giản, thì với gia đình anh phải nỗ lực gấp nhiều lần. Anh chị vẫn luôn cố gắng vun đắp cho hạnh phúc bằng chính sự sẻ chia và thấu cảm, để hạnh phúc sẽ mãi lan tỏa và bền chặt hơn. Vì họ hiểu rằng, hạnh phúc gia đình là giá trị thiêng liêng cần chung tay gìn giữ. Với anh chị, giờ đây niềm vui mỗi ngày là được thấy hai con lớn khôn, ngoan ngoãn và khỏe mạnh.

“Từ lâu trong nếp nghĩ của người đồng bào dân tộc Vân Kiều, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, làm nương rẫy thì là việc của chị em phụ nữ. Nhưng đối với mình, quá trình được đi học hành, được tiếp cận với cuộc sống mới văn minh, nhận thức mình cũng thay đổi tích cực hơn. Từ khi lập gia đình, mình luôn chung sức gánh vác, chia sẻ trong mọi công việc gia đình, cùng vợ chăm sóc con cái, nấu cơm, giặt giũ... Mình cũng xem đó là công việc bình thường, không có gì phải ngại ngùng, xấu hổ”, anh Long chia sẻ. Tại huyện Hướng Hóa, không chỉ có anh Hồ Văn Long mà nhiều ông bố người Vân Kiều, Pa Kô không còn ngại ngần trước đám đông, sẵn sàng phụ việc trong gia đình và cùng vợ lên nương rẫy, chăm sóc con cái, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để vợ được tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, các anh luôn tự nhắc mình hạn chế tối đa uống rượu bia, nguyên nhân chính gây nên bạo lực gia đình.

Theo đó, tình trạng li hôn, bạo lực gia đình, cha mẹ lơ là, buông lỏng không quan tâm đến con dẫn đến nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội cũng được giảm một cách rõ rệt.Thay đổi tích cực đó là những thành quả có được sau nhiều năm tuyên truyền, vận động trong vấn đề bình đẳng giới, mà trong đó chú trọng vai trò của nam giới trong gia đình, thông qua các chương trình, dự án như: Làm mẹ an toàn, Diễn đàn làm cha mẹ hay các hội thảo “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Anh Hồ Văn Thương ở bản 4, xã Thuận thật thà: “Lần đầu làm việc nhà mình cũng khá ngần ngại, vì lâu nay những việc như nấu thức ăn cho lợn hay cho lợn ăn, giặt giũ… đều là việc của vợ. Nhưng làm nhiều thành thói quen, giờ mình cảm thấy đó là những việc cần làm vì tình yêu thương dành cho vợ con”.

Việc phát huy sức mạnh gia đình văn hóa trong cộng đồng người Vân Kiều, Pa Kô chính là nền tảng tạo sức mạnh cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Hướng Hóa. Phong trào này đã thật sự giúp đời sống người dân ở huyện miền núi này có nhiều đổi thay tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, bản làng sạch đẹp, kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144262