Thay đổi tập quán
Bên cạnh việc giúp người dân thay đổi tập quán để bảo đảm an toàn trước tình trạng sạt lở bủa vây thì rất cần chính sách hỗ trợ đất cho những trường hợp khó khăn buộc họ sẽ và phải cất nhà ven sông
Người dân vùng ĐBSCL thường có thói quen cất nhà ven sông để việc giao thương, trao đổi hàng hóa bằng đường thủy được dễ dàng. Tuy nhiên, chính tập quán trên đã đặt không ít hộ dân nơi đây phải đối mặt với nguy cơ trắng tay do sạt lở.
Cà Mau được xem là tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc với hơn 8.118 km. Những năm qua, biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm cho 425 km bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Nguồn vốn để thực hiện các công trình phòng chống sạt lở bờ sông rất lớn trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế nên rất cần những quyết sách mang tầm nhìn chiến lược để chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nên tỉnh cực Nam của Tổ quốc đã đầu tư xây dựng được 9,2 km kè bảo vệ bờ sông với tổng kinh phí khoảng 391 tỉ đồng. Những công trình xây dựng hoàn thành được đưa vào sử dụng bước đầu đã phát huy công năng, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, các đoạn bờ sông đã và đang có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của biên độ triều lên xuống chênh lệch cao, dòng nước chảy xiết… đã tạo thành hàm ếch ăn sâu vào bên trong. Nếu người dân cất nhà mới hoặc gia cố tăng tải trọng thì rất nguy hiểm. Trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau ngoài tăng cường kiểm tra để kịp thời đưa ra những cảnh báo thì còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên cất nhà ven sông để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Hơn 3 tháng sau khi bị sạt lở nhấn chìm toàn bộ tài sản tích góp trong nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Tuấn (41 tuổi; ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Khuya hôm đó, các thành viên gia đình đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động mạnh, sau đó căn nhà cất ven sông Cái Lớn liền bị nhấn chìm do sạt lở. Lúc này, chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân chứ không mang được tài sản gì ra ngoài do sạt lở diễn ra rất nhanh. Tôi đã cất nhà vào bên trong chứ không làm cạnh bờ sông như trước nữa".
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết cần phải có chủ trương hoặc quy định của pháp luật một cách thống nhất về việc cấm xây, cất nhà ven sông bởi việc này để các địa phương "tự xử" là rất khó. "Người dân vùng ĐBSCL có thói quen gần như trở thành tập quán cứ cất nhà là bám theo sông, điều đó cực kỳ nguy hiểm. Thực tế chúng ta đã thấy nên cần phải nghiêm cấm. Bên cạnh đó, phải có chính sách hỗ trợ về đất cho những trường hợp không có đất cất nhà nên họ sẽ và phải cất nhà ven sông; phải có chính sách hỗ trợ di dời người dân, khu dân cư ven sông đến nơi an toàn" - ông Nguyễn Tiến Hải nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/thay-doi-tap-quan-20231015184552099.htm