Thay đổi thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài: Góc nhìn từ môi trường đầu tư

Đề xuất giao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài từ cấp tỉnh sang cấp thấp hơn là tòa án nhân dân khu vực cần được đánh giá kỹ lưỡng không chỉ dưới góc độ pháp lý mà còn từ tác động tiềm tàng đến niềm tin thị trường và chính sách thu hút đầu tư.

Thay đổi cấp tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trọng tài cần được đánh giá kỹ.

Thay đổi cấp tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trọng tài cần được đánh giá kỹ.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tài thương mại đã dần trở thành một lựa chọn đáng tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước khi phát sinh tranh chấp. Với các đặc điểm như linh hoạt, nhanh chóng, bảo mật và khả năng xử lý tranh chấp chuyên biệt, cơ chế trọng tài không chỉ giúp giảm tải cho hệ thống tòa án mà còn góp phần tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và ổn định.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện đang được trình Quốc hội thảo luận đã đưa ra đề xuất điều chỉnh thẩm quyền xét xử yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, từ tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay sang một cấp mới là tòa án nhân dân khu vực, được dự kiến là cấp tòa án thấp nhất trong hệ thống tòa án theo quy định mới.

Đây là thay đổi mang tính cấu trúc. Vì vậy, cần được đánh giá kỹ lưỡng không chỉ dưới góc độ pháp lý, mà còn từ tác động tiềm tàng đến niềm tin thị trường và chính sách thu hút đầu tư.

Trọng tài và kỳ vọng của nhà đầu tư

Đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, trọng tài thương mại được ưa chuộng bởi tính độc lập và hạn chế tối đa sự can thiệp của hệ thống tư pháp truyền thống. Khả năng thách thức phán quyết trọng tài chỉ tồn tại dưới hình thức yêu cầu hủy phán quyết tại tòa án. Do đó, cơ quan được trao thẩm quyền giải quyết nội dung này giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển như Pháp, Đức, Singapore hay Thụy Sĩ, việc xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được giao cho các tòa án cấp cao nhằm bảo đảm sự ổn định, tính chuyên môn và khả năng thống nhất trong áp dụng pháp luật. Điều này cho thấy xu hướng chung là thẩm quyền này cần được tập trung vào những cơ quan có kinh nghiệm và vị thế pháp lý đủ mạnh.

Cần một cách tiếp cận thận trọng

Giữ nguyên thẩm quyền hiện nay cho tòa án cấp tỉnh, nơi có kinh nghiệm tổ chức và xét xử các vụ việc trọng tài trong suốt thời gian qua là một giải pháp bảo toàn tính ổn định trong giai đoạn chuyển đổi hệ thống tòa án.

Nếu có nhu cầu nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp trọng tài, có thể cân nhắc phương án tăng cường đào tạo chuyên sâu hoặc thành lập các đơn vị chuyên trách về trọng tài tại một số tòa án cấp tỉnh trọng điểm thay vì thay đổi mô hình thẩm quyền một cách quá rộng và đồng loạt.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, củng cố niềm tin nhà đầu tư và cải cách tư pháp theo hướng hội nhập, việc duy trì một cơ chế kiểm soát tư pháp đối với trọng tài có tính chuyên sâu, nhất quán và đáng tin cậy là điều cần được cân nhắc cẩn trọng.

Một thay đổi có thể gây phân mảnh

Việc chuyển thẩm quyền từ tòa án cấp tỉnh sang tòa án khu vực vốn được thiết kế như một cấp xét xử mới ở vị trí thấp hơn, mang tính chất phân tán và có thể làm gia tăng sự không đồng đều trong áp dụng pháp luật giữa các khu vực. Điều này đặt ra một số lo ngại thực tiễn:

Tính nhất quán: Với số lượng lớn tòa án khu vực trên cả nước, khả năng xuất hiện các quan điểm khác biệt trong đánh giá các yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là rất cao, có thể dẫn đến rủi ro về tính không nhất quán trong hệ thống pháp luật về trọng tài.
Năng lực chuyên môn: Không phải tòa án khu vực nào cũng có đội ngũ thẩm phán được đào tạo hoặc có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế, vốn là loại tranh chấp đặc thù, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu.
Tác động đến môi trường đầu tư: Nếu phán quyết trọng tài, đã được các bên tranh chấp lựa chọn thay thế tòa án bị hủy bởi các tòa án thiếu kinh nghiệm thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư về tính ổn định và khả năng bảo vệ quyền lợi tại Việt Nam.

--------------------------------

(*) Luật sư thành viên, Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers

Đinh Quang Thuận (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thay-doi-tham-quyen-huy-phan-quyet-trong-tai-goc-nhin-tu-moi-truong-dau-tu/