Thay đổi thói quen, hướng tới tiêu dùng xanh

Người tiêu dùng hiện không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn rất chú trọng đến nhãn hàng có thân thiện môi trường hay không. Người tiêu dùng cũng thể hiện quan điểm ủng hộ các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm xã hội, hưởng ứng với lối sống 'xanh' thân thiện môi trường. Do vậy, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, khi tiêu dùng xanh lên 'ngôi'.

Những mớ rau được gói bằng lá chuối thay cho trước đây gói bằng nilon. Ảnh tư liệu: LP-HD/Báo Tin tức

Những mớ rau được gói bằng lá chuối thay cho trước đây gói bằng nilon. Ảnh tư liệu: LP-HD/Báo Tin tức

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Xu hướng tiêu dùng hiện nay đang tập trung nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến sản phẩm đầu ra. Người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.

Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, bác Nguyễn Thị Nghĩa, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại mang theo chiếc làn đan bằng mây tre để đựng đồ.

Bác Nghĩa chia sẻ: "Hàng ngày đi chợ, tôi mang theo chiếc làn này để đựng thực phẩm như rau, củ, quả. Tôi thấy túi nilon sử dụng một lần tiện lợi trước mắt nhưng lại ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống con cháu chúng ta về sau. Khi xem trên ti vi nhìn thấy túi nilon vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, cá ăn phải túi nilon bị chết... làm tôi thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ”.

Cũng quan điểm, chị Bùi Hằng Trang, nhân viên ngân hàng Techcombank cho biết, mỗi lần đi mua thực phẩm chế biến sẵn, chị thường mang theo hộp thủy tinh để đựng. Chị từ chối việc đựng đồ vào hộp nhựa hay túi nilon vì theo chị việc này vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh, không tốt cho sức khỏe mà còn gây hại đến môi trường.

"Những ngày bận mà không đi chợ mua thực phẩm, đồ uống được, tôi cũng thường đặt đồ uống online, ngoài những món đồ uống mình thích thì tôi thường xem cửa hàng nào sử dụng cốc, ống hút bằng giấy hoặc tre, nứa, nhìn chung là dụng cụ thân thiện với môi trường hoặc tái sử dụng được thì tôi mới đặt. Đó đã trở thành thói quen tiêu dùng của tôi" - chị Bùi Hằng Trang chia sẻ.

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững khi mua sắm. Khảo sát năm 2023 của NielsenIQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% người tiêu dùng chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Kết quả này cho thấy, người tiêu dùng đã có những hành động thực tế, hướng đến lối sống bền vững.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai chương trình đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị. 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

“Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại Thủ đô sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vào cuộc

Các tình nguyện viên tham gia lựa chọn sản phẩm Xanh tại siêu thị Co.opmart Thắng Lợi, quận Tân Phú. Ảnh tư liệu: Mỹ Phương/TTXVN

Các tình nguyện viên tham gia lựa chọn sản phẩm Xanh tại siêu thị Co.opmart Thắng Lợi, quận Tân Phú. Ảnh tư liệu: Mỹ Phương/TTXVN

"Trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng, ống hút từ rau củ quả sạch sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng ý thức rất cao về vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế dùng sản phẩm từ nhựa dùng một lần", anh Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng thông tin.

Một sản phẩm độc đáo vừa có thể làm ống hút vừa có thể xào, luộc, nhúng lẩu, thậm chí là chiên thành các loại snack tạo ra những món ăn giàu dinh dưỡng và lạ miệng của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (thôn Đại Mạch, huyện Đông Anh) đã có mặt tại nhiều chuỗi quán cà phê, khách sạn, nhà hàng trong nước, bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…

Anh Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng cho biết, đơn vị đã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ. Nhờ vùng nguyên liệu lớn được sản xuất theo hướng công nghệ cao nên đã giúp hợp tác xã giảm chi phí đầu vào, sản xuất ra loại ống hút có nguồn gốc từ rau, củ quả thay thế ống hút nhựa để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hợp tác xã còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ các loại hạt ngũ cốc, tinh bột nhưng đều bảo đảm chất lượng.

Theo anh Tám, không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ống hút 100% bằng nguyên liệu hữu cơ, mà dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ số vào xây dựng tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR để đưa lên sàn thương mại điện tử. Thông qua đó, lượng tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được tăng cao.

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội cũng triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa, kiến tạo môi trường phát triển mạng lưới bền vững cao cấp áp dụng công nghệ có hàm lượng tri thức cao, các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo việc làm ổn định và việc làm “xanh”, thúc đẩy lối sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…

Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tieu-dung/thay-doi-thoi-quen-huong-toi-tieu-dung-xanh-20230714161340936.htm