Thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nhờ được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hàng trăm nông dân Đồng Tháp từ chỗ 'lâu lâu ra bón, tưới một lần' đã chuyển sang theo dõi kỹ cây lúa, thấy có dịch hại mới phun thuốc theo nguyên tắc '4 đúng'.

Từ đầu năm nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp triển khai chương trình “Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả”.

Ở Hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), nơi được chọn làm thí điểm, bà con hầu như thuần canh tác lúa. Ông Cao Thọ Trường, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, bà con thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tập quán, thói quen. Định kỳ sau gieo sạ 22, 35, 45 ngày và trước, sau khi lúa trổ bông bà con sẽ phun thuốc, bất kể lúa có bệnh hay không. Cách làm này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa gây ô nhiễm môi trường, lại tốn kém chi phí.

Khi tham gia chương trình, các xã viên của Hợp tác xã Bình Thành đã được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Đồng thời, 15 bể chứa được đặt ở bờ ruộng để bà con thu gom bao, vỏ thuốc đã qua sử dụng vào đây.

Theo nhận xét của ông Trường, nhờ được tập huấn, bà con không còn phun thuốc kiểu định kỳ như trước. Thay vào đó, bà con theo dõi kỹ tình trạng cây lúa, thấy có dịch hại mới phun theo nguyên tắc “4 đúng”. Cách làm này giúp bà con tiết kiệm chi phí 500.000 - 700.000 đồng/ha.

Báo cáo của Chi Cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến đầu tháng 6, đã có 540 nông dân, 60 cán bộ kỹ thuật và đại diện 129 cơ sở buôn bán thuốc được tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Tại hội nghị sơ kết triển khai chương trình “Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả” vừa diễn ra, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết đây là nhiệm vụ tiên quyết của ngành bảo vệ thực vật.

Một mặt, thông qua chương trình giúp tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giảm thiểu rủi ro trong tiêu dùng, rủi ro về sức khỏe và môi trường sinh thái cũng như nâng cao giá trị nông sản. Hơn nữa, khi áp dụng quy trình sản xuất bền vững, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, bà con có thể tiết kiệm chi phí vật tư đầu vào, đặc biệt trong tình hình bão giá hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ tăng cường sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chương trình đã xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 400ha tại Lấp Vò và Sa Đéc với khoảng 500 hộ nông dân tham gia. Bà con không chỉ được hướng dẫn các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn được tập huấn cách phòng trừ dịch hại trên các cây trồng cụ thể. Ngoài ra, tại các mô hình, chương trình cũng bố trí tổng cộng 45 bể chứa để hướng dẫn và giúp nông dân thực hành thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 10 cuộc phát động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, thu hút 700 nông dân tham gia và thu gom được 3,8 tấn bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng…

Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife cho biết, đây là năm đầu tiên triển khai dự án hợp tác 3 bên giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp và CropLife trong việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp (2021 - 2026).

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Tháp tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch hại; trang bị những kỹ năng cần thiết để sử dụng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm hơn, vừa phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc, vừa duy trì môi trường xanh, sạch đồng thời bảo vệ sức khỏe của bà con, gia đình và cộng đồng. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Chương trình phát động nhiều đợt thu gom bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật

“CropLife và các công ty thành viên coi các chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách có trách nhiệm, an toàn, hiệu quả là hoạt động trọng tâm song song với việc tiếp tục giới thiệu các thế hệ sản phẩm tiên tiến hơn tới tay bà con nông dân. Đây là hai hợp phần không thể tách rời để giúp phát huy tối đa hiệu quả của các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao thu nhập cho nông hộ, bảo vệ môi trường, sức khỏe của nông dân và cộng đồng, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội CropLife nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, bảo vệ môi trường là một trong các mục tiêu của chính quyền và bà con nông dân trong tỉnh nhằm xây dựng vùng nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời giúp xây dựng và nâng tầm giá trị nông sản cũng như du lịch của tỉnh. “Chúng tôi xác định đây sẽ là một dự án dài hạn với mục tiêu quan trọng nhất là phải thay đổi được thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân”, ông Điền chia sẻ.

Vy Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/thay-doi-thoi-quen-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-i291974/