Thay đổi tư duy, bứt phá từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Quảng
Hà Quảng hôm nay không còn là vùng 'lõi nghèo' như trước. Những đổi thay đang đến từ chính người dân – mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số – thông qua tinh thần dám nghĩ, dám làm, ứng dụng công nghệ và tham gia vào mô hình HTX.
Huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) – nơi phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng – từng được biết đến là vùng đất khó, địa hình hiểm trở, sản xuất nông nghiệp manh mún, lệ thuộc nhiều vào thời tiết và tập quán canh tác truyền thống.
Từ nương ngô đến trang trại dưa trong nhà lưới
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một làn gió mới đã thổi bừng sức sống lên vùng đất này. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến xây dựng mô hình HTX, người dân đã và đang từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo và hướng tới làm giàu.
Cách đây hai năm, ít ai nghĩ vùng đất cằn cỗi của xã Trường Hà lại trở thành nơi trồng dưa lưới, dưa hấu, dưa chuột theo hướng công nghệ cao. Nhưng với chị Đàm Thị Thảo, người dân tộc Nùng, đó là giấc mơ được hiện thực hóa bằng ý chí và tư duy sản xuất mới.

Thay đổi tư duy sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Quảng ăn nên làm ra.
Được cán bộ nông nghiệp địa phương tư vấn, chị Thảo đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mua giống chất lượng và chuyển đổi hơn 1.000 m² đất sang trồng dưa.
Từ mô hình ban đầu mang tên “Pác Pó Farm”, chị Thảo đã gối vụ hơn 4.000 cây dưa các loại, cho doanh thu mỗi năm gần 100 triệu đồng – con số mà trước đây chị chưa từng dám nghĩ đến.
Điều đặc biệt, chị Thảo không chỉ sản xuất mà còn chủ động tiếp cận thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nông sản địa phương. Nhờ vậy, sản phẩm của chị không chỉ bán được tại Cao Bằng mà còn chuyển về Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.
“Nhờ học cách chụp ảnh sản phẩm, viết mô tả hấp dẫn và livestream giới thiệu vườn, tôi có đơn hàng đều đặn mỗi tuần. Thương mại điện tử giờ là cánh cửa lớn cho nông dân như chúng tôi,” chị Thảo chia sẻ.
Động lực dẫn dắt từ HTX
Hà Quảng hiện có hàng chục HTX nông nghiệp đang hoạt động, phần lớn do người dân tộc Tày, Nùng, Mông sáng lập và điều hành. Trong đó, nhiều HTX đã mạnh dạn áp dụng công nghệ, phát triển theo hướng liên kết chuỗi và mở rộng thị trường thông qua nền tảng số.
Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp & Chăn nuôi Bảo Hưng (xã Trường Hà), thành lập từ năm 2016, hiện đang nuôi gần 3.000 con gà đẻ trứng, 40 con lợn nái, lợn thịt.
Nhờ ứng dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, HTX đã giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX đạt doanh thu hơn 700 triệu đồng chỉ từ trứng gà.
Không dừng lại ở sản xuất, HTX Bảo Hưng còn hợp tác với các sàn thương mại điện tử nông sản do tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng hỗ trợ để phân phối trứng sạch ra thị trường.

Liên kết tham gia vào các HTX cũng là chìa khóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Quảng thoát nghèo, làm giàu.
“Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chuồng trại, chúng tôi còn được Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cử chuyên gia về đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ thuật số, thương mại điện tử. Từ chỗ sản xuất tự phát, giờ HTX đã xây dựng được thương hiệu riêng”, đại diện HTX Bảo Hưng chia sẻ.
Ngoài Bảo Hưng, HTX Nông nghiệp Hợp Nhất (xã Cải Viên) và HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Lục Khu cũng là những mô hình tiêu biểu trong phát triển vùng nguyên liệu lạc L14, trồng gừng hữu cơ theo chuỗi khép kín.
Các HTX này đều do đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ, đang ngày càng phát huy nội lực nhờ liên kết sản xuất, áp dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Để tạo nền tảng cho sự chuyển đổi nông nghiệp tại Hà Quảng, sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực mà còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ xây dựng website, gian hàng thương mại điện tử, mã QR cho sản phẩm... giúp HTX không chỉ sản xuất tốt mà còn chủ động tiếp cận thị trường rộng lớn.
Kết quả, nhiều sản phẩm đặc sản vùng cao như gừng hữu cơ, lạc L14, trứng gà sạch, dưa lưới Hà Quảng... đã bắt đầu có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart, Voso, SendoFarm, góp phần mở ra hướng đi bền vững trong tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, thông qua các chương trình mục tiêu và nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX vùng khó khăn, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các ban ngành để hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống sấy nông sản, chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, nhiều HTX tại Hà Quảng đã mạnh dạn chuyển sang mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam triển khai các quỹ hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giúp các HTX tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng và kho bảo quản. Riêng tại Cao Bằng, trong 3 năm gần đây, hàng chục HTX đã được vay vốn ưu đãi từ hệ thống quỹ, góp phần quan trọng vào việc nâng cấp thiết bị, mở rộng quy mô.
Hướng tới nền nông nghiệp số – xanh – bền vững
Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, Hà Quảng đang tích cực quy hoạch vùng sản xuất theo thế mạnh. Theo đó, vùng cao Lục Khu được định hướng trồng các loại cây bản địa có giá trị cao như gừng trâu, lạc L14, ngô, sả, đỗ tương, phát triển đàn lợn đen bản địa, bò Mông. Trong khi vùng thấp tập trung phát triển cây thuốc lá chất lượng cao, dưa lưới, bưởi da xanh, quýt, cùng các mô hình nuôi cá lồng, du lịch nông nghiệp.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp huyện đang đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào từng khâu sản xuất. Những mô hình như cải tiến lò sấy thuốc lá truyền thống, trồng dưa trong nhà màng, nuôi cá tầm ở Trường Hà, áp dụng tưới nhỏ giọt ở Lương Can, đều là những minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ của nông nghiệp địa phương.
Các mô hình này không chỉ nâng cao năng suất mà còn giảm chi phí đầu vào từ 30–60%, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình được hỗ trợ từ chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật do các đơn vị thành viên của Liên minh HTX Việt Nam phối hợp triển khai.
Hà Quảng hôm nay không chỉ thay đổi về diện mạo nông nghiệp mà còn chuyển biến sâu sắc về tư duy sản xuất của người dân. Những người nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng quen với “cày sâu cuốc bẫm” giờ đã biết tra cứu kỹ thuật qua điện thoại, đặt hàng phân bón online, livestream bán nông sản.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Quảng cũng không còn đơn độc khi đã có các HTX làm chỗ dựa vững chắc và được kết nối với thị trường qua công nghệ.
Trong thời gian tới, huyện Hà Quảng xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tăng cường hợp tác với Liên minh HTX Việt Nam và các đối tác phát triển để từng bước đưa nông nghiệp vùng cao lên tầm cao mới – hiện đại, sinh thái và kết nối toàn cầu.