Mận hậu Phiêng Khoài lên máy bay, xuất ngoại giúp người dân giảm nghèo bền vững
Cây mận đang làm nên một câu chuyện giảm nghèo bền vững đầy cảm hứng giữa núi rừng Tây Bắc. Ngày hội hái mận năm 2025 không chỉ là một sự kiện mùa màng, mà là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực từ một cây trồng truyền thống, với vai trò quan trọng của các HTX.
Hôm 23/5 vừa qua, UBND huyện Yên Châu (Sơn La) lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Hái mận tại bản Ái 2 của xã biên giới Phiêng Khoài. Với thông điệp “Sản xuất nông sản sạch gắn bảo vệ môi trường”, ngày hội đã góp phần đưa thương hiệu mận hậu Phiêng Khoài giòn, ngọt, thơm, an toàn đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ngày hội tôn vinh người trồng mận
Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như thi hái mận; thi tạo hình nghệ thuật từ quả mận; thi ăn mận; trưng bày gian hàng giới thiệu nông sản, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của các xã, thị trấn; thi đấu các trò chơi dân gian; giao lưu văn hóa, văn nghệ; tham quan du lịch kết hợp dịch vụ hái, thưởng thức quả tại vườn.
Đặc biệt ngày hội cũng vinh danh các cá nhân, hợp tác xã trồng mận tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm mận hậu; đồng thời tạo sân chơi, giao lưu kinh nghiệm, nâng cao kiến thức cho người trồng mận, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch.

Ngày hội Hái mận 2025 thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, là cơ hội để mận hậu Phiêng Khoài đến gần hơn với người tiêu dùng.
Cây mận được đưa vào trồng tại Phiêng Khoài từ những năm 1990. Điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chiết, ghép đã tạo nên những cây mận ra nhiều đợt hoa, cho năng suất và chất lượng quả cao - ngọt, màu sắc đỏ rực và phấn trắng dày.
Từ vài chục ha ban đầu đến nay mận hậu đã trở thành cây trồng chủ lực. Toàn huyện Yên Châu hiện có khoảng 3.700 héc ta mận hậu thì Phiêng Khoài là nơi có diện tích lớn nhất huyện với 2.300 ha. Hồi đầu năm nay, các hộ trồng mận hậu tại xã còn đón nhận tin vui khi được công nhận là vùng mận hậu ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Mô hình trồng mận ở Phiêng Khoài đang từng bước mang lại đời sống ấm no, đủ đầy cho bà con nơi đây.
Hợp tác xã đưa mận lên máy bay, xuất ngoại
Phía sau thành công của cây mận Phiêng Khoài là sự đóng góp thầm lặng nhưng bền bỉ của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp – mô hình tổ chức sản xuất tập thể đang ngày càng chứng minh vai trò thiết yếu trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối thị trường.
Qua tìm hiểu, tại Phiêng Khoài phát triển rất mạnh các hợp tác xã trồng và tiêu thụ mận như HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu, HTX nông nghiệp hữu cơ hoa ban trắng Phiêng Khoài, HTX nông nghiệp hữu cơ Tân Tiến Phiêng Khoài, HTX Kiên Cường Phiêng Khoài, HTX mận hậu Lóng Phiêng…
Trong đó, HTX Kiên Cường Phiêng Khoài là một điểm sáng với 89 ha mận hậu sản xuất theo hướng hữu cơ và VietGAP. Mỗi năm, HTX thu hoạch, liên kết tiêu thụ gần 400 tấn quả với giá bán từ 20.000 - 40.000 đồng/kg mận chính vụ và 50.000 - 70.000 đồng/kg mận trái vụ. Tổng doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng.
Được biết, HTX yêu cầu các thành viên tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc mận theo tiêu chuẩn, ứng dụng nhật ký điện tử, quản lý sản xuất bằng hệ thống camera giám sát tại vườn và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mận. Đa số các hộ dân sử dụng điện thoại thông minh điều khiển hệ thống nước tưới trong quá trình chăm sóc. Nhờ vậy, sản phẩm mận của HTX được chọn lựa đưa lên hệ thống suất ăn hàng không 2 năm liên tiếp. HTX cũng lọt top 3 HTX của huyện được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Mận hậu Sơn La”.

Sản phẩm mận của HTX được chọn lựa đưa lên hệ thống suất ăn hàng không.
HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu lại ghi dấu ấn với sản phẩm mận Ruby từ những gốc mận 15 - 20 năm tuổi được tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng, cho trái to, ngon, kích cỡ 14 - 20 quả/kg. Duy trì và liên kết trồng 81 ha mận hậu trong 4 năm trở lại đây, đến nay, HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu có 30,5 ha được cấp mã vùng trồng chuyên sản xuất sản phẩm mận Ruby để cung cấp vào các siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc và xuất khẩu.
Các thành viên được hướng dẫn trồng, chăm sóc mận hậu theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, bón phân tự động, kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán nên chất lượng quả được đánh giá cao.
Mỗi năm, HTX thu hoạch, tiêu thụ trên 300 tấn mận. Vụ mận năm 2024, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa 10 tấn mận vào thị trường một số nước EU: Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc. Nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng cao, mỗi kg quả mận Ruby có giá bán từ 70.000 - 120.000 đồng tùy kích cỡ. Năm ngoái cũng là năm, mận Ruby của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Ngoài cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, sàn thương mại điện tử, các thành viên HTX còn livestream tại vườn để giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội.
Đòn bẩy giảm nghèo bền vững nơi biên giới
Phiêng Khoài là địa bàn vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82%. Xã có 4 dân tộc Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun sinh sống tại 30 bản, trong đó quá nửa là bản đặc biệt khó khăn. Chính tại nơi còn nhiều gian khó này, cây mận hậu đã dần trở thành cứu cánh kinh tế, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo.
Tính đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 17,32%, từ mức 24,7% của năm trước. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Việc tập trung phát triển cây ăn quả là một trong những yếu tố chính giúp giảm nghèo ở Phiêng Khoài. Nhiều hộ nhờ trồng mận mà có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt tới 2 tỷ đồng/vụ - một con số ấn tượng đối với vùng nông thôn miền núi.

Cây mận đang trở thành trung tâm của câu chuyện giảm nghèo bền vững giữa núi rừng Tây Bắc.
Các HTX không chỉ tạo đầu ra ổn định mà còn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, phổ cập khoa học, chuyển giao công nghệ cho người dân. Nông dân giờ đây đã nắm chắc quy trình canh tác an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học, tỉa cành tạo tán đúng kỹ thuật, chủ động tưới tiêu - tất cả hướng tới canh tác bền vững, bảo vệ môi trường.
Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh Sơn La dưới sự chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam cũng tổ chức hội nghị đối thoại, nắm bắt tình hình của các HTX, từ đó đề xuất với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quản lý dữ liệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị, chương trình liên kết do Trung ương và tỉnh tổ chức.
Nhờ vậy, các HTX càng tự tin mở rộng vùng trồng, đa dạng sản phẩm, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm mận Phiêng Khoài ngày càng vươn xa, giúp bà con thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.