Thay đổi tư duy để đưa Vĩnh Phúc phát triển lên tầm cao mới
Hậu COVID-19, Vĩnh Phúc đã có những nỗ lực để thúc đẩy kinh tế phát triển, thu hút đầu tư FDI, từng bước đưa nền kinh tế của địa phương trở lại nhịp bình thường mới. Để thực hiện được điều này, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra mục tiêu nhất quán trong phát triển kinh tế- xã hội đó là phát triển bền vững 3 trụ cột chính, đó là phát triển kinh tế; an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu trung tâm là con người, an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường.
Thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, mục tiêu của cả nhiệm kỳ là phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Để đạt được các mục tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy tập trung lãnh, chỉ đạo việc học tập và triển khai hiệu quả ở các cấp ủy, các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ.
Tỉnh ủy đã lãnh đạo các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, cấp ủy các cấp triển khai nội dung của nghị quyết, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, ban hành cơ chế chính sách cụ thể, cân đối các nguồn lực để tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo đó, với sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Chia sẻ về thành công của nhiệm kỳ 2015-2020, bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, với sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu KTXH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra với một số điểm nhấn quan trọng, như: 23/23 chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra vào cuối năm 2020; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 30 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó thu nội địa đạt hơn 28,5 nghìn tỷ và là một trong những tỉnh top đầu miền Bắc về thu nội địa; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các ngành công nghiệp với hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao (từ 30-54% tùy từng lĩnh vực) thay thế dần mức độ phụ thuộc vào các ngành công nghiệp lớn như ôtô, xe máy, vốn là thế mạnh của tỉnh trong những năm trước.
Nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đánh dấu sự tăng mạnh của thu hút đầu tư tại Vĩnh Phúc. Địa phương đã triển khai thêm 3 khu công nghiệp (KCN) lớn là SUMITOMO (250 ha) , Bá Thiện 2 (247ha) và cụm công nghiệp (CCN) Đồng Sóc (75 ha). Đồng thời, thu hút được các nhà đầu tư uy tín đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Cho chủ trương 4 KCN lớn như: Nam Bình Xuyên, Thái Hòa Liễn Sơn, Lập Thạch 1, 2, KCN Sông Lô; triển khai đồng bộ các khu du lịch lớn như: Tam Đảo 1, Đại Lải, Vĩnh Tường. Xây dựng hạ tầng giao thông hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu, CCN, các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Ninh và kết nối giữa các trung tâm huyện với TP. Vĩnh Yên.
Với mong muốn “mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng”, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặc biệt chú ý đến các vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, tỉnh đã xây dựng 2 bệnh viện với quy mô lớn, hiện đại là: Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Sản – Nhi. Cùng với đó là 5 bệnh viện tuyến huyện và thành phố; 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn.
Xây dựng hơn 1.000 phòng học Mầm non, hoàn thiện và nâng cấp hàng trăm trường Tiểu học, Trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Nhờ đó, Vĩnh Phúc luôn nằm trong top các địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về kết quả thi THPT Quốc gia và thi Học sinh giỏi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực văn, hóa, xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...
Thành công của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, còn có là ý chí quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các cấp. Tuy vậy, bà Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, tình hình kinh KTXH trong nước còn diễn biến khó lường do tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, thời gian còn lại của nhiệm kỳ đang dần rút ngắn và tính bằng ngày, vì vậy, Vĩnh Phúc tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được mà cần tiếp tục nỗ lực, đưa Vĩnh Phúc phát triển nhanh, bền vững, để mọi người dân đều được hưởng những thành quả tích cực từ tăng trưởng của địa phương.
Mạnh tay trong thực hiện cải cách và cắt giảm biên chế
Về việc tinh giản biên chế, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, trong nhiệm kỳ này, Vĩnh Phúc triển khai rất triệt để việc cắt giảm biên chế và chuẩn hóa từ cơ sở, đảm bảo nguồn nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện cắt giảm 1.296 chỉ tiêu so với chỉ tiêu giao năm 2015, đạt 5,75%. Tinh giản biên chế 274 trường hợp theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, nghỉ thôi việc theo Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND là 774 trường hợp. Hiện đã có một số cơ quan, đơn vị của tỉnh hoàn thành đạt 100% chỉ tiêu tinh giản biên chế theo kế hoạch, như Sở Nội vụ, Ban Dân tộc, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Liên minh Hợp tác xã.
Thực hiện Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong đó quy định mỗi đơn vị hành chính cấp xã được bố trí 8 người; thôn, tổ dân phố loại 1 bố trí 7 người; loại 2, 3 bố trí 5 người và không bố trí phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố. Toàn tỉnh được bố trí 8.125 người, cấp xã 1.096, thôn, tổ dân phố 7.029 người. Hiện nay toàn tỉnh đang bố trí 7.996 người hoạt động không chuyên trách, gồm 1.089 người cấp xã, 6.907 người ở thôn, tổ dân phố, giảm so với trước khi thực hiện Nghị quyết là 10.704 người…
Đánh giá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, Vĩnh Phúc luôn xác định cán bộ là “khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Tỉnh ủy đã chú trọng sàng lọc, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết, nghiêm minh trong thi hành kỷ luật, cho nghỉ hoặc chuyển công tác khác với cán bộ hạn chế về năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mạnh dạn đề bạt cán bộ có năng lực. Đồng thời, quan tâm đến nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, coi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác.
Về nhận thức, Đảng lãnh đạo toàn diện, sâu sát đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề lớn, trọng tâm thông qua chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, định hướng, song tuyệt đối không bao biện làm thay, không “lấn sân” hay quyết đáp các công việc cụ thể của chính quyền hay của các cơ quan, đơn vị. “Nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tầng lớp trí thức công nông, đội ngũ doanh nhân cũng đã thay đổi đáng kể, họ ý thức hơn, trách nhiệm hơn, quyết tâm hơn và đặc biệt là có khát vọng hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ. Với cách thức ban hành nghị quyết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để “lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, tạo điểm nhấn, động lực cho các lĩnh vực khác và cho cả hệ thống chính trị, sau đó bàn bạc, thống nhất ban hành các nghị quyết, chỉ thị để tập trung lãnh đạo”.
Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư, y tế, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. “Hằng tháng, hằng quý đều lựa chọn các vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân đưa ra thảo luận và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Về lãnh đạo tổ chức thực hiện, bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết được cấp ủy ban hành. Chính quyền có trách nhiệm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định. Sau đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ. Phân công Ủy viên Ban Thường vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để đạt mục tiêu.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, đối với Vĩnh Phúc, điều quan trọng nhất để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra và tạo nền tảng vững chắc đưa tỉnh vượt qua sự trì trệ, phát triển nhanh, bền vững đòi hỏi Vĩnh Phúc phải tiếp tục đổi mới thật sự tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. “Chỉ có thay đổi tư duy, thay đổi căn bản hệ tư tưởng cũ trì trệ, lạc hậu, thay cách nghĩ cách làm, hun đúc khát vọng, ý trí và lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị đặc biệt là giới trẻ để cùng nhau đưa Vĩnh phúc lên một tầm cao mới. Thời gian còn lại của nhiệm kỳ đang dần rút ngắn và tính bằng ngày, tình hình chung trong nước và khu vực lại biến động, thay đổi rất rõ ràng. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được, ko được buông xuôi, cần sốc lại...”, Bí thư tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định.