Thay đổi tư duy hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Những năm qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn khẳng định vai trò, vị thế và là trụ đỡ của nền kinh tế khi đóng góp tới 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với các thế mạnh về lúa gạo, thủy sản và trái cây. Cùng với đó, nông nghiệp của vùng đang chuyển mình trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với xu hướng tiêu dùng xanh.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm, có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp; đóng góp quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Nếu như cách đây nửa thế kỷ, nông nghiệp của vùng ĐBSCL vẫn còn lạc hậu, sản xuất chỉ đủ tiêu dùng trong nước thì đến nay đã vươn mình trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.

Trong phần đầu của loạt bài “Nâng tầm vị thế nông sản vùng ĐBSCL trong hội nhập quốc tế” nhóm phóng viên VOV khu vực ĐBSCL đề cập tới những định hướng chiến lược trong phát triển nông nghiệp của vùng. Bên cạnh đó, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, liên kết, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm để nâng cao vị thế các mặt hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Vùng ĐBSCL đang triển khai, nhân rộng đề án 1 triệu ha.

Vùng ĐBSCL đang triển khai, nhân rộng đề án 1 triệu ha.

Năm 1975, diện tích canh tác lúa vùng ĐBSCL mới chỉ có hơn 2 triệu ha, trong đó phần lớn là lúa ruộng một vụ, năng suất thấp, sản lượng từ 5-7 triệu tấn/năm. Đất nước thống nhất, nhưng hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề. Thời kỳ đó, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực.

50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năng suất lúa tại ĐBSCL từ 5-6 triệu tấn vào năm 1977, nay lên hơn 20 triệu tấn/năm. Hiện sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mang tính toàn cầu.

Vùng ĐBSCL vựa lúa của cả nước.

Vùng ĐBSCL vựa lúa của cả nước.

Những ngày tháng 4 lịch sử này, cánh đồng lúa hơn 50 hecta của HTX Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh là mô hình điểm của Cần Thơ trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL hiện lên một màu xanh mướt mắt.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX cho biết, canh tác theo quy trình đề án 1 triệu ha giúp người dân giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu trong khi đó năng suất nâng cao, chất lượng đảm bảo, lợi nhuận của người dân tăng cao hơn so với canh tác truyền thống.

“Sản xuất theo mô hình tuần hoàn so với sản xuất truyền thống thì lợi nhuận cao hơn từ 2 đến 6 triệu/hecta. Tôi làm theo mô hình giảm được chi phí, giảm từ 2 đến 3 lần phun thuốc, số lần giảm như vậy thì sản phẩm sẽ ổn định hơn so với canh tác truyền thống”- ông Nguyễn Cao Khải chia sẻ.

Diện tích cây ăn trái của vùng ĐBSCL đang ngày mở rộng và đáp ứng các tiêu chuẩn vào thị trường khó tính.

Diện tích cây ăn trái của vùng ĐBSCL đang ngày mở rộng và đáp ứng các tiêu chuẩn vào thị trường khó tính.

Cùng với cây lúa, từ việc thay đổi tư duy để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nhờ vậy mà sản phẩm nhãn, xoài của huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ đã xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khó tính khác.

Ông Trần Phước Sơn, HTX sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden ở huyện Cờ Đỏ cho biết, HTX luôn quan tâm đến chất lượng, xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh.

“Chúng tôi luôn quan tâm tới xây dựng chất lượng, nếu chất lượng tốt thì doanh nghiệp sẽ tìm đến. Chính vì vậy chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, xây dựng chất lượng để bao tiêu sản phẩm. Hàng hóa của mình muốn cạnh tranh được thì không còn cách nào khác là cải tiến kỹ thuật, làm theo hướng sạch để đảm bảo an toàn, để sản phẩm ngon nhất, sạch nhất” - ông Sơn chia sẻ thêm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm, có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm, có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp.

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện cho thấy, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của ĐBSCL. Đây là khu vực có tầm quan trọng trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước.

Bốn mũi nhọn kinh tế vùng là hạt gạo, con tôm, cá da trơn và trái cây không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây, mà ngày càng mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị, thương hiệu Việt Nam trên bản đồ hàng hóa quốc tế.

Thay đổi tư duy để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thay đổi tư duy để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Với các thế mạnh về thủy sản, trái cây, lúa gạo, ĐBSCL đã và đang hợp tác đầu tư, giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của vùng đã khẳng định thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ cho biết, sản xuất lúa gạo của Cần Thơ hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn; còn ngành hàng trái cây khoảng 200.000 tấn/năm. Những năm qua, Cần Thơ đã hỗ trợ người dân canh tác theo các tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng, tăng cường liên kết, phát triển vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn các HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

“Chúng tôi đang tập trung gắn kết các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó thúc đẩy các lĩnh vực phụ trợ, trong đó phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến và đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển cây ăn trái bền vững. Hiện nay các địa phương trên địa bàn cũng phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chương trình OCOP, đây được xem là nông nghiệp tích hợp đa giá trị”- ông Nghiêm thông tin.

Mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị, thương hiệu Việt Nam trên bản đồ hàng hóa quốc tế.

Mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị, thương hiệu Việt Nam trên bản đồ hàng hóa quốc tế.

Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững, nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân; thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đề án 1 triệu hecta lúa ở vùng ĐBSCL được xem như luồng gió mới, thổi hồn vào cây lúa.

Đề án 1 triệu hecta lúa ở vùng ĐBSCL được xem như luồng gió mới, thổi hồn vào cây lúa.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, qua triển khai thí điểm Đề án 1 triệu hecta lúa đã mang lại hiệu quả cho người dân, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, trong Đề án đã thể hiện rõ vai trò liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, đây là yếu tố then chốt quyết định thành công của đề án.

“Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải trung bình từ 5-6 tấn carbon/ha/vụ. Đồng thời tăng lợi nhuận trên 5 triệu đồng/ha. Điều này chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các tiêu chí về kỹ thuật, về công nghệ, về thương mại ở trong Đề án này. Về liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và HTX là hoàn toàn có thể khả thi, đây là minh chứng cho thấy có thể mở rộng diện tích khoảng 1 triệu ha” - ông Lê Thanh Tùng thông tin thêm.

Vùng ĐBSCL ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

Vùng ĐBSCL ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

Đề án 1 triệu ha lúa ở vùng ĐBSCL được xem như luồng gió mới, thổi hồn vào cây lúa, vào nền nông nghiệp ở nơi đây. Ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nêu rõ, qua các mùa vụ canh tác, người dân và HTX đồng tình, doanh nghiệp phấn khởi khi xây dựng được chuỗi giá trị, tập trung sản xuất để đưa ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL vươn xa.

Ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh: “Thực hiện các tiêu chí trong Đề án không khó, chính quyền địa phương, nông dân, doanh nghiệp ở ĐBSCL đã làm rồi. Tuy nhiên, lần này làm quyết liệt hơn, hoàn thiện hơn và cao cấp hơn để đưa ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung, của ĐBSCL nói riêng, nâng lên một tầm cao mới, đáp ứng được xu thế của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn làm được trong các tiêu chí trong của Đề án, việc liên kết doanh nghiệp với nông dân thì vẫn như thế, tức là gắn sản xuất với thị trường, tiếp tục nâng cao giá trị”.

Nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn khẳng định vai trò, vị thế và là trụ đỡ của nền kinh tế.

Nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn khẳng định vai trò, vị thế và là trụ đỡ của nền kinh tế.

Những năm qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn khẳng định vai trò, vị thế và là trụ đỡ của nền kinh tế khi đóng góp tới 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với các thế mạnh về lúa gạo, thủy sản và trái cây. Cùng với đó, nông nghiệp của vùng đang chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với xu hướng tiêu dùng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong phần hai của loạt bài “Nâng tầm vị thế nông sản vùng ĐBSCL trong hội nhập quốc tế”nhóm phóng viên sẽ phân tích, làm rõ sự thay đổi tư duy của người dân trong canh tác theo tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, là xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL trên thị trường quốc tế.

Phạm Hải-Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thay-doi-tu-duy-huong-den-nen-nong-nghiep-ben-vung-post1190047.vov