Thay đổi tư duy, nông dân thoát nghèo
Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân, chiếm hơn 49% số hộ ở nông thôn. Trình độ nông dân ngày càng được nâng cao, thu nhập, việc làm và đời sống được cải thiện. Một gia đình nông dân sau bữa ăn sáng, người chồng nói phải đi họp, người vợ đi chợ và đứa con đi thi. Nhưng họ không rời khỏi nhà mà vẫn hoàn thành công việc do người chồng họp trực tuyến, vợ đi chợ qua mạng và con thì làm bài thi online.
Kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và nông dân thông minh không còn là lý thuyết mà đang là thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân chân lấm, tay bùn phụ thuộc mùa vụ, thiếu vốn đầu tư phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và trình độ quản lý còn rất hạn chế. Quy mô nông hộ hay doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ bé, năng lực tài chính yếu kém. Một số chủ doanh nghiệp ra đời từ nông hộ không có chuyên môn sâu, nghiên cứu thị trường chưa kỹ và không am hiểu pháp luật các nước, quy luật cạnh tranh thị trường, khi gặp phải những cú sốc thì đứng không vững, vỡ nợ.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Một nhiệm kỳ mới mở ra, nhưng chuyện nông dân thoát nghèo, vượt khó, làm giàu vẫn là chuyện thời sự. Nông dân là ai? Về lý thuyết, nông dân là những người lao động cư trú ở nông thôn, tham gia sản xuất nông nghiệp với tư liệu sản xuất chính gắn với đất đai. Nhưng nông dân mới ngày nay không thể chỉ là những người chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tùy từng quốc gia, mỗi giai đoạn phát triển, nội hàm “nông dân” được hiểu trước và đặt ra trước yêu cầu và không gian phát triển chung.
Tại các nước phát triển, tầng lớp tiểu nông ngày càng ít, thay thế bằng chủ trang trại được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp nông nghiệp. Họ không phải nông dân theo cách hiểu thông thường mà là những công nhân nông nghiệp. Nông dân mới là những doanh nhân nông nghiệp gắn chặt với công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Đó là những nông dân mới với tư duy kinh tế, kiến thức quản trị, đưa cách nghĩ, cách làm, cách thức kinh doanh của một doanh nhân vào nông nghiệp. Yêu cầu khắc nghiệt của thương trường vượt khỏi không gian ruộng đồng, đòi hỏi người nông dân Việt Nam, người làm nông nghiệp phải chuyển đổi tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang tư duy “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cư dân nông thôn cùng với nông dân mới, phải thật sự là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn.
Cần nhiều hơn chính sách hỗ trợ nông dân, đưa đào tạo nghề và lao động nông thôn vào thực chất trong quá trình chuyển dịch, chứ lâu nay đào tạo nghề cho lao động nông thôn như thủ tục hành chính, làm chưa gắn được với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Cùng với đó, cần hỗ trợ và thúc đẩy quá trình doanh nhân hóa nông dân.
Nông dân mới - doanh nhân nông nghiệp cần môi trường và các phương thức kinh doanh nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Đó là quá trình kế thừa và phát huy giá trị tài nguyên bản địa, kiến thức quản trị nông nghiệp, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tạo thành thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-doi-tu-duy-nong-dan-thoat-ngheo-post720434.html