Thay đổi về chất hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn được Bộ Giao thông vận tải quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được Bộ Giao thông vận tải xúc tiến đầu tư và chuẩn bị hoàn thành, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tại khu vực này theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Phấn đấu khởi công 3 tuyến quốc lộ trong năm 2025

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Bộ này đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 53, Quốc lộ 62, Quốc lộ 91B tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3 tuyến quốc lộ này.

Công trình cải tạo trụ sở Bộ Giao thông vận tải hoàn thành đúng hạn

Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai việc đầu tư dự án cải tạo trụ sở làm việc cơ quan Bộ Giao thông vận tải tại 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Công trình do Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần ZME thi công.

Đến 28/8/2024, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành để chào mừng 79 năm ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (28/8/1945 – 28/8/2024). Các hạng mục bổ sung của dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào 31/12/2024.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo để phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025, hoàn thành năm 2027. Cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5m.

Bộ GTVT cũng tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.329,9 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của WB khoảng 6.285,37 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên; vốn đối ứng khoảng 3.044,53 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, chi phí giải phóng mặt bằng…

Các tuyến Quốc lộ 53, 62, 91B sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL.

Cơ bản hoàn thành 60km đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Được biết, Bộ GTVT đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP với tổng chiều dài hơn 60km.

Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có điểm đầu Km0+000, tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20), kết nối với dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.981 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.454 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 5.562 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 200 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 32 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư hơn 157 tỷ đồng, chi phí khác gần 590 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 983 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.681 tỷ đồng, dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 30%, năm 2026 khoảng 40%, năm 2027 khoảng 30%. Vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 1.300 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 62%, năm 2026 khoảng 38%.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ với ĐBSCL, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan đẩy nhanh các thủ tục theo quy định pháp luật để sớm khởi công toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài 220 km.

Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 220 km. Tuyến cao tốc này bao gồm các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km), Tân Phú - Bảo Lộc (dài 67 km), Bảo Lộc - Liên Khương (dài 74 km), Liên Khương - Prenn (dài 19 km).

Đến nay, đoạn Liên Khương - Prenn đã đưa vào khai thác sử dụng. Các đoạn còn lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú đã phê duyệt dự án đầu tư, đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.

Còn các đoạn: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đang được các cơ quan chức năng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Phấn đấu đưa cầu Đại Ngãi 2 về đích trong năm 2025

Cầu Đại Ngãi 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Ảnh: Lê Thông

Bộ GTVT cũng cho biết thêm hiện phần tuyến và các công trình trên tuyến (Km 0+000 - Km 7+150 và Km 10+180 - Km 15+140) của cầu Đại Ngãi 2 đã cơ bản hoàn thành công tác đào bóc hữu cơ và đắp bao đường công vụ (10,43km), tiến độ đã hoàn thành trên 35% giá trị gói thầu.

Đến nay sản lượng thi công cầu Đại Ngãi 2 đạt 50% (vượt tiến độ 8%). Dự kiến bắt đầu lắp dầm vào tháng 11/2024, phấn đấu cơ bản hoàn thành kết cấu nhịp vào tháng 5/2025, hoàn thành toàn bộ cầu Đại Ngãi 2 trong năm 2025. Sau khi hoàn thành, sẽ kết nối Cù Lao Dung với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, tạo điều kiện giao thương hàng hóa phát triển kinh tế. Ngoài ra, đánh thức các tiềm năng về thương mại dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ.

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu) có tổng chiều dài toàn tuyến 15,14km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54 (thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 15/10/2023, dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi gồm 2 công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1, dự kiến khởi công trong quý IV/2024 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe.

Phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12m, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường cấp cao A1. Cầu Đại Ngãi hoàn thành giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo vành đai kết nối các tỉnh duyên hải miền Tây với TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, giúp giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại so với đi tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu./.

Đạt Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thay-doi-ve-chat-ha-tang-giao-thong-dong-bang-song-cuu-long-158496-158496.html