Thấy gì khi Chủ tịch Trung Quốc gặp Jack Ma

Ngoài Jack Ma, tham gia cuộc gặp đều là những nhân vật chủ chốt trong tham vọng của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, phục hồi nền kinh tế thứ 2 thế giới.

 Đây được xem là một tín hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang tìm cách củng cố niềm tin vào khu vực tư nhân. Ảnh: Nikkei.

Đây được xem là một tín hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang tìm cách củng cố niềm tin vào khu vực tư nhân. Ảnh: Nikkei.

Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp với nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma, cùng nhiều doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Jack Ma xuất hiện trong một sự kiện mang tính chính trị cao như vậy, theo Bloomberg.

Sự kiện cũng được xem là động thái thể hiện sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân. Khu vực này từng bị “ra rìa” trong nhiều năm qua, nhưng giờ đây lại được xem là yếu tố then chốt để phục hồi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trung Quốc thay đổi lập trường?

Tại hội nghị lần này, Tập Cận Bình đã lắng nghe các đại diện doanh nghiệp như tỷ phú Jack Ma của Alibaba, Wang Xing của Meituan và Lei Jun của Xiaomi. Tham gia cuộc gặp còn có Wang Xingxing, người sáng lập startup robot Unitree, nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei. Đây đều là những nhân vật chủ chốt trong tham vọng của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Nhà sáng lập Tencent Pony Ma - tập đoàn đi đầu với siêu ứng dụng WeChat và từng được Elon Musk ca ngợi - cũng có mặt tại sự kiện, theo một nguồn tin thân cận. Những tên tuổi lớn trong ngành xe điện như Wang Chuanfu của BYD Co. và Robin Zeng của Contemporary Amperex Technology cũng tham dự.

Theo Bloomberg, việc ông Tập Cận Bình trực tiếp chủ trì hội nghị lần này được xem là tín hiệu mạnh mẽ nhất của Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin của giới doanh nghiệp. “Việc Tập Cận Bình đích thân xuất hiện để gặp gỡ các doanh nhân nhấn mạnh tầm quan trọng chính trị của sự kiện này”, You Chuanman, giảng viên cao cấp tại Trường Luật thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore, nhận định.

 Sự xuất hiện của những doanh nhân trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang nhấn mạnh vai trò của các công ty tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, đặc biệt trong các lĩnh vực như xe điện, AI và chất bán dẫn. Ảnh: Bloomberg.

Sự xuất hiện của những doanh nhân trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang nhấn mạnh vai trò của các công ty tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, đặc biệt trong các lĩnh vực như xe điện, AI và chất bán dẫn. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã biến động mạnh trong tháng qua. Đi kèm là sự lạc quan về những tiến bộ trong AI của nước này sau sự ra mắt của mô hình ngôn ngữ lớn DeepSeek. Tuy nhiên, vào 17/2, cổ phiếu dao động giữa mức tăng và giảm do các nhà đầu tư chờ đợi thông tin chi tiết từ cuộc họp.

Các phương tiện truyền thông nhà nước chủ yếu tập trung vào danh sách các doanh nhân tham dự mà không tiết lộ nhiều về nội dung cuộc thảo luận. Một ngoại lệ đáng chú ý là Tencent. Cổ phiếu của tập đoàn này tăng lên mức cao nhất trong 4 năm sau khi tích hợp mô hình AI DeepSeek R1 trên nền tảng WeChat.

Giám đốc Shen Meng ngân hàng đầu tư Chanson & Co. cho biết một số nhà đầu tư đã chọn chốt lời. “Dư địa tăng trưởng tiếp theo phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ sắp được ban hành, nhưng tác động của các biện pháp này có thể sẽ không rõ ràng trong ngắn hạn”, ông nói.

Vai trò của Jack Ma

Theo Bloomberg, Jack Ma từng là gương mặt tiêu biểu của nền kinh tế tư nhân Trung Quốc, nhưng cũng là một trong những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chiến dịch trấn áp khu vực tư nhân của Bắc Kinh.

Năm 2020, chính quyền Trung Quốc bất ngờ hủy bỏ kế hoạch IPO trị giá hàng tỷ USD của Ant Group, công ty con của Alibaba. Động thái này cũng mở đầu cho một loạt biện pháp siết chặt kiểm soát nhằm hạn chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn.

Trong những năm sau đó, chính quyền tập trung nguồn lực vào các ưu tiên của Tập Cận Bình như an ninh quốc gia và tự chủ công nghệ. Jack Ma từng là một trong những doanh nhân có tiếng nói mạnh mẽ nhất Trung Quốc, sau này dần biến mất khỏi công chúng.

Tuy nhiên, gần đây, chính quyền nước này dường như đang nới lỏng lập trường do nền kinh tế chững lại và các công ty tư nhân bắt đầu điều chỉnh theo chiến lược của chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực AI.

Alibaba cũng không ngoại lệ. Mô hình AI Qwen của tập đoàn đã đạt thành tích ấn tượng trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn chính thức. Thậm chí, Apple còn tích hợp công nghệ AI của Alibaba vào các dòng iPhone bán tại Trung Quốc. Tín hiệu này cho thấy thị trường đang dần công nhận công nghệ của tập đoàn này.

Theo chuyên gia You Chuanman, việc Trung Quốc thay đổi thái độ với khu vực tư nhân không phải là đảo ngược 180 độ so với chính sách trước đây mà là một sự điều chỉnh theo hướng "khuyến khích và tạo điều kiện".

“Trung Quốc đã chuyển từ chính sách siết chặt thị trường bất động sản và khu vực tư nhân trước đại dịch Covid-19 sang việc phát đi tín hiệu tích cực hơn với nền kinh tế tư nhân. Trung Quốc đang dần thể hiện sự khoan dung, cải thiện và khuyến khích sự phát triển của khu vực này”, ông nhận xét.

 Không ai đại diện rõ nét hơn cho sự biến động của khu vực tư nhân Trung Quốc bằng Jack Ma. Ảnh: Nikkei.

Không ai đại diện rõ nét hơn cho sự biến động của khu vực tư nhân Trung Quốc bằng Jack Ma. Ảnh: Nikkei.

Mặc dù động thái lần này của chủ tịch Trung Quốc có thể làm tăng niềm tin thị trường và tạo động lực mới cho các doanh nhân, vấn đề vẫn là chính quyền sẽ đi xa đến mức nào trong việc hỗ trợ khu vực tư nhân.

Một cam kết chắc nịch từ ông Tập chắc chắn sẽ đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc lên cao hơn nữa, đồng thời giúp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Nhưng điều quan trọng vẫn là liệu Bắc Kinh có thực sự đưa ra các biện pháp cụ thể hay không, theo Bloomberg.

Giới quan sát Trung Quốc không kỳ vọng chính quyền sẽ quay lại chính sách ủng hộ khu vực tư nhân như trước năm 2020. Nhất là khi nước này đang chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong số những doanh nhân Trung Quốc, không ai thể hiện rõ nét sự thăng trầm của nền kinh tế tư nhân bằng Jack Ma. Từ một giáo viên tiếng Anh bình thường, ông đã tạo nên Alibaba từ căn hộ nhỏ bên hồ vào năm 1999, đánh bại các đối thủ nước ngoài như eBay để trở thành tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, đồng thời xây dựng danh tiếng thành biểu tượng của ngành công nghệ tư nhân.

Năm 2015, một năm sau khi Alibaba thực hiện IPO lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, Jack Ma đã có nhiều cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, bao gồm cả tại hội nghị kinh doanh ở Mỹ cùng với các CEO nước ngoài như Tim Cook và Mark Zuckerberg. Cả 2 cũng từng gặp nhau tại hội nghị internet Wuzhen do chính phủ Trung Quốc tổ chức.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi năm 2020. Trong một hội nghị tại Thượng Hải, Jack Ma đã có bài phát biểu gây chấn động, chỉ trích hệ thống tài chính và cơ quan quản lý Trung Quốc. Không lâu sau, chính quyền Bắc Kinh đã bất ngờ dừng IPO của Ant Group, khiến giới tài chính Phố Wall sửng sốt. Những đòn giáng tiếp theo đã khiến đế chế Alibaba bị chao đảo, còn Jack Ma gần như biến mất khỏi công chúng trong nhiều năm.

Từ năm 2023, Jack Ma bắt đầu xuất hiện trở lại với những chuyến thăm không thường xuyên đến trụ sở Alibaba, cũng như đăng bài trên diễn đàn nội bộ của công ty. Cuộc gặp lần này với ông Tập có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, giúp Alibaba hồi sinh sau thời gian dài lao đao.

Sự phục hồi này đã phần nào thể hiện qua chiến lược mới của Alibaba. Năm 2024, 2 cộng sự lâu năm của Jack Ma là Joe Tsai và Eddie Wu đã quyết định đặt cược lớn vào AI, giúp giá trị thị trường của Alibaba tăng hơn 90 tỷ USD chỉ trong một năm.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-khi-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-gap-jack-ma-post1532247.html