Hàng vạn tiểu thương 'nâng trình' bán hàng nhờ ứng dụng của người Việt
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam được nhận xét là một môi trường đầy cơ hội và tiềm năng để phát triển. Nhưng nhiều năm qua, nhân tố quan trọng của thị trường - các tiểu thương vẫn thực hiện công việc của mình theo cách truyền thống. Một dự án khởi nghiệp của người Việt - ứng dụng Sổ bán hàng ra đời đã nhanh chóng được lựa chọn, đánh giá cao vì dễ dùng và rất rẻ...
VnEconomy có buổi trò chuyện với anh Bùi Hải Nam CEO ứng dụng Sổ bán hàng để hiểu rõ hơn về việc số hóa quy trình bán hàng của các tiểu thương tại Việt Nam cũng như những khó khăn, vướng mắc của các dự án khởi nghiệp liên quan tới công nghệ, số hóa...
Vì lý do gì, đang là một nhân sự cao cấp của các tập đoàn lớn, anh quyết định “liều mình” để khởi nghiệp. Chắc hẳn anh nhìn thấy những những cơ hội lớn từ thương mại điện tử và thị trường bán lẻ?
Trước khi phát triển Sổ Bán Hàng, tôi đã có 7 - 8 năm làm việc trực tiếp với các chủ kinh doanh nhỏ. Đó là thời điểm tôi đang làm cho Lazada, sứ mệnh của tôi là tìm cách thuyết phục những người kinh doanh nhỏ hiểu về tiềm năng của thương mại điện tử và giúp họ có cơ hội thay đổi khi tham gia vào thương mại điện tử.
Sau 7,8 năm tiếp xúc, làm việc với các chủ kinh doanh nhỏ, tôi nhận thấy thị trường này có tiềm năng cực kỳ lớn. Tại sao tôi có nhận định như vậy, bởi thời điểm đó, và ngay cả giai đoạn hiện nay, thương mại điện tử vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ của toàn bộ thị trường bán lẻ, khoảng 7%. Vậy 93% còn lại, ai sẽ phục vụ họ?
Thực tế thì các chủ kinh doanh nhỏ này, ngay cả các doanh nghiệp SME đều chưa được chuyển đổi số một cách đúng mức.
Ngay cả sau đại dịch Covid-19 – khi chuyển đổi số trở thành nhu cầu cấp bách – vẫn có đến 60% chủ kinh doanh nhỏ không có công cụ số phù hợp để quản lý và vận hành doanh nghiệp. Đây chính là một thị trường tiềm năng rất lớn, nhưng chưa có giải pháp thực sự tối ưu dành cho họ.
Tuy nhiên, khi nói đến chuyển đổi số, nhóm kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ lại có những thách thức riêng. Họ đã quen với cách vận hành truyền thống qua nhiều năm, do đó, một sản phẩm công nghệ muốn tiếp cận được nhóm này phải đáp ứng ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, sản phẩm phải dễ dàng tiếp cận. Thay vì yêu cầu máy tính hay thiết bị chuyên dụng, Sổ Bán Hàng được thiết kế để hoạt động ngay trên điện thoại di động – thứ mà hầu hết chủ cửa hàng đều có sẵn.

CEO Bùi Hải Nam trò chuyện cùng VnEconomy trong chương trình CEO Inside
Thứ hai, giao diện phải thân thiện và dễ sử dụng, ngay cả với những người không rành công nghệ. Chúng tôi tập trung vào việc thiết kế trải nghiệm sao cho người dùng có thể học cách sử dụng ngay trong quá trình thao tác, không gặp rào cản về kỹ thuật.
Thứ ba, phải giảm thiểu chi phí ban đầu. Doanh nghiệp siêu nhỏ thường e ngại đầu tư vào công nghệ vì lo ngại chi phí cao. Vì vậy, chúng tôi cho phép họ bắt đầu với phiên bản miễn phí, giúp họ làm quen và thấy được lợi ích thực sự trước khi nâng cấp.
Sổ Bán Hàng có một chương trình hỗ trợ, trong đó ứng dụng sẽ liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn cho các nhà bán lẻ đang sử dụng nền tảng của mình. Anh có chia sẻ rằng đây là một bài toán không hề đơn giản. Vậy hiện tại, chương trình này đã được triển khai đến đâu? Đã có bao nhiêu tiểu thương tiếp cận được nguồn vốn nhờ sự hỗ trợ của Sổ Bán Hàng?
Đây thực sự là một bài toán rất lớn. Việc giúp các tiểu thương và chủ kinh doanh nhỏ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng còn phức tạp hơn cả bài toán chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Sổ Bán Hàng đã hợp tác với 3 - 4 ngân hàng và triển khai thử nghiệm hỗ trợ hàng trăm chủ kinh doanh nhỏ tiếp cận nguồn vốn.
Để mở rộng quy mô hơn nữa, chúng tôi vẫn phải phụ thuộc vào ngân hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng cần hỗ trợ các ngân hàng xây dựng niềm tin và cơ sở đánh giá hiệu quả cho vay đối với phân khúc khách hàng này. Nhưng chúng tôi tự tin vào mô hình này vì ba lý do chính:
Thứ nhất, dữ liệu giao dịch của các khách hàng sử dụng nền tảng Sổ Bán Hàng hoàn toàn minh bạch và rõ ràng. Điều này giúp chúng tôi có cái nhìn chi tiết về tình hình kinh doanh của các chủ cửa hàng, thậm chí còn chính xác hơn cả cách họ tự đánh giá. Khi chia sẻ những dữ liệu này với ngân hàng, họ cũng có căn cứ để xem xét và ra quyết định cho vay dễ dàng hơn.
Thứ hai, nền tảng công nghệ của chúng tôi giúp ngân hàng tiếp cận phân khúc khách hàng nhỏ lẻ theo cách hoàn toàn mới. Trước đây, ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay doanh nghiệp lớn với các khoản vay giá trị cao. Giờ đây, nhờ công nghệ, họ có thể tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ một cách đại trà, tối ưu chi phí vận hành, đồng thời đẩy nhanh quy trình đánh giá tín dụng và giải ngân.
Thứ ba, thị trường này còn rất mới, nhưng các ngân hàng đã bắt đầu cởi mở hơn trong việc tiếp cận và hỗ trợ nhóm khách hàng tiềm năng này. Đây là tín hiệu tích cực để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình, giúp nhiều chủ kinh doanh nhỏ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Trong quá trình xây dựng doanh nghiệp và phát triển sản phẩm, anh nhận thấy đâu là những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp của anh đã gặp phải? Đặc biệt, về mặt cơ chế chính sách và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, theo anh điều gì có thể giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn?
Thách thức đầu tiên là việc gọi vốn. Các nhà đầu tư thường e ngại khi rót vốn vào thị trường Việt Nam, vì vậy nhiều startup – trong đó có Sổ Bán Hàng – buộc phải tìm cách mở công ty tại Singapore để nhận được khoản đầu tư đầu tiên. Đây là một rào cản không nhỏ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.
Thách thức thứ hai là những khó khăn về thủ tục hành chính. Sổ Bán Hàng ra đời ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi đó, ngoài việc tập trung phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường, chúng tôi còn phải xử lý rất nhiều thủ tục liên quan. Trong giai đoạn đầu, một startup tốt nhất nên tập trung vào tăng trưởng và tạo doanh thu, thay vì mất quá nhiều thời gian vào các vấn đề hành chính.
Thách thức thứ ba là sự thiếu rõ ràng về cơ chế khi mở rộng mô hình kinh doanh. Hiện tại, Sổ Bán Hàng đang hợp tác với nhiều ngân hàng để giúp các tiểu thương tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi phải liên tục tìm hiểu, đối chiếu với các quy định pháp lý để đảm bảo hoạt động đúng luật. Việc thiếu một khung pháp lý rõ ràng cho các mô hình đổi mới sáng tạo khiến doanh nghiệp dè dặt hơn khi thử nghiệm những giải pháp mới.
Nhìn chung, để các startup Việt Nam phát triển tốt hơn, rất cần một môi trường đầu tư cởi mở hơn, thủ tục hành chính tinh gọn hơn và cơ chế pháp lý linh hoạt hơn để hỗ trợ các mô hình kinh doanh sáng tạo.
Nếu có cơ hội đưa ra kiến nghị hoặc đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp – giống như hành trình phát triển của Sổ Bán Hàng, vậy anh sẽ đề xuất những gì?
Từ kinh nghiệm thực tế của Sổ Bán Hàng, tôi thấy rằng nếu có được sự hỗ trợ ở một số điểm sau, không chỉ startup của chúng tôi mà cả hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Thứ nhất, cần có chính sách rõ ràng và cởi mở hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào các startup Việt Nam. Hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế vẫn gặp nhiều rào cản khi muốn rót vốn vào Việt Nam, từ quy trình pháp lý phức tạp đến lo ngại về khả năng thoái vốn sau này.
Nếu Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết về quy trình đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tạo điều kiện để họ có thể dễ dàng thoái vốn khi đạt lợi nhuận, thì chắc chắn môi trường đầu tư sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn quý giá mà còn giúp startup Việt Nam tiếp cận được với kinh nghiệm quốc tế, học hỏi từ những mô hình đã thành công ở các thị trường khác.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Những người làm công nghệ như chúng tôi thường tập trung vào chuyên môn, nhưng khi bước vào vận hành doanh nghiệp, chúng tôi mất rất nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính.
Nếu có cơ chế ưu tiên, chẳng hạn như miễn giảm một số thủ tục hành chính trong 3 - 4 năm đầu để startup có thể tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo và phát triển sản phẩm, thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội sống sót và phát triển vững chắc hơn. Khi đã đủ lớn mạnh, startup sẽ có khả năng tự vận hành và không cần dựa quá nhiều vào vốn đầu tư bên ngoài.
Thứ ba, cần tạo ra một cơ chế thử nghiệm linh hoạt hơn cho các mô hình kinh doanh sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoặc các mô hình kinh doanh mới gặp khó khăn vì chưa có quy định rõ ràng, khiến họ e dè khi thử nghiệm hoặc mở rộng quy mô.
Nếu có một khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các startup công nghệ, giúp họ triển khai sản phẩm trong một phạm vi nhất định mà không lo vướng mắc pháp lý, thì sẽ thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ hơn. Khi mô hình kinh doanh được kiểm chứng hiệu quả, việc hoàn thiện khung pháp lý theo đó cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tóm lại, nếu có chính sách thu hút đầu tư tốt hơn, quy trình hành chính tinh gọn hơn và cơ chế thử nghiệm linh hoạt hơn, các startup Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế.