Thấy gì khi thanh khoản cổ phiếu VinFast tại Mỹ gần bằng 1/4 sàn HOSE?

Nói về quyết định đưa cổ phiếu VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, CEO VinFast toàn cầu cho biết tiềm năng thanh khoản và nguồn vốn của chứng khoán Mỹ rất lớn, giúp công ty huy động được nhiều vốn, đủ tiềm lực vươn ra toàn cầu.

CEO VinFast Toàn cầu, bà Lê Thị Bích Thủy tại lễ rung chuông khai trương giao dịch cổ phiếu VinFast. Ảnh: VF.

CEO VinFast Toàn cầu, bà Lê Thị Bích Thủy tại lễ rung chuông khai trương giao dịch cổ phiếu VinFast. Ảnh: VF.

Ngay sau sự kiện rung chuông khai trương giao dịch cổ phiếu trên sàn Nasdaq, lãnh đạo của VinFast đã có buổi gặp gỡ báo giới để chia sẻ về chiến lược phát triển của công ty trên thị trường quốc tế, quyết định quanh câu chuyện niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới này.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu, Vingroup luôn chọn cách làm “đến nơi, đến chốn”, ngay cả việc ra đời của VinFast cũng là một lựa chọn khó nhất.

Kể lại câu chuyện của VinFast ngay từ khi thành lập, một ý kiến được đưa ra trong bối cảnh chưa có ngành công nghiệp ô tô phát triển, những con người không biết gì về ô tô đó là đi sản xuất ô tô cho các hãng để học hỏi rồi sau đó mới đi phát triển ô tô của công ty.

Nhưng lãnh đạo cấp cao của Vingroup đã quyết định xây dựng một thương hiệu riêng, phát triển ô tô ngay từ ban đầu. Tiếp tới với quyết định phát triển xe điện, đây cũng là một quyết định khó khăn với VinFast bởi đây là một xu thế mới của thị trường.

Tuy nhiên, khi đánh giá ở thời điểm hiện nay, CEO VinFast toàn cầu cho biết mọi thứ đã dễ dàng hơn nhất nhiều so với khi bắt đầu hoạt động hay khi đi vào phát triển xe điện.

Trở lại với quyết định niêm yết tại Mỹ, bà Thủy nói: “Lựa chọn thị trường chứng khoán Mỹ vì thanh khoản và nguồn vốn ở đây rất là lớn, chọn niêm yết ở đây giúp cho VinFast có tương lai để có thể huy động được nhiều vốn trên thị trường. Miễn là mình thực hiện những gì mình hứa và đạt những cột mốc mà mình tuyên bố với thị trường. Thị trường rất là fair (công bằng) và nhà đầu tư cũng rất fair (công bằng)”.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ mang lại tiềm năng vốn đủ lớn để VinFast có thể vươn ra toàn cầu, CEO Lê Thị Thu Thủy nói.

Những gì đã diễn ra trong phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VinFast đã phần nào phản ánh tiềm năng của công ty dựa trên quy mô thanh khoản của thị trường Mỹ.

Ghi nhận trong phiên 15/8, cổ phiếu VinFast có khối lượng giao dịch gần 6,8 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 37,06 USD/cp. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu VinFast phiên đầu tiên đạt khoảng 200 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng), gần bằng ¼ quy mô thanh khoản trên Sở Giao dịch TP HCM (HOSE).

Thanh khoản VinFast tăng cao một phần do sức nóng từ thương vụ một công ty Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Phần khác thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch với cơ chế T+0, tức nhà đầu tư có thể mua bán ngay trong phiên.

Mặc dù nhiều tiềm năng cho việc phát triển nguồn vốn, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ rất khắt khe với các tiêu chuẩn về chuẩn mực kế toán, công bố thông tin, quan hệ nhà đầu tư…

Một cơ chế mở giúp những công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ tại Mỹ cũng có thể lên sàn, nhưng việc quan trọng hơn đó là nhà đầu tư đánh giá sự cam kết của ban lãnh đạo công ty. Những gì được hứa và cột mốc công ty tuyên bố chính là sự cam kết với nhà đầu tư mà CEO VinFast toàn cầu vừa đề cập ở trên.

Khi được hỏi về công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) sắp tới khi VinFast đã trở thành một công ty toàn cầu và mở lối để tìm kiếm “cá mập”, nhà đầu tư chiến lược, CEO Lê Thị Bích Thủy cho rằng VinFast là một mảnh ghép của Vingroup. Ở Vingroup, việc quan hệ với những nhà đầu tư quốc tế thường xuyên diễn ra và tập đoàn cũng đang áp dụng những tiêu chuẩn cao nhất trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư, công bố thông tin.

Với VinFast, những tiêu chuẩn có thể sẽ được nâng cao bởi yêu cầu khắt khe hơn tại thị trường chứng khoán Mỹ, CEO VinFast Toàn cầu cho biết.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thay-gi-khi-thanh-khoan-co-phieu-vinfast-tai-my-gan-bang-14-san-hose.html