Thấy gì khi Việt Nam lần đầu dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7?

Theo ông Dương Hải Dương, việc Italia - nước Chủ tịch G7, mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng cho thấy sự coi trọng và đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với nước ta.

Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Italia để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng.

2024 là năm đầu tiên, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tham dự. Đây không chỉ là hoạt động xã giao, mà điều này đã chứng tỏ Italia và các nước G7 thực sự đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Antonio Tajani - nước chủ nhà của Hội nghị năm nay cũng nhận định rằng, Việt Nam là "tấm gương sáng", là một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2024 là năm đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam (Ảnh: MOIT).

2024 là năm đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam (Ảnh: MOIT).

Từ đó, thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.

Nhân dịp này, ông Dương Hải Hưng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italia - đã có những chia sẻ với báo chí về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chuyến công tác tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng của Tư lệnh ngành Công Thương.

Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7

PV: Thưa Đại sứ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có chuyến công tác tại Italia và dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến công tác của Bộ trưởng tới Italia, chuyến công tác này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới nào cho quan hệ hai nước?

ÔngDương Hải Hưng: Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi song còn bấp bênh và đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Đây là hội nghị định kỳ với sự tham dự của 7 nước nhóm có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và một số nước khách mời và tổ chức quốc tế, trong đó Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN.

Ông Dương Hải Hưng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italia (Ảnh: MOIT).

Ông Dương Hải Hưng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italia (Ảnh: MOIT).

Chủ đề hội nghị "Tác động của địa chính trị đối với dòng chảy thương mại và sức chống chịu của chuỗi cung ứng" đã phản ánh quan tâm, nhu cầu, đồng thời gợi mở thảo luận và định hướng hành động của các nước tham dự về một chủ đề quan trọng, thiết thực là đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và bền vững, góp phần vào đà hồi phục và phát triển kinh tế thế giới.

Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã không chỉ đảm bảo được sự ổn định trước các thách thức lớn của tình hình thế giới mà còn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao vượt mong đợi.

Việc Italia - nước Chủ tịch G7, mời Việt Nam tham dự Hội nghị cho thấy sự coi trọng và đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với nước ta, một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, có đóng góp quan trọng vào đảm bảo chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, tiếng nói của ta tại Hội nghị chia sẻ các chủ trương lớn về đối ngoại, về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; quan điểm đề cao hợp tác đa phương và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu; kêu gọi hạn chế rào cản thương mại và các biện pháp phi thuế quan không cần thiết làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Việc xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, linh hoạt và bền vững chính là sự chia sẻ tầm nhìn, cách tiếp cận, bài học kinh nghiệm của Việt Nam, được củng cố bởi các thành tựu thực tiễn… là những giá trị gia tăng quan trọng mà Việt Nam mang đến, góp phần vào thành công của Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani chụp ảnh chung trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng (Ảnh: MOIT).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani chụp ảnh chung trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng (Ảnh: MOIT).

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc gặp với các đối tác như Canada, New Zealand, Brazil, WTO… trao đổi xử lý các vấn đề, thách thức trong thương mại toàn cầu và thúc đẩy hợp tác song phương.

Trong đó, đặc biệt là cuộc gặp quan trọng và hiệu quả với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani, Chủ tịch G7, hai bên đã trao đổi thực chất nhiều vấn đề và đề ra các định hướng quan trọng về các lĩnh vực hợp tác như năng lượng mới, khai thác khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm của hai nước…

Mang nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao

PV: Việc nước chủ nhà Italia mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng, đây không chỉ là lời mời xã giao mà đây là ghi nhận của nước G7 đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò hợp tác phát triển của Việt Nam đối với các nước thành viên G7 nói chung và Italia nói riêng?

ÔngDương Hải Hưng: Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phía Italia đã nhấn mạnh việc mời Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao, thể hiện định hướng của nước Chủ tịch không muốn G7 chỉ là cuộc họp của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, mà cần phải mở rộng đối thoại và hợp tác như cách mà Việt Nam đã làm thời gian qua.

Đây là một nhận xét sâu sắc và có ý nghĩa khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa mà ta đã triển khai hiệu quả thời gian qua được cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước G7, thừa nhận, đánh giá cao và mong muốn nhân rộng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani cũng nhận định rằng, Việt Nam là “tấm gương sáng”, là một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Ảnh: MOIT).

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani cũng nhận định rằng, Việt Nam là “tấm gương sáng”, là một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Ảnh: MOIT).

Việt Nam là 1 trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới; thuộc top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, top 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài và top 46 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo. Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước, trong đó có các nước G7.

Với Italia, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, tốc độ tăng trưởng thương mại tích cực, trung bình ở mức trên dưới 2 chữ số mỗi năm. Tuy nhiên, đầu tư Italia vào Việt Nam chỉ đứng thứ 33/146 nước và vùng lãnh thổ, còn khiêm tốn so với tiềm năng hai nước.

Đáng chú ý là SACE và Simest, hai định chế tài chính lớn, quan trọng của Italia sẽ sớm hoạt động tại Việt Nam, định hướng nguồn lực của Italia hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư giữa hai nước, một mặt tái khẳng định niềm tin của các nước và nhà đầu tư G7, trong đó có Italia, vào Việt Nam, mặt khác cũng có thể kỳ vọng về làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Italia vào Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-gi-khi-viet-nam-lan-dau-du-hoi-nghi-bo-truong-thuong-mai-g7-204240719145145232.htm