Thấy gì ở làng bích họa Tam Thanh?
Làng bích họa Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) từng là điểm đến của du khách. Thế nhưng theo thời gian, các tranh vẽ đã xuống cấp, gần đây xuất hiện một số bức tranh mới nhưng đang gây ra những ý kiến trái chiều.
Xuống cấp theo thời gian
Trước khi nổi tiếng, Tam Thanh vốn là làng chài yên bình nằm bên bờ biển. Hằng ngày đàn ông ra biển đánh bắt hải sản, phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình.
Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt, do UBND TP Tam Kỳ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Tổ chức UN-Habitat phối hợp thực hiện vào tháng 6/2016. 120 ngôi nhà đã được các họa sĩ phủ lên các bức vẽ: chân dung chủ nhà, tranh cá, tĩnh vật, phong cảnh, nhịp điệu sinh hoạt của cư dân làng biển, cảnh những đứa trẻ nô đùa hay cảnh may vá, thêu thùa... Tất cả đã được thể hiện một cách sống động. Từ đó làng có tên là “làng bích họa Tam Thanh”.
Ngôi làng ngày càng trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Thế nhưng khoảng chừng 5 năm sau khi đưa vào hoạt động đón khách, những bức tranh trên các tường nhà của người dân dần xuống cấp, do vùng đất gánh chịu bão dữ hàng năm. Làng ở sát biển nên hơi nước mặn khiến tranh bị bong tróc, hoặc rêu mốc. Một số người xây mới nhà đã đập bỏ những bức tường tranh...
Ý kiến trái chiều
Để nâng cấp làng bích họa, vào cuối tháng 4/2023, nhiều họa sĩ từ Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tự nguyện đến làng bích họa Tam Thanh để vẽ mới 25 tranh tường, 60 tranh trên lu, 55 tranh trên thuyền thúng... Chính quyền địa phương hỗ trợ tiền ăn, ở và đi lại cho các họa sĩ, còn các họa sĩ thì vẽ tranh miễn phí. Thế nhưng từ đây bắt đầu xuất hiện những ý kiến trái chiều.
Một người dân nói: “Trước đây tường nhà của tôi được vẽ rất đẹp, bức tranh gắn liền với cuộc sống hàng ngày, du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm rất đông. Sau khi tranh bị xuống cấp, mới đây một số họa sĩ đến nhà tôi vẽ bức tranh một người đang kéo lưới bắt cá trên biển, nhưng nhìn vào tôi không biết người này là phụ nữ hay đàn ông, nếu đàn ông sao lại bộ ngực to quá, còn phụ nữ mà kéo lưới bắt cá thì không phù hợp, vì phụ nữ ở nhà chứ không bao giờ đi ra biển đánh bắt cá”.
Người khác lại nói: “Tôi không hiểu tác giả muốn nói gì. Vẽ con bò không ra con bò. Nếu họ vẽ tranh trừu tượng thì không hợp với tình cảnh làng chài ven biển, vì đa số người dân nơi đây là lao động phổ thông”.
Không chỉ chủ các ngôi nhà mà nhiều người dân địa phương cũng cho rằng một số bức tranh vẽ rất khó hiểu. Vì là dân lao động phổ thông nên họ không nhận ra được ý tưởng của bức tranh đó.
Được biết, trước khi họa sĩ vẽ có đưa những bản mẫu để gia đình chọn, sau đó họ mới triển khai vẽ. Nhưng thực tế, họa sĩ tự vẽ theo ý tưởng của họ. “Giá mà trước khi vẽ họ hỏi ý kiến người dân, hay cho người dân được quyền chọn tranh thì tốt biết mấy, chúng tôi chỉ thích những bức tranh gắn liền cuộc sống thường ngày của bà con” - một người dân trong xã nói.
Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người tham gia vẽ tranh ở xã Tam Thanh, công việc sáng tác mỹ thuật mà cụ thể là vẽ tranh là công việc cá nhân. Do đó, một bức tranh vẽ ra sẽ có người thích và có người không thích. Là họa sĩ, ông tôn trọng các tác phẩm đồng nghiệp đã vẽ. Ví dụ như danh họa Picasso nổi tiếng nhưng nhiều tranh người ta không thích. Với ông thì xem như là dịp các họa sĩ thể hiện những cái mới, sự đa dạng.
“Bức tranh 2 con bò vẽ rất đẹp với bố cục giữa 2 cánh cửa sổ và người phụ nữ đứng ở trung tâm. Tôi tin bức vẽ sẽ thu hút được nhiều người xem và bà con địa phương sẽ hiểu. Trên tivi mọi người cũng đã từng xem chương trình tặng bò cho người nghèo. Bò sẽ sinh nở và giúp cày, bừa, con bò là gia tài của người nông dân. Qua đó, một số hình ảnh bức tranh vinh danh con người và con vật rất đẹp” - ông Hỷ nói.
Còn ông Võ Quang Hân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh chia sẻ: “Tôi nghĩ các họa sĩ làm nghệ thuật suy nghĩ theo trường phái riêng nên chúng tôi rất ghi nhận và trân trọng tình cảm của họ, còn một số du khách, người dân cho rằng bức tranh đó là xấu, khó hiểu thì xã sẽ báo cáo UBND thành phố để xin ý kiến chỉ đạo và có sự thống nhất đưa ra phương hướng xử lý” - ông Hân cho biết.
Khoảng chừng 5 năm sau khi đưa vào hoạt động đón khách, những bức tranh trên các tường nhà của người dân dần xuống cấp, do vùng đất gánh chịu bão dữ hàng năm. Làng ở sát biển nên hơi nước mặn khiến tranh bị bong tróc, hoặc rêu mốc. Một số người xây mới nhà đã đập bỏ những bức tường tranh...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thay-gi-o-lang-bich-hoa-tam-thanh-5716548.html