Thấy gì ở mùa lễ hội Xuân? - Bài cuối: Để mùa lễ hội an toàn, văn minh hơn

Không khí rộn ràng của mùa xuân không chỉ thể hiện ở những sắc màu rực rỡ của các lễ hội truyền thống, mà còn ở tinh thần văn minh, trật tự ngày càng được nâng cao. Năm nay, nhiều lễ hội đã có điểm mới trong công tác tổ chức, quản lý, vừa góp phần tôn vinh di tích, vừa phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân, du khách...

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, các chuyên gia cho rằng, để có một mùa lễ hội thực sự an toàn, văn minh thì còn nhiều việc phải làm, từ cơ quan quản lý đến các địa phương và cả vai trò của cộng đồng tham gia.

Độc đáo Lễ hội “rước vua giả” ở đền Sái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lân.

Độc đáo Lễ hội “rước vua giả” ở đền Sái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lân.

Ứng dụng công nghệ trong tổ chức và quản lý lễ hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sự chuyển biến tích cực trong mùa lễ hội năm nay không chỉ là một tín hiệu đáng mừng mà còn cho thấy những nỗ lực quản lý, tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước đã dần phát huy hiệu quả. Không khí rộn ràng của mùa xuân không chỉ thể hiện ở những sắc màu rực rỡ của các lễ hội truyền thống, mà còn ở tinh thần văn minh, trật tự ngày càng được nâng cao. So với những năm trước, tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc hay những hành vi phản cảm đã giảm đi rõ rệt, nhường chỗ cho một không gian lễ hội thực sự trang nghiêm, thanh bình và mang đậm giá trị văn hóa.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự chuyển biến này chính là ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, nhiều người đến lễ hội với tâm lý "càng đông càng linh thiêng", sẵn sàng chen lấn để dâng lễ, xin lộc, thì nay đã dần chuyển sang một thái độ điềm tĩnh, trật tự hơn. Họ đến đền, chùa không chỉ để cầu mong may mắn mà còn để vãn cảnh, tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Hình ảnh dòng người kiên nhẫn xếp hàng vào dâng hương, những lời nói nhỏ nhẹ, những hành động nhường nhịn nhau khi tham dự lễ hội, tất cả góp phần tạo nên một không gian văn hóa ứng xử nơi công cộng đáng trân trọng.

Bên cạnh sự thay đổi từ phía người dân, công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm nay đã có nhiều cải tiến đáng kể. Các địa phương đã chủ động lên kế hoạch, siết chặt quy định ngay từ đầu mùa lễ hội, từ việc kiểm soát lượng khách tham gia, phân luồng giao thông, đến việc hạn chế mê tín dị đoan, buôn bán trục lợi trong khu vực lễ hội.
Để có một mùa lễ hội thực sự an toàn, văn minh, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của chính người dân và du khách. Lễ hội là không gian văn hóa của cộng đồng, và muốn giữ gìn nét đẹp ấy, chúng ta cần cả một quá trình quản lý chặt chẽ, tổ chức bài bản và nâng cao ý thức tham gia từ mỗi cá nhân.

“Các cơ quan chức năng cần tiếp tục siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định, mà quan trọng hơn là giám sát thực thi một cách nghiêm túc. Cần có những phương án cụ thể để tránh tình trạng lộn xộn, chen lấn, như kiểm soát lượng người vào khu vực lễ hội, phân luồng giao thông hợp lý, và bố trí lực lượng an ninh, cứu hộ tại những điểm dễ xảy ra quá tải” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.

Theo ông Sơn, hiện một số lễ hội lớn đã áp dụng công nghệ trong quản lý như phát lộc có kiểm soát, bán vé online, livestream nghi thức lễ hội để giảm tải lượng người dồn về một thời điểm nhất định, đây là những giải pháp cần được nhân rộng. Ngoài ra, cần có sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý lễ hội, không chỉ riêng ngành văn hóa mà còn từ các cơ quan an ninh, y tế, giao thông.

Tránh “sân khấu hóa” lễ hội

Chung nhận định, mùa lễ hội năm nay đang được các địa phương tổ chức chu đáo, trang trọng, song vẫn bảo đảm an toàn, văn minh. Tuy nhiên, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, cần thực hiện đồng bộ thêm nhiều giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng để phổ biến ý nghĩa và giá trị của lễ hội truyền thống. Sử dụng các kênh truyền thông như báo chí, mạng xã hội, phát thanh, truyền hình để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Tập trung giáo dục người dân về cách ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, tránh chen lấn, tranh giành hay xả rác bừa bãi.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan chức năng, tăng cường hoạt động kiểm tra và giám sát. Thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương. Việc thành lập các đội kiểm tra liên ngành gồm chính quyền địa phương, công an, cơ quan văn hóa để quản lý và xử lý kịp thời các vi phạm; ngăn chặn các tình huống, điểm nóng phát sinh. Hạn chế tình trạng lễ hội tự phát hoặc không được cấp phép chính thức. Tôn trọng các nghi lễ, nghi thức truyền thống, tránh tình trạng “sân khấu hóa”, “hoành tráng hóa”, “sáng tạo truyền thống” một cách thái quá.

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, cần tăng cường vai trò của các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nghệ nhân dân gian trong việc tư vấn, hướng dẫn tổ chức lễ hội nhằm tránh tình trạng bóp méo, biến dạng, làm sai lệch bản chất của lễ hội. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thương mại, dịch vụ ăn theo lễ hội, tránh các hành vi lợi dụng để trục lợi, buôn thần bán thánh.

Đồng thời, GS.TS Từ Thị Loan cũng thống nhất việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý lễ hội, sử dụng công nghệ số, các ứng dụng di động để cung cấp thông tin và giám sát lễ hội. Xây dựng hệ thống phản ánh vi phạm như thiết lập đường dây nóng để người dân kịp thời thông báo các biểu hiện không phù hợp. Xử lý nghiêm các vi phạm, các hành vi tiêu cực, hoạt động trái phép, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc tại các điểm tâm linh, lễ hội. Cùng với đó, công khai các trường hợp vi phạm bị xử lý để nâng cao tính răn đe và giáo dục cộng đồng.

Mùa lễ hội năm nay mới chỉ đang bắt đầu, còn rất nhiều lễ hội sẽ diễn ra. Để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh thì cần phải biết rút kinh nghiệm. Vì lễ hội không chỉ diễn ra một lần, một nơi mà diễn ra rất nhiều lần và ở nhiều nơi. Vậy, sau mỗi một lần tổ chức cần phải nhìn lại, có tổng kết, đánh giá xem cái gì được để phát huy, cái gì tiêu cực để tránh, hoàn thiện để hướng đến một lễ hội sau an toàn, văn minh hơn.

ThS Nguyễn Đắc Tới.

Theo ThS Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển), lễ hội không chỉ là dịp để mỗi người dân nhớ về nguồn cội, giữ gìn truyền thống, văn hóa tốt đẹp của địa phương và vui chơi, giải trí. Nếu mỗi người dân địa phương và du khách đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường và bảo vệ các di sản văn hóa trong quá trình tham gia lễ hội thì sẽ tạo ra một lễ hội vui tươi, an toàn, lành mạnh. Mỗi hành động văn minh, mỗi quyết định quản lý sáng suốt sẽ góp phần đưa lễ hội trở về đúng giá trị thiêng liêng và vẻ đẹp truyền thống.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thay-gi-o-mua-le-hoi-xuan-bai-cuoi-de-mua-le-hoi-an-toan-van-minh-hon-10299670.html