Thấy gì qua chuyến đi của bà Gina Raimondo?

Chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 27-30/8 của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã khép lại nhưng dường như cơ hội đang mở ra cho hợp tác Mỹ - Trung. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh hai nước vẫn căng thẳng và nền kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm mạnh, gây lo ngại cho thị trường thế giới, trong đó có Mỹ.

Quản lý mối quan hệ

Trước thềm chuyến thăm, Bộ Thương mại Mỹ ngày 22/8 đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm đối với 27 công ty Trung Quốc khỏi danh sách các quy định về kiểm soát xuất khẩu. Lý do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là nhằm đảm bảo lợi ích cho việc bình thường hóa thương mại giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc, bảo đảm phù hợp với lợi ích của hai bên.

Cùng với việc Mỹ tích cực đối thoại trong những chuyến thăm cấp cao gần đây tới Trung Quốc, các động thái của Mỹ đang tạo ra bầu không khí tốt hơn cho các cuộc đàm phán tiếp theo trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Thật vậy, trong bầu không khí được cải thiện đó, chuyến thăm không có nhiều kỳ vọng của bà Raimondo dẫu sao cũng đã được đánh giá là thẳng thắn, cứng rắn và có những thành công nhất định. Hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc để "tìm kiếm giải pháp về các vấn đề thương mại và đầu tư cũng như thúc đẩy lợi ích thương mại của Mỹ ở Trung Quốc". Nhóm công tác sẽ họp 2 lần mỗi năm và Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào năm tới. 2 bên cũng đồng ý thiết lập cái mà Washington gọi là "trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu" - được mô tả như một nền tảng để "giảm bớt sự hiểu lầm về các chính sách an ninh quốc gia của Mỹ".

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) tại cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh ngày 29/8/2023. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) tại cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh ngày 29/8/2023. Ảnh: AFP

Phía Washington cho biết cuộc họp đầu tiên của nhóm, do các quan chức cấp trợ lý bộ trưởng thực hiện, diễn ra tại Bắc Kinh trong ngày 29/8. Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ đặt mục tiêu tổ chức các cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng thương mại hai nước tại Bắc Kinh.

Theo bà Raimondo, các quan chức cũng đồng ý tổ chức “hội nghị thượng đỉnh về du lịch và lữ hành” vào đầu năm 2024 để tìm cách khôi phục du lịch giữa hai nước sau khi các biện pháp kiểm soát chống dịch ở Trung Quốc chấm dứt.

Sau khi rời Bắc Kinh, bà Raimondo đã tới Thượng Hải.

Trong cuộc họp báo tại đây, bà cho biết không kỳ vọng chuyến thăm sẽ ngay lập tức mang lại những đột phá trong những vấn đề ảnh hưởng tới các công ty Mỹ, nhưng bà hy vọng sẽ chứng kiến một số kết quả trong vài tháng tới. Trong các cuộc thảo luận với các quan chức Trung Quốc, bà đã nêu "nhiều vấn đề gai góc" như trợ cấp nhà nước, sở hữu tài sản trí tuệ... Theo bà Raimondo, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc cần được cải thiện theo hướng dễ dự đoán hơn, cạnh tranh lành mạnh với các quy trình minh bạch.

Sóng ngầm…

Khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, bà Raimondo nhấn mạnh: “Tổng thống Biden yêu cầu tôi đến đây để truyền tải thông điệp rằng chúng tôi không tìm cách tách rời… Chúng tôi tìm cách duy trì mối quan hệ thương mại trị giá 700 tỷ USD với Trung Quốc”. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc cho biết ông hy vọng hai nước có thể tăng cường liên lạc và duy trì sự lành mạnh của mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung.

Trên thực tế, cả Washing[1]ton và Bắc Kinh có lẽ vẫn hy vọng vào sự hợp tác. Chính sách của Mỹ với Trung Quốc gói gọn trong “phương châm 4C”: gồm “Cooperate” (hợp tác khi có thể), “Compete” (cạnh tranh khi thích hợp), “Confront” (đối đầu khi cần thiết) và “Conflict” (tránh xung đột trực tiếp). Vào thời điểm này, việc loại bỏ một số công ty Trung Quốc khỏi danh sách trừng phạt cho thấy Mỹ còn để lại khoảng trống xoay sở và con bài mặc cả cho Trung Quốc. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự chân thành như vậy của Mỹ là chưa đủ, Trung Quốc từ lâu đã từ bỏ ảo tưởng về Mỹ, tập trung vào đổi mới độc lập và phát triển kinh tế. Chính quyền của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng khôi phục sự quan tâm của các nhà đầu tư vào Trung Quốc và trấn an các công ty nước ngoài để góp phần vào nỗ lực đẩy lùi suy thoái kinh tế.

Ở góc độ khác, giới phân tích cho rằng dưới bầu không khí chống Trung Quốc toàn diện ở Washington, đây chỉ là tín hiệu đình chiến nhằm duy trì ổn định trong năm bầu cử. Bề ngoài, chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo lần này có vẻ mang lại cảm giác tích cực hơn so với chuyến thăm trước đó của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, nhưng điều đó không có nghĩa là đã có bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhà Trắng sắp bước vào chiến dịch tái tranh cử năm 2024. Phe Dân chủ có lẽ cần đảm bảo không xảy ra sự cố bất ngờ nào giữa Trung Quốc và Mỹ trước cuộc bầu cử. Sự ổn định trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi sẽ là mục tiêu chính.

Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy có vẻ như Mỹ đang áp dụng chiến thuật “vừa đấm vừa xoa” đối với Trung Quốc, vừa cử quan chức cấp cao đến thăm Trung Quốc, vừa có các hành động phong tỏa chống lại Trung Quốc. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 9/8, ủy quyền cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và vi điện tử, điện toán lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đến thời điểm này, Mỹ lại cử Bộ trưởng Bộ Thương mại sang thăm Trung Quốc, và giới phân tích đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Một nhiệm vụ quan trọng trong chuyến đi lần này của bà Raimondo là mở đường cho cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2023 tại San Francisco (California). Nhiệm vụ có vẻ đã thành công, quan hệ Trung-Mỹ có thể ổn định, nhưng với lối tư duy và những mâu thuẫn còn tồn tại, việc hàn gắn hoàn toàn giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn bị coi là chưa thiết thực vào lúc này.

Nguyễn Hữu Thành

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thay-gi-qua-chuyen-di-cua-ba-gina-raimondo--i705967/