Thấy gì qua tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường những tháng đầu năm 2024?
Năm 2024 dự báo vẫn là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp rời thị trường cao
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024 vẫn được dự báo là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
“Điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong những tháng đầu năm 2024 rất cao, cho thấy bức tranh của môi trường kinh doanh và nền kinh tế là khó khăn” – ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81.260 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng là 86.365 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023. Như vậy, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 5.105 doanh nghiệp.
Khảo sát môi trường kinh doanh trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được thực hiện với trên 9.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, tình hình kinh doanh tương đối khó khăn. Đặc biệt, không chỉ các doanh nghiệp tư nhân trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài đều có những đánh giá tình hình kinh doanh khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì mức độ khó khăn lại càng lớn.
Trong khi đó, Báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số:Trong tổng số 86.365 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm có tới 60.872 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng năm có quy mô nhỏ, dưới 10 tỷ đồng với 54.511 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, "thông điệp quan trọng cho chính quyền các địa phương cũng như các bộ, ban ngành đó là, cần phải có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong năm 2024, trong đó cần tập trung nhiều hơn vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị.
Đồng tình với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Trong đó, nổi bật là những khó khăn liên quan đến tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường
Để tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có thêm những giải pháp để xốc lại tinh thần doanh nghiệp, muốn làm được điều đó, bên cạnh những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai… chính quyền các địa phương cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, và phát huy tính tiên phong trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm xây dựng, tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch. Đây là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm trong thời gian tới.
Cũng nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2024, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Song song với đó, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.