Thấy gì từ BCTC Techcombank vừa công bố?

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (OTC: TCB) vừa công bố BCTC hợp nhất Quý 3/2017. Theo báo cáo này, Techcombank có sự tăng trưởng tốt về lợi nhuận, trong khi biến động về tổng tài sản và nguồn vốn không đáng kể.

Thấy gì từ BCTC mà Techcombank vừa công bố? (Nguồn: Internet)

Thấy gì từ BCTC mà Techcombank vừa công bố? (Nguồn: Internet)

Tổng tài sản giảm nhẹ

Tính đến ngày 30/09/2017, tổng tài sản của Techcombank đạt 233.551 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2016 (đạt 235.363 tỷ đồng).

Trong đó, cho vay khách hàng đạt 137.372 tỷ đồng, giảm khoảng 4% so với đầu năm. Đối tượng cho vay chủ yếu là các tổ chức kinh tế vào cá nhân trong nước chiếm gần 98% dư nợ. Bên cạnh đó, Techcombank còn cho vay qua hình thức chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá gần 3.000 tỷ đồng.

Phân tích dư nợ theo thời hạn cho vay cho thấy sự phân bổ đồng đều giữa các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn.

Về chất lượng tín dụng, tổng nợ các nhóm 3, 4 và 5 đạt 2.656 tỷ, tăng khoảng 411 tỷ so với đầu kỳ. Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu đạt 1.96% - tăng so với mức 1.57% thời điểm đầu năm 2017.

Ở hướng ngược lại, công tác huy động vốn từ tiền gửi của Techcombank cho thấy tốc độ tăng trưởng âm. Tiền gửi khách hàng giảm 4% đạt 166.322 tỷ đồng (đầu năm đạt 173.448 tỷ đồng) chiếm 71% tổng nguồn vốn của ngân hàng.

Theo đó, xét riêng thị trường 1, tỷ lệ tín dụng huy động (LDR) của TCB tại ngày 30/09/2017 đạt 82.59% - thấp hơn so với mức bình quân của hệ thống trong cùng kỳ, là 87,2% (nguồn: NFSC).

Trên thị trường 2 (liên ngân hàng), Techcombank cũng khá tích cực tham gia các hoạt động cấp tín dụng và huy động vốn.

Khoản mục tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác tính tới 30/09/2017 là 21.637 tỷ đồng chiếm hơn 9% tổng tài sản. Trong khi, số dư tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác cũng lên tới hơn 28.000 tỷ đồng.

Chứng khoán đầu tư cũng là một hạng mục đáng chú ý khác trong cơ cấu tài sản của Techcombank. Cụ thể, giá trị cuối quý khoản này đạt 47.263 tỷ đồng – bằng 20% tổng tài sản. Chiếm chủ yếu trong đó là : Trái phiếu Chính phủ (hơn 15.000 tỷ đồng); Trái phiếu do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành (hơn 18.000 tỷ đồng); Trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (hơn 12.000 tỷ đồng).

Đặc biệt, Techcombank đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành từ Quý II. Hoạt động này đã đem về cho Techcombank khoản thu nhập 424 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Đã hoàn thành 96,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Techcombank đạt 3.890 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 96,4% kế hoạch năm.

Biểu đồ: P.D

Biểu đồ: P.D

Cụ thể, quý III/2017, thu nhập lãi thuần của TCB đạt 2.055 tỷ đồng - tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2016.

Tương tự, các khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ (đạt 554 tỷ), hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, mua bán chứng khoán kinh doanh không có nhiều biến động.

Vậy, động lực chính nào đã tạo nên sự tăng trưởng về lợi nhuận của Techcombank trong quý vừa qua?

Câu trả lời là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác.

Theo đó, quý III/2017, Techcombank đã ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư và lãi thuần từ hoạt động khác lần lượt đạt hơn 300 và 303 tỷ đồng, cao gấp 3 lần và gần 4 lần so với cùng kỳ 2016.

Chưa rõ thu nhập đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư của Techcombank đến từ đâu. Nhưng theo thuyết minh BCTC lãi thuần từ hoạt động khác chủ yếu được kiến tạo từ thu hồi nợ đã xóa sổ từ những năm trước (532 tỷ đồng lũy kế 9 tháng, trong đó có 292 tỷ đồng của riêng quý III).

Về các hạng mục chi phí, chi phí hoạt động của Techcombank trong quý III/2017 đạt 1.128 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.094 tỷ đồng của cùng kỳ 2016. Lũy kế 9 tháng năm 2017, chi phí hoạt động của Techcombank đạt 3180 tỷ đồng.

Trong khi, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh xuống mức 157 tỷ đồng (quý III/2016 là 442 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm, TCB đã trích lập hơn 2.500 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm gần 400 tỷ so với cùng kỳ.

Giao dịch với các bên liên quan

Theo thuyết minh, giá trị tiền gửi của các bên liên quan tại Techcombank đạt khoảng 1.782 tỷ đồng vào cuối quý III/2017.

Chiếm chủ yếu trong đó là các khoản tiền gửi của một số đơn vị liên quan đến nhóm Masan, như: Công ty Cổ phần tập đoàn Masan (444 tỷ đồng), Công ty CP Nông nghiệp quốc tế ANCO (321 tỷ đồng) và Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck (195 tỷ đồng)…

Techcombank đang tài trợ một số tiền không nhỏ cho Núi Pháo. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2017 của Techcombank)

Techcombank đang tài trợ một số tiền không nhỏ cho Núi Pháo. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2017 của Techcombank)

Ở hướng ngược lại, một số bên liên quan cũng tìm đến Techcombank như một kênh vay vốn.

Đáng kể nhất phải kể đến Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo).

Dư nợ của Núi Pháo tại Techcombank, tính đến 30/09/2017, là 1.093 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với đầu năm.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank hiện đang giữ cương vị Phó chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) – cổ đông lớn nhất của Techcombank. Masan từng sở hữu 19,5% cổ phần Techcombank, đến cuối năm 2015, sau khi chuyển nhượng 40 triệu cổ phiếu cho đối tác, tỷ lệ sở hữu của Masan tại Techcombank giảm xuống còn 15% - Theo quy định hiện hành của Luật các TCTD, đây cũng là mức giới hạn tối đa về sở hữu của một tổ chức tại một ngân hàng.

Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo cũng là một đơn vị trong “hệ sinh thái” doanh nghiệp của Masan, sau khi Masan thông qua Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon, do Masan sở hữu 99,9%) mua lại Núi Pháo từ Dragon Capital ít năm trước.

Cũng theo báo cáo, tính tới cuối quý III/2017, Techcombank cũng đang đầu tư hơn 747 tỷ đồng vào trái phiếu của CTCP Tập đoàn Masan (tính theo mệnh giá).

Tài sản Có khác

Một điểm khác cần lưu ý trong bảng cân đối kế toán của Techcombank là tốc độ tăng trưởng của khoản mục Tài sản có khác, với giá trị tại thời điểm kết thúc quý III/2017 là 13.151 tỷ đồng – tăng 32% so với đầu năm, chiếm 5% tổng tài sản của ngân hàng.

Trong đó, lớn nhất là tiểu khoản Các khoản phải thu, với giá trị 8.359 tỷ đồng; Thứ đến là Các khoản lãi, phí phải thu, với giá trị 5.728 tỷ đồng.

Trong 8.359 tỷ đồng Các khoản phải thu ở Techcombank, tập trung chủ yếu là phải thu từ dịch vụ thư tín dụng nhập hàng trả chậm (3.660 tỷ đồng), và Phải thu từ các hợp đồng bán nợ (2.857 tỷ đồng). Đáng lưu ý, phía ngân hàng không thuyết minh chi tiết khoản này, nên chưa rõ các hợp đồng bán nợ đó ra sao.

Như VietTimes nhiều lần đã đề cập, phần lớn các khoản lãi, phí phải thu tại các nhà băng được hiểu là để ghi nhận các khoản lãi dự thu. Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, các khoản lãi dự thu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan tới nợ xấu của ngân hàng.

Được biết, liên quan tới hạng mục Tài sản Có khác, tính đến 30/09/2017, Techcombank đã phải trích lập dự phòng 1.413 tỷ đồng.

Song song với Tài sản có khác, Techcombank cũng ghi nhận Các khoản nợ khác. Tính đến cuối quý III/2017, giá trị Các khoản nợ khác của Techcombank là 6.195 tỷ đồng, chia làm Các khoản lãi, phí phải trả (2.938 tỷ đồng), và Các khoản phải trả và công nợ khác (3.257 tỷ đồng).

Cuối cùng, một điểm cộng của Techcombank, như đã đề cập, là ngân hàng này đã chủ động trích lập dự phòng hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC một cách hiệu quả. Do đó, trong tháng 9 vừa qua, Hãng đánh giá tín nhiệm S&P đã nâng triển vọng tín nhiệm của TCB lên “ổn định” và xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức ‘BB-’, ngắn hạn ở mức ‘B’, ngang bằng với mức xếp hạng của Vietcombank.

Phạm Duy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/thay-gi-tu-bctc-techcombank-vua-cong-bo-144321.html