Thấy gì từ chỉ đạo gỡ vướng cho bất động sản của Phó thủ tướng Chính phủ?

Nhiều chỉ đạo sát sao, trực tiếp vào các vướng mắc của doanh nghiệp đang được Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản về pháp lý, thủ tục triển khai dự án đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản về pháp lý, thủ tục triển khai dự án đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Hoàn thiện hành lang pháp lý gỡ vướng cho dự án bất động sản

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo kết luận, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp về pháp lý, thủ tục triển khai dự án đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ ngành, địa phương gấp rút thực hiện tháo gỡ ngay trong thời gian tới.

Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận,…địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác như Novaland, khu đô thị sinh thái Đại Phước, khu đô thị du lịch Long Tân,… yêu cầu hoàn thành trước 20/4/2023.

Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các vướng mắc qua báo cáo của các địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về tổ công tác, Phó thủ tướng giao các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính phân nhóm để có hướng giải quyết cụ thể.

Giá bất động sản khó có thể giảm thêm

Nhóm thứ nhất là các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25/4/2023 để các địa phương triển khai thực hiện.

Nhóm thứ hai là các vướng mắc do các quy định của pháp luật, các bộ cần cần chỉ rõ các điều, khoản của thông tư, nghị định và các luật. Với các vướng mắc có nguyên nhân từ các quy định tại thông tư, Chính phủ yêu cầu các bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành trong tháng 4 năm 2023.

Đối với các vướng mắc do mẫu thuẫn giữa các quy định hoặc quy định còn chưa cụ thể hoặc chưa có hướng dẫn trong các nghị định thì báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đối với các vướng mắc có liên quan đến các luật, các vấn đề, nội dung mâu thuẫn mâu thuẫn giữa các luật đã được sửa đổi, bổ sung trong các luật đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Phó thủ tướng đề xuất Quốc hội cho phép thi hành sau 45 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua. Các vướng mắc chưa sửa đổi được ngay trong các luật, Phó thủ tướng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết để giải quyết.

Nhóm thứ ba là các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.

Với các vướng mắc pháp lý của dự án liên quan đến việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhất là ở cấp huyện; xử lý diện tích đất công xen kẹt, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường rà soát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bất động sản, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.

Đáng chú ý, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tư khẩn trương rà soát vướng mắc của các thông tư khẩn trương sửa đổi sửa đổi, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 4/2023.

Khẩn trương thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng

Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp sở hữu nhà ở, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản - Ảnh: VGP

Đây sẽ là cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Bên cạnh đó, việc xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng (công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mai), thanh khoản của thị trường cũng làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023.

Mặt khác, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước 25/4/ 2023.

Phó thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Có thể thấy, thời gian các bộ ngành thực hiện và báo cáo chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là rất gấp rút, chỉ vài ngày sau kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Những chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển của thị trường, nhất là sự trầm lắng của bất động sản từ giữa năm 2022 và sự sụt giảm sức khỏe đáng báo động của các doanh nghiệp.

Đây cũng là những động thái từ phía cơ quan nhà nước có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp, mở ra cơ hội phục hồi cho thị trường sau khi các chính sách thá gỡ khó khăn này đước sớm đi vào thực tiễn.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thay-gi-tu-chi-dao-go-vuong-cho-bat-dong-san-cua-pho-thu-tuong-chinh-phu-1681703476410.htm