Thấy gì từ chuyện điện gió nhập từ Lào rẻ hơn trong nước?

Để đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc, EVN muốn nhập khẩu điện gió từ Lào với giá cạnh tranh. Nhưng đứng ở góc độ chiến lược phát triển của ngành điện, một số chuyên gia cho rằng điều này sẽ không ổn, cho dù chỉ nhập điện ở con số vài phần trăm trong cơ cấu nguồn điện.

Mới đây, EVN kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng chủ trương nhập điện gió từ Lào và bổ sung quy hoạch đường dây đấu nối để giảm nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.

Giá điện gió nhập từ Lào rẻ hơn Việt Nam

EVN cho biết, nhiều nhà đầu tư dự án điện gió của Lào muốn bán điện cho Việt Nam với tổng công suất 4.149 MW, đấu nối qua khu vực Quảng Trị. Trong số này có hai dự án là Savan 1 và AMI Savanakhet (Lào) muốn bán điện cho Việt Nam. Riêng dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của công ty CP đầu tư năng lượng Việt – Lào vừa được EVN trình Bộ Công Thương thẩm định chủ trương nhập khẩu điện. Dự án này dự kiến vận hành quý IV/2025 và đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An).

EVN muốn nhập khẩu điện gió từ Lào.

EVN muốn nhập khẩu điện gió từ Lào.

EVN lý giải, việc muốn nhập khẩu điện gió của Lào xuất phát từ tính toán của tập đoàn cho thấy miền Trung và Nam sẽ cơ bản đủ điện nếu các nguồn mới tại Quy hoạch điện VIII đảm bảo tiến độ hoàn thành. Còn cung ứng điện tại miền Bắc giai đoạn 2024 – 2030 rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện hai tháng cuối mùa khô (tháng 5-7 hằng năm) và thiếu điện từ 2025. Đồng thời, việc tăng nhập khẩu điện từ Lào cũng hỗ trợ giảm chi phí mua điện, đảm bảo an ninh cấp điện.

Được biết, giá trần điện gió nhập từ Lào về Việt Nam là 6,95cent/kWh với các dự án điện vận hành thương mại trước 31/12/2025. Mức này cạnh tranh hơn nhiều so với các nguồn điện gió trong nước vận hành trước 1/11/2021, với điện gió trên đất liền 8,5 cent/kWh và điện gió trên biển 9,8 cent/kWh…

Nguy cơ thiếu điện miền Bắc trong giai đoạn tới luôn là mối lo hiện hữu. Theo một báo cáo của EVN, trong năm 2024- 2025, cung ứng điện tiếp tục gặp khó khăn. Phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.

EVN cho hay, công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW). Khu vực phía Bắc vốn có phụ tải tăng trưởng cao nên có thể thiếu tối đa gần 2.000 MW công suất trong các năm 2024-2025.

Tai hội nghị Tổng kết công tác ngành Công Thương vừa diễn ra, những lo ngại thiếu điện cho sản xuất cũng được đặt ra. Cụ thể, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh còn 520ha đất công nghiệp, sẵn sàng đầy đủ hạ tầng nhưng hạ tầng về điện chưa đáp ứng. Ví dụ, khu công nghiệp Nam Bắc Tiên Phong mới có 50MW, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tại đây lên tới vài trăm MW để sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc tăng năng lực cung ứng điện cho các khu công nghiệp hiện rất cấp bách.

Tuy vậy, việc EVN đề xuất mua điện gió từ Lào cũng có nhiều quan điểm tranh cãi bởi các dự án điện gió trong nước hiện nay vẫn vướng cơ chế, thiếu đường truyền tải, dẫn tới vẫn “nằm yên”, chưa thể hòa lưới để chuyển ra Bắc. Theo một số chuyên gia, việc EVN đưa ra phương án nhập khẩu điện gió từ Lào có thể tốt về phương án kinh doanh song không có lợi về chiến lược, đặc biệt khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang có nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để.

Thách thức phát triển điện sạch

PGS. TS, Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nếu EVN mua điện từ thủy điện - nguồn điện nền, dư luận sẽ không phản ứng nhưng đây là điện gió thì mọi chuyện sẽ khác. Điện gió bản chất không phải là nguồn điện nền, tính chất không ổn định. Trong khi đó, các dự án điện gió, điện mặt trời trong nước đang vướng mắc nhiều cơ chế, chưa xử lý được và nhiều tiền của nhà đầu tư, người dân vẫn ở trong các dự án điện gió “treo” hiện nay.

“Nếu nhập điện gió từ Lào để giải quyết vấn đề lỗ lãi, thuần túy kinh doanh của EVN thì chấp nhận được. Nhưng đứng về chiến lược phát triển của ngành điện, hệ thống điện là không ổn, cho dù chúng ta chỉ nhập điện vài % trong cơ cấu nguồn điện”, ông Bình nói.

“Đối với người dân, vừa qua Bộ Công Thương không khuyến khích điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu và đưa ra vấn đề nếu người dân đầu tư điện loại này, thừa điện phát nối lưới, EVN sẽ chỉ mua giá 0 đồng. Tôi phản đối lập luận và quan điểm này”, theo ông Bình. Đồng thời, cũng vì vấn đề này mà dư luận, người dân đặt dấu hỏi cho EVN mua điện gió từ Lào.

Theo vị chuyên gia này, lý giải của Bộ Công Thương là giới hạn công suất tăng thêm đến năm 2030 chỉ là 2.600 MW, nên nếu tổng công suất nguồn này vượt quá sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn điện, phá vỡ quy hoạch, tôi thấy chưa thuyết phục.

"Quy hoạch điện VIII, mỗi năm Việt Nam sẽ bỏ ra khoảng 13 tỷ USD phát triển hệ thống điện, trong khi đó điện mái nhà người dân tự bỏ tiền ra đầu tư, Nhà nước và ngành điện không phải bỏ tiền. Cũng là phát triển điện thì Nhà nước, ngành điện nên ưu tiên để người dân làm điện tái tạo, ngành điện cần dồn tiền đầu tư điện nền như điện sinh khối, LNG, đầu tư hạ tầng đường truyền tải, pin dự trữ…", ông Bình khuyến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, không bình luận nhiều về vấn đề EVN muốn mua điện tái tạo từ Lào song bày tỏ mong muốn, EVN cần tuân thủ các hợp đồng đã ký với các chủ đầu tư điện tái tạo trong nước, đảm bảo huy động các nguồn công bằng, hiệu quả…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư điện tái tạo trong nước, bởi các dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã được EVN đàm phán và huy động nguồn điện song việc ký kết hợp đồng mua bán điện vẫn còn nhiều trở ngại do liên quan tới thủ tục, khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra còn thấp.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành điện cũng cần giải quyết tốt bài toán về giá, bởi trong quy hoạch điện VIII, có thay đổi lớn từ cơ cấu nguồn phát, hầu hết nguồn mới lại là các nguồn điện có giá cao hơn so với giá điện bình quân hiện tại, kể cả gió, mặt trời và LNG…

Nếu đưa Quy hoạch điện VIII vào thực hiện cần đưa khung giá điện cho các dự án tái tạo, kể cả việc bán điện trực tiếp từ chủ đầu tư đến khách hàng thay vì hòa lưới của EVN. Bên cạnh đó là làm rõ cơ chế giá mới phải bám theo Quy hoạch điện VIII… Như vậy mới đảm bảo lợi ích cho các bên.

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc

Để giải quyết tình trạng cung ứng điện cho miền Bắc, cần phải nghĩ tới nhiều giải pháp, trong đó nhanh nhất có thể đưa vào điện tái tạo. Cần có cơ chế huy động ngay nguồn này vì đã hoạch định rồi nhưng vấn đề là thực thi. Liệu chúng ta có thể quay lại cơ chế giá cố định (giá FIT) hay không? Giá FIT là bao nhiêu? Liệu sản lượng thừa chúng ta có mua lại của những hộ dân đã làm công trình điện mặt trời áp mái hay không?

TS. Vũ Đình Ánh

Chuyên gia kinh tế

Trong Quy hoạch điện VIII vẫn thiếu tầm nhìn về giá và quản lý giá điện và ngay cả đề xuất nhập khẩu điện từ Lào chẳng hạn… Chính vì vậy nên phải đưa phương án giá nhập khẩu điện vào phương án tính toán giá điện bình quân, lúc ấy mới không mang tính chất đối phó với tình thế như hiện nay. Đồng thời, mấu chốt vẫn là phải giải quyết được các trục trặc trong hiện trạng phát triển điện tái tạo của Việt Nam hiện nay, nhiều dự án đắp chiếu, vi phạm cần giải quyết tận gốc để có thể giúp chiến lược xã hội hóa nguồn điện được thực hiện tốt hơn.

TS. Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế

Nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam tiềm năng rất lớn, chúng ta phải phân quy mô nguồn năng lượng tái tạo theo từng tỉnh, từng vùng; trên cơ sở đó chọn các chủ dự án cho hợp lý; đồng thời có cơ chế giám sát trong đầu tư, xây dựng một cách chặt chẽ như giám sát về nguồn. Để đảm bảo nhanh chóng nguồn cung ứng điện trong những năm tới, có 3 vấn đề phải quyết như đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ; huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án mới, và đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-chuyen-dien-gio-nhap-tu-lao-re-hon-trong-nuoc-1097380.html