Thấy gì từ cuộc đua sôi động giành 'miếng bánh' thị phần F&B

Nhìn từ câu chuyện nhà đầu tư Singapore vừa thâu tóm chuỗi cửa hàng của Nova F&B và một loạt động thái thoái vốn rồi thâu tóm của Kido, sẽ thấy tính chất sôi động nhưng cũng đầy thách thức trên thị trường dịch vụ ăn uống (F&B) ở Việt Nam. Điểm đáng chú ý là ngành hàng này tiếp tục chứng kiến cuộc đua giành 'miếng bánh' thị phần ngày càng khốc liệt, có tính đào thải cao.

Sau khi một nhà đầu tư Singapore đã mua lại chuỗi nhà hàng, cà phê của Nova F&B (mảng dịch vụ nhà hàng, đồ uống của Nova Service thuộc NovaGroup) và đổi tên thành In Dining, thông tin mới nhất cho thấy nhiều khả năng trong 2 năm tới nhà đầu tư sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi này.

Vừa thâu tóm vừa…đào thải

Trước đó, hệ thống của Nova F&B có 46 cửa hàng đang hoạt động (chủ yếu tại Tp.HCM) với 18 thương hiệu khá đình đám như: Saigon Casa, Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, PhinDeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge, Tib, JUMBO Seafood, Crystal Jade Palace, Gloria Jean’s Coffees, Sushi Tei...

Sức hấp dẫn của thị trường F&B ở Việt Nam luôn là “mỏ vàng” tiềm năng để các doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác.

Như vậy trong tháng 6/2023 đã có hai cuộc thâu tóm đáng chú ý trên thị trường F&B ở Việt Nam. Ngoài thương vụ nêu trên, phải kể đến thương vụ CTCP Tập đoàn Kido mua lại 25% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Thọ Phát (đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bánh bao Thọ Phát, hiện tại có lợi thế phân phối với hơn 4.000 điểm bán hàng) và đang trong quá trình thương thảo để nắm quyền chi phối từ 51 - 70% ở công ty này.

Cần nhắc lại, trên thị trường F&B thì Kido không chỉ có thâu tóm mà còn có cả chuyện thoái vốn khi điều kiện không thuận lợi. Như hồi cuối năm 2022, đã có quyết định khá bất ngờ: Thoái vốn khỏi Chuk Tea & Coffee (có gần 60 cửa hàng ở 5 thành phố lớn Việt Nam) – nơi mà họ đã đóng góp 61% vốn và từng đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ ‘đánh chiếm thành công thị trường F&B Việt Nam và thế giới’.

Cũng hồi tháng 12/2022, Công ty TNHH liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev (công ty sản xuất kem và đồ uống không cồn do Vinamilk nắm 51% còn Kido nắm 49%) đã thông báo giải thể chỉ sau một năm hoạt động kinh doanh.

Liên doanh có vòng đời khá ngắn ngủi này đã từng đặt mục tiêu số 1 trong ngành nước tươi. Tuy nhiên, có vẻ mọi thứ không như ý muốn, không đáp ứng được mục tiêu chinh phục thị trường mới của hai “ông lớn” trong ngành F&B nêu trên.

Nêu ra những thông tin trên để thấy tính chất khắc nghiệt trên thị trường F&B. Ở đó, không chỉ là cuộc đua thâu tóm để giành thị phần của các “ông lớn” khối nội và khối ngoại mà còn chứng kiến những cuộc đào thải, thoái vốn, tan rã liên doanh…

Tuy vậy, xét về tính chất sôi động của ngành hàng F&B ở Việt Nam, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director và Horeca Business School, cho rằng khi kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư có xu hướng quay lại những ngành có nhu cầu cao, và F&B là một trong những ví dụ tiêu biểu, do dịch vụ ẩm thực cơ bản vẫn là ngành có dòng tiền tốt.

Thay đổi để trụ vững trước cuộc đua giành “mỏ vàng”

Theo ông Thanh, các mô hình F&B bình dân sẽ được nhiều các chủ đầu tư mới thâm nhập thị trường phát triển. Nhiều nhà hàng Fine Dining (hình thức dùng bữa tại nhà hàng cao cấp) sẽ được mở ra nhiều. Bên cạnh đó, khi thị trường bất động sản ảm đạm, những nhà đầu tư sở hữu mặt bằng đẹp sẽ phát triển dịch vụ ẩm thực. Họ có niềm tin rằng, ngành F&B sẽ thu hút nhiều người đến, từ đó giúp gia tăng giá trị bất động sản của họ

Như trong năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn có dự báo doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến đạt 720.300 tỷ đồng (theo báo cáo thị trường F&B của iPos). Không những vậy, trước tiềm năng phát triển vô cùng to lớn, giá trị thị trường của ngành F&B Việt Nam được dự báo đến năm 2026 sẽ đạt gần 1 triệu tỷ đồng.

Trên thị trường F&B ở Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 338.600 nhà hàng/café. Trong đó, Tp.HCM chiếm tới 39,78% số lượng nhà hàng/café trên toàn quốc.

Cũng theo iPos, năm nay khả năng trở thành cuộc chiến giành thị phần giữa các chuỗi lớn trong khi các chủ đầu tư nhỏ lẻ thận trọng. Các chủ đầu tư đơn lẻ đang có xu hướng dè chừng và phòng thủ. Các kế hoạch mở mới đang tạm được hoãn lại để nghe ngóng thêm thị trường.

Với các thương hiệu lớn, đặc biệt là thương hiệu chuỗi, giới phân tích nhận định bằng nguồn vốn tích lũy của mình, nhiều bên đang tranh thủ chiếm lĩnh thị phần khi các đối thủ suy yếu.

Như ở mảng kinh doanh quán cà phê, các thương hiệu lớn như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi, tuy nhiên cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Katinat là một điển hình.

Còn theo dự báo của Euromonitor, các loại nhà hàng F&B ở Việt Nam sẽ có doanh thu tăng mạnh từ nay đến 2026 với CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) lần lượt là 11,7% (Café/Bar), 11,4% (nhà hàng Full Service - phục vụ trọn gói), 13,8% (nhà hàng Limited Service - dịch vụ hạn chế), 9,9% (gian hàng đường phố/Ki-ốt). Tuy nhiên, cơ cấu không có biến động nhiều với nhà hàng Limited-Service vẫn chiếm phần lớn với hơn 73%, theo sau bởi cửa hàng Café/Bar với hơn 14%.

Trước những dự báo “có cánh” như vậy, thị trường F&B luôn là “mỏ vàng” tiềm năng để các doanh nghiệp (DN) lẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác. Nhưng song song đó, vấn đề cạnh tranh, thâu tóm là không thể tránh khỏi khi có nhiều DN giành nhau “miếng bánh” này.

Vốn dĩ là ngành có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh, để tồn tại và trụ vững, đang đòi hỏi các DN nội địa trong ngành F&B phải không ngừng thay đổi để trụ vững tốt trong cuộc đua giành thị phần ở “mỏ vàng” thị trường này, cũng như nhạy bén nắm bắt cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thay-gi-tu-cuoc-dua-soi-dong-gianh-mieng-banh-thi-phan-f-b-1093374.html