Thấy gì từ cuộc khẩu chiến giữa các reviewer và chủ quán ăn?
Hiện tượng các tiktoker, youtuber đi trải nghiệm và chia sẻ cảm nhận của mình về các món ăn, dịch vụ hay một sản phẩm nào đó với cộng đồng mạng đang ngày càng nở rộ và là một nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Mới đây thì trên mạng xã hội diễn ra câu chuyện tranh cãi, “khẩu chiến” giữa 3 tiktoker, youtuber khá nổi tiếng, có lượt người theo dõi cao với chủ một quán chè sáng tạo. 3 tiktoker, youtuber đã lần lượt đến quán chè để ăn và quay clip chia sẻ cảm nhận, đánh giá về quán và món ăn, trong đó có nhiều ý cho rằng món ăn không ngon như lời quán quảng cáo là “thương hiệu chè ngon nhất tại Hà Nội và TP.HCM”. Chủ quán chè sau đó đã lên clip cho rằng các tiktoker, youtuber này là “rảnh rỗi thái quá” và muốn “đạp đổ người khác”. Câu chuyện gây xôn xao cộng đồng mạng, nhất là giới trẻ. Vậy các khách hàng, chủ các cửa hàng khác nghĩ gì về điều này?
Khi câu chuyện về cuộc “khẩu chiến” giữa các tiktoker, youtuber và chủ quán chè sáng tạo vẫn chưa hạ nhiệt trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến một chi nhánh của quán trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Mặc dù đã hơn 9h tối nhưng quán vẫn khá đông, một số khách và shipper phải xếp hàng chờ. Khi được hỏi những lùm xùm đang diễn ra có gây ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của quán không thì Thanh Huy – quản lý quán cho biết: “Không ảnh hưởng gì đến quán cả. Thật ra sau đợt review này, lượng khách mới còn tăng lên. Hiện tại, cả ngày trong tuần lẫn cuối tuần quán đều đông. Khách đông hơn so với trước đây”.
Tiếp cận với 3 bàn khách ngẫu nhiên của quán thì được biết đây đều là những vị khách mới đến quán lần đầu và đến vì tò mò sau khi xem review của các tiktoker, youtuber.
“Tụi mình là giới trẻ nên cũng hay coi mấy review. Quán nào được khen ngon nhiều thì cũng hay chọn tới ăn mà bị chê quá thì cũng tới luôn để coi thử có giống người ta review hay không?”, “Chè có mấy chục ngàn thôi, không phải một mức giá quá lớn để khiến mình không dám tới thử. Nhưng nếu một nhà hàng giá mắc hơn mà bị chê nhiều quá thì có thể mình sẽ không dám bỏ tiền ra để đến ăn chỗ bị chê như vậy", “Tò mò, thấy hot thì đi ăn. Nếu thấy hợp miệng thì lần sau ghé nữa còn không hợp thì thôi” là những chia sẻ của các bạn trẻ.
Sau vụ việc của quán chè này thì một số chủ quán ăn khác đã dán ảnh 3 tiktoker, youtuber lên trước cửa và để biển “miễn tiếp” 3 vị khách này. Tuy nhiên theo anh Việt Hùng – chủ chuỗi quán ăn nhanh Guchi và trà sữa Changcha thì điều này là không cần thiết và vô tình có thể gây hiệu ứng ngược, tạo ra sự nghi ngờ với khách hàng:
“Theo tôi, một số quán họ sợ là khi họ chưa hoàn thiện mà reviewer đến và lỡ họ đánh giá không ngon, họ chê thì khách sẽ không đến với quán nữa. Nhưng với tôi thì tôi sẽ luôn chào đón các reviewer, nếu họ khen thì quá tốt, còn nếu họ chê một mặt nào đó thì cũng giúp mình cải thiện được chất lượng của quán. Chưa kể nhờ các reviewer biết đâu quán lại được nổi tiếng”, anh Hùng cho biết.
Còn chị Vân Anh – một người dân ngụ Quận 10 cho biết chị và bạn bè đã từng tới ăn nhiều quán được review trên mạng xã hội, trong đó có quán chè đang bị các tiktoker, youtuber đánh giá không tốt. Theo chị Vân Anh, nhiều nội dung trong nhận xét của các reviewer chị thấy khá đồng tình và chị nghĩ rằng phản ứng của chủ quán chè này hay việc dán hình “cấm cửa” các reviewer của một số quán khác là hơi cực đoan, thiếu cầu thị: “Review giống như một sự giới thiệu của các bạn KOL, còn với mình thì mình cũng sẽ đối chiếu với các bình luận dưới những review của KOL đó để đưa ra dự đoán của mình về quán. Mình không tuyệt đối tin vào KOL nhưng mình nghĩ nhận xét của các bạn với các quán cũng có phần đúng, nó có thể tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau và bản thân nó cũng là những gợi ý để giúp quán hoàn thiện hơn”.
Anh Minh Triết – một người tiêu dùng khác cũng cho rằng khách hàng ngày nay rất thông minh, những quán dùng chiêu trò để nổi tiếng mà chất lượng thực tế lại không tốt hay những reviewer thường xuyên có những đánh giá không chân thực thì dần dần cũng sẽ tự đào thải chính mình: “Review của các tiktoker dường như cũng không ảnh hưởng tới mình nhiều vì mình biết rằng ngoài độ chân thật thì các bạn cũng phải pha trộn thêm vài “nguyên liệu” khác để làm sao cho clip đó hấp dẫn, có nhiều người xem. Một quán được khen hay bị chê quá nhiều thì với bản tính tò mò, chắc là mình cũng sẽ tới ăn thử cho biết. Còn việc có tới lần tiếp theo hay lâu dài không thì phụ vào thời điểm mình đến ăn, xem chất lượng phục vụ và món ăn của quán như thế nào”.
Có thể thấy, hiện tượng các tiktoker, youtuber đi trải nghiệm và chia sẻ cảm nhận của mình về các món ăn, dịch vụ hay một sản phẩm nào đó với cộng đồng mạng đang ngày càng nở rộ và là một nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nhiều khán giả cũng theo dõi các review này như một hình thức giải trí hoặc khi muốn tìm kiếm các quán ăn mới để trải nghiệm, song đa phần họ không bị chi phối quá nhiều. Chất lượng món ăn vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp các quán có thể trụ vững trên thị trường./.