Thấy gì từ hai mối bận tâm dai dẳng của các nhà đầu tư Nhật Bản?

Mặc dù muốn tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh ở Việt Nam nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn còn hai mối bận tâm dai dẳng là khâu thủ tục phức tạp, kéo dài thời gian và những thách thức trong chuỗi cung ứng nội địa. Để tăng thu hút dòng vốn Nhật trong năm 2025 đòi hỏi cần hóa giải phần nào khúc mắc này.

Nói về một trong những vấn đề chính mà các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang phải đối mặt, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, đã chỉ rõ đó chính là khâu thủ tục hành chính phức tạp và tốn kém nhiều thời gian.

Từ thủ tục phức tạp và kéo dài

Kể cả như việc mở rộng bãi đỗ xe hay các thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy thì các nhà đầu tư Nhật ở Việt Nam phải mất hơn 2 tháng để hoàn tất và việc phê duyệt rất khó khăn.

Một mối bậntâm lớn, dai dẳng lâu nay của các nhà đầu tư Nhật Bản tạiViệt Nam chính là các thách thức trong chuỗi cung ứng nội địa.

Theo ông Matsumoto, các yêu cầu về tài liệu cần thiết thay đổi tùy thuộc vào người phụ trách, dẫn đến quá trình làm thủ tục mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, các biện pháp bảo vệ môi trường và quy định về phòng cháy chữa cháy bị lợi dụng như là lý do để yêu cầu các khoản đầu tư thiết bị và mua sắm vượt mức cần thiết.

Hơn nữa, cũng có những chỉ đạo hành chính không minh bạch như yêu cầu mua hàng từ các công ty được chỉ định bởi cơ quan chức năng tương ứng. Hoặc như việc trong hơn một năm qua không có tiến triển gì về phản hồi từ chính quyền đối với việc xin thay đổi giấy chứng nhận.

Chia sẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM vào ngày 21/1 về kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài trong năm tài chính 2024, vị trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM lưu ý với các nhà đầu tư mới của Nhật Bản trước khi rót vốn vào Việt Nam sẽ đi thăm dò, thu thập thông tin rất nhiều, trong đó có việc hỏi thăm những nhà đầu tư cũ có nhiều năm kinh nghiệm ở Việt Nam để được tư vấn ngược lại. Nếu như các nhà đầu tư cũ trả lời thủ tục hành chính quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian cho việc xin giấy phép, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và việc thực thi còn thiếu minh bạch, như thế có thể sẽ làm “chùn bước” những nhà đầu tư mới.

Về sự phức tạp trong khâu thủ tục, cũng nên nhắc lại phản ánh gần đây của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH) về khâu thủ tục hải quan. Chẳng hạn như quy trình xử lý phế thải của DN chế xuất. Một số DN chế xuất phản ánh rằng trong vấn đề xử lý nguyên vật liệu bị hư, xử lý phế thải, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thì thủ tục hải quan không đồng nhất, thường xuyên thay đổi.

Cụ thể, theo JCCH, để báo cáo, giải trình về phế thải thì hiện nay chưa có form mẫu nhất định của cơ quan hải quan mà DN phải tự tạo form riêng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp nội dung yêu cầu của cán bộ hải quan cũng không rõ ràng, dẫn đến DN phải sửa đi sửa lại công văn, nội dung báo cáo nhiều lần.

“Ngoài ra, khi thực hiện việc giám sát tiêu hủy thì nội dung yêu cầu từ cơ quan hải quan mỗi lần mỗi khác, không thống nhất khiến DN vô cùng lúng túng. Mỗi khi có sự thay đổi cán bộ phụ trách thì nội dung yêu cầu cũng đổi theo, điều này làm cho DN tốn nhiều công sức vì không biết đâu mới là cách làm đúng và việc tiêu hủy cũng không thực hiện suôn sẻ được”, phía JCCH than phiền.

Hoặc như tiến độ xử lý thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu cũng được cho là khá mất thời gian và kéo dài. Đơn cử như trường hợp một nhà phân phối Nhật Bản nhập khẩu sản phẩm về và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phân phối họ phát hiện những trường hợp sản phẩm bị lỗi hoặc hàng bán không hết thì theo điều khoản trong hợp đồng ký kết với bên bán, họ có thể xuất và gửi trả hàng lại. Sau khi xuất trả hàng, nhà phân phối này lập hồ sơ xin hoàn thuế nhập khẩu, tuy nhiên thủ tục này lại vô cùng tốn công sức và thời gian.

Đến thách thức trong cung ứng nội địa

Một ví dụ cụ thể gần đây là một DN Nhật sau khi nộp hồ sơ một thời gian dài thì mới được cán bộ hải quan thông báo cần bổ sung thêm chứng từ. Sự vụ kéo dài gần 2 năm nhưng DN vẫn chưa được hoàn thuế.

Ngoài vấn đề thủ tục, theo ông Nobuyuki Matsumoto, một mối băn khoăn lớn, dai dẳng lâu nay của các nhà đầu tư Nhật Bản chính là các thách thức trong chuỗi cung ứng nội địa. Như kết quả khảo sát mới nhất trong năm tài chính 2024 về thực trạng DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho thấy tỷ lệ trả lời “chất lượng và năng lực kỹ thuật của các nhà cung ứng nội địa không đủ” cao nhất ASEAN, đạt 60,9%. Không chỉ vậy, tỷ lệ DN Nhật trả lời “Không có nhà sản xuất nào có thể cung cấp nguyên liệu thô trong nước” là 55%, chỉ sau Indonesia.

Vị trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM cho biết các DN Nhật Bản khi sản xuất tại Việt Nam đều có mong muốn rất lớn về việc tăng được tỷ lệ cung ứng nội địa. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là so với năm 2023 thì năm 2024 với kết quả về tỷ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam chỉ đạt có 36,6%, tức là giảm 5,3 điểm so với năm trước đó.

Tương tự như vậy, tỷ lệ cung ứng của DN địa phương xét theo quốc gia và khu vực thì ở Việt Nam trong năm 2024 cũng sụt giảm hơn so với năm 2023. Trong đó, cần để ý đến một tác nhân làm ảnh hưởng tỷ lệ cung ứng nội địa, đó là đồng Yên Nhật suy yếu, giá thấp, nên một số nhà đầu tư nghĩ đến việc nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản về Việt Nam có khi lại rẻ hơn là thu mua tại nội địa. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ cung ứng nội địa càng thấp hơn.

Xét về tỷ lệ cung ứng theo ngành nghề, qua thăm dò từ các DN Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ cung ứng nội địa trong năm 2024 của các ngành thiết bị điện/điện tử và linh kiện, hóa chất/dược phẩm, và dệt may/quần áo đều dưới 30%.

Trong khi đó, khi được hỏi về tỷ lệ cung ứng nội địa trong 1 - 2 năm tới, tại Việt Nam, các DN Nhật Bản trả lời “mở rộng” là 50,9% (tăng 7,7 điểm so với năm 2023), cao hơn hẳn so với mức trung bình của ASEAN là 37,7%. Nhất là xét theo từng ngành nghề, các DN Nhật thuộc lĩnh vực như thiết bị điện/điện tử, dệt may/quần áo và máy móc nói chung đều thể hiện mong muốn mở rộng cung ứng nội địa ở mức cao.

Nói chung, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách và những nhà cung ứng của Việt Nam sẽ phải tự vấn, suy ngẫm nhiều hơn từ kết quả khảo sát thăm dò các DN Nhật Bản trong năm tài chính 2024 với mối bận tâm lớn dai dẳng nằm ở khâu thủ tục và tỷ lệ cung ứng nội địa. Dẫu biết các DN Nhật Bản vẫn muốn tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, nhưng để giảm thiểu những lo ngại như vậy cũng như tăng thu hút dòng vốn Nhật là cần sớm cải thiện, hóa giải phần nào hai khúc mắc này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-hai-moi-ban-tam-dai-dang-cua-cac-nha-dau-tu-nhat-ban-1104731.html