Thấy gì từ làn sóng biểu tình máy kéo trên đường phố châu Âu?
Hàng dài máy kéo và xe tải từ khắp nước Đức đã hướng đến Berlin ngày 15.1 với khẩu hiệu phản đối Chính phủ, khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz càng căng thẳng hơn, trong bối cảnh đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ngân sách và sự trỗi dậy của phe cực hữu. Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt cuộc biểu tình của nông dân trên khắp châu Âu trong thời gian gần đây.
Sự “nổi giận” của máy kéo và xe tải
Đức là quốc gia châu Âu mới nhất chịu tác động bởi làn sóng phản đối của giới nông dân. Trong ngày 15.1, gần 10.000 nông dân cùng hơn 5.000 máy kéo và 2.000 xe tải đã chặn các đường phố của Thủ đô Berlin. Trước đó, người nông dân cũng đưa máy cày chặn các lối vào cao tốc, gây gián đoạn giao thông khắp nước Đức. Họ phản đối kế hoạch từ chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz chủ trương xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu mà họ đang được hưởng.
Cũng trong ngày 15.1, nông dân và tài xế xe tải Romania đã nối lại các cuộc diễu hành bằng máy kéo trên đường phố sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ thất bại vào 14.1. Các cuộc biểu tình, được bắt đầu từ ngày 10.1, đã làm gián đoạn giao thông ở một số thành phố, bao gồm cả Thủ đô Bucharest, khi nông dân và tài xế xe tải bày tỏ sự bất bình từ mức thuế cao đến việc thanh toán tiền bồi thường chậm trễ. Cuối tuần qua, người biểu tình cũng tập trung tại các khu vực biên giới, phong tỏa nhanh chóng biên giới phía đông bắc với Ukraine. Những người xuống đường tuyên bố cuộc biểu tình sẽ tiếp tục vào cuối tháng nay “cho đến khi các nhà chức trách hiểu rằng sự kém cỏi của họ trong việc điều hành đất nước là có thật”.
Trong khi đó, ở Ba Lan, nông dân và tài xế xe tải đã chặn các cửa khẩu biên giới với Ukraine kể từ tháng 11, cáo buộc Ukraine “cạnh tranh không công bằng” và việc nới lỏng các quy định tiếp cận của Liên minh châu Âu đối với các công ty Ukraine. Nông dân Ba Lan đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa biên giới vào tuần trước nhưng hôm 15.1 đã công bố kế hoạch biểu tình trên toàn quốc vào cuối tháng này.
Điểm chung của các cuộc biểu tình
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các cuộc biểu tình máy kéo của giới nông dân một số nước châu Âu bắt nguồn từ những tình huống cụ thể khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm chung đó là nỗi bất an của người nông dân và việc họ muốn bảo vệ những quyền lợi cũ, dù đó là “quyền được tiếp tục hưởng các khoản trợ cấp, quyền được sử dụng năng lượng hóa thạch hay thuốc trừ sâu”.
Nhiều người nông dân chia sẻ rằng họ đang bị dồn vào chân tường bởi các biện pháp mới nhằm tăng cường tiêu chuẩn môi trường của Liên minh châu Âu (EU) và chi phí tăng cao. Giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt ở châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, người nông dân cho biết họ đang đối mặt với sức ép trên khắp lục địa.
Các cuộc biểu tình ở Đức là hành động đáp trả của Hiệp hội Nông dân trước quyết định cắt giảm một số trợ cấp dầu diesel cho nông dân và tài xế xe tải của chính phủ nước này hồi cuối tháng 12.2023. Nguyên nhân của sự cắt giảm này bắt nguồn từ việc thiếu hụt ngân sách sau khi Tòa án Hiến pháp Đức tuyên bố Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz không thể phân bổ lại hàng chục tỷ USD từ Quỹ cứu trợ Covid-19 cho các mục đích khác. Ông Olaf Scholz buộc phải “thắt chặt chi tiêu” nhằm tìm kiếm giải pháp cho lỗ hổng ngân sách.
Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người nông dân khi họ liên tục gặp nhiều khó khăn trong vài năm trở lại đây. Ông Phillip Obwald, nông dân Đức cho biết: “Chúng tôi, những người nông dân, sẵn sàng làm việc mà không cần trợ cấp. Mọi người đều muốn các sản phẩm mà họ sản xuất ra được trả theo giá công bằng. Tuy nhiên, thực tế là trong vài năm qua ở Đức, chúng tôi đã gặp nhiều bất lợi về cạnh tranh khi phải tuân thủ các quy định về môi trường và thực hiện các biện pháp vì phúc lợi động vật theo quy định của EU. Nhất là khi phải đối mặt với các quốc gia có tiêu chuẩn và chi phí sản xuất thấp hơn”.
Trên thực tế, nông dân Đức không chỉ tức giận về việc cắt giảm dầu diesel. Họ cho rằng các chính sách của EU nói chung và nước Đức nói riêng không có tính ổn định cũng như có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khiến việc lập kế hoạch dài hạn gần như không thể thực hiện được. Qua đó làm ảnh hưởng đến quá trình trồng trọt, sản xuất cũng như đầu tư của người nông dân.
Trong khi đó, nông dân Romania yêu cầu được thanh toán trợ cấp và bồi thường nhanh hơn cho những người bị ảnh hưởng bởi hạn hán hoặc gián đoạn do nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine gây ra. Các tài xế xe tải lo ngại về việc tăng mức bảo hiểm và thuế cũng như việc phải chờ đợi lâu để qua biên giới. Việc Nga phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine đã khiến Romania trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng đối với ngũ cốc của Ukraine, đặc biệt là qua cảng Constanța. Tuy nhiên, điều này đã khiến nông dân và các nhà vận tải tức giận vì lo sợ bị các công ty Ukraine thay thế.
Cân bằng giữa mục tiêu khí hậu và quyền lợi cho người nông dân
Sự bất an của người nông dân được Brussels ghi nhận trong một tâm trạng lo lắng. Trên hết, các quan chức EU lo ngại về nguy cơ làn sóng tức giận của nông dân và công chúng có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới với sự trỗi dậy của phe cực hữu, vốn phản đối tất cả các biện pháp môi trường.
Kịch bản này, nếu thành hiện thực, sẽ kéo lùi các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu của EU. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của khối, đã đặt mục tiêu tổng thể là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với nông nghiệp, những thay đổi theo kế hoạch bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.
Chuyên gia từ tổ chức Hòa bình Xanh Marco Contiero nhận định, nguy cơ này đã được thể hiện rõ ràng khi Nghị viện châu Âu thúc đẩy thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên trong năm 2023. Đạo luật này đã được Nghị viện châu Âu thông qua với tỉ số sít sao sau cuộc “phản kháng” vào phút cuối của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu. EPP, nhóm lớn nhất trong cơ quan lập pháp của khối, tự đặt mình là người bảo vệ lợi ích của nông dân trước kế hoạch trả lại đất nông nghiệp cho môi trường sống tự nhiên.
“Các đảng bảo thủ cũng như nhiều đảng cánh hữu hơn đã quyết định sử dụng hoặc lạm dụng các cộng đồng nông nghiệp như một công cụ bầu cử để đạt được kết quả tốt hơn”, ông Contiero nói.
Những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, phe cực hữu đang lợi dụng sự tức giận của nông dân để quảng bá cho hình ảnh của họ. Trong cuộc biểu tình ở Đức, nhiều máy kéo có biểu ngữ được dán biểu tượng của đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, hiện đứng thứ 2 trong các cuộc thăm dò với tỉ lệ ủng hộ là 23%. Trên các kênh truyền thông xã hội của mình, AfD đã vẽ ra một bức tranh về những người dân thường “bị hủy hoại bởi giới lãnh đạo chính trị vô trách nhiệm” và kêu gọi người dân tổng đình công.
Theo bà Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên nông thôn Đức (BDL), có một thực tế phải thừa nhận là năng suất nông nghiệp không thể theo kịp với chi phí ngày càng tăng. “Nếu chỉ so sánh mức tăng giá của máy móc, thuốc trừ sâu và phân bón thì năng suất chưa bao giờ tăng ở mức tương tự”, bà Meister cho biết.
Theo bà Meister, những thách thức trong vài năm qua đã cộng hưởng với những thách thức hiện tại. “Trọng tâm cắt giảm trợ cấp của Chính phủ Đức là động cơ diesel và xe cộ chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly”. Ngành nông nghiệp Đức không phản đối cải cách môi trường nhưng nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn, bà Meister nhấn mạnh. Bà nói: “Nông dân là những người bị ảnh hưởng đầu tiên khi hệ thực vật và động vật bị suy thoái”.