Thấy gì từ loạt cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để tinh gọn bộ máy
Thời gian qua, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, nhiều cán bộ tại các địa phương đã chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi.
Nhiều cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi
Ngày 6/1 vừa qua, Công an tỉnh Nam Định đã công bố quyết định nghỉ công tác, chờ đủ tuổi nghỉ hưu với Thượng tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Ý Yên. Thượng tá Lê Anh Tuấn còn hơn 4 năm công tác tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ chờ hưu. Tuy nhiên, nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tá Tuấn chủ động tiên phong xin nghỉ hưu trước hạn tuổi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chủ động nhân sự phục vụ đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ngày 2/1, lãnh đạo Thành ủy Vinh (Nghệ An) đã trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho ông Phạm Trung Thành, chuyên viên Văn phòng Thành ủy và ông Lê Đức Thọ, chuyên viên Ban Dân vận Thành ủy Vinh. Ngoài ra còn 4 cán bộ có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Cùng thời điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã ký quyết định nghỉ hưu trước tuổi đối với 48 trường hợp là lãnh đạo, công chức, viên chức thuộc các cấp ngành của tỉnh, huyện.
Đầu tháng 1/2025, dù còn thời gian công tác đến tháng 9/2027, ông Nguyễn Quốc Hữu, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Na Hang (Tuyên Quang) tiên phong nghỉ hưu trước tuổi với mong muốn tạo thuận lợi trong thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp bộ máy.
Tại Hải Dương, tính đến ngày 4/1/2025, có 3 cán bộ lãnh đạo cấp phòng tại huyện Bình Giang có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp tinh gọn.
Chiều 30/12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp quyết định cho ông Lê Thành Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, bà Lê Thị Kim Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thôi việc theo nguyện vọng kể từ ngày 1/1/2025.
Tại Quảng Nam, ông A Lăng Mai (58 tuổi), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam; ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn được nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trước tuổi.
Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong được nghỉ hưu trước tuổi, kể từ ngày 1/1/2025.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Thái Hanh và Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương đã xin nghỉ chế độ trước tuổi khoảng 30 tháng.
Ngày 26/12/2024, bà Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, mặc dù còn thời gian gần 2 năm công tác, nhưng đã xung phong xin nghỉ chế độ trước tuổi quy định.
Chính sách, chế độ ưu việt đối với cán bộ nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy
Việc các cán bộ trên xin nghỉ hưu sớm vừa ủng hộ đối với chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, để các cán bộ trẻ có năng lực, trình độ cống hiến nhiều hơn, đồng thời cũng thể hiện sự ưu việt của chế độ, chính sách nghỉ hưu sớm quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP vừa mới được Chính phủ ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Nghị định 178 không chỉ là một văn bản mang tính pháp lý, mà còn là minh chứng cho tư duy nhân văn và thực tế. Trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang luôn được đặt lên hàng đầu.
Những chính sách hỗ trợ nghỉ việc, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp, chế độ hưu trí được xây dựng không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước mà còn để bảo vệ và tôn vinh những cống hiến của từng cá nhân trong hệ thống chính trị. Điều này tạo ra một nền tảng niềm tin và động lực, giúp mọi người sẵn sàng đồng hành cùng những thay đổi cần thiết, thay vì lo lắng hay cảm thấy bị bỏ rơi.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả khi triển khai Nghị định. Những nỗ lực đồng bộ này không chỉ thể hiện sự nghiêm túc trong công tác quản lý nhà nước, mà còn là lời khẳng định rằng Trung ương, Chính phủ luôn đặt lợi ích của người dân và đất nước lên hàng đầu.
Nghị định số 178 quy định rõ, chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức còn đủ 10 năm công tác mà nghỉ hưu trước tuổi, sẽ được trợ cấp hưu trí 1 lần và các chế độ chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, nếu có tuổi đời còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm; nếu có tuổi đời còn đủ 5-10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương nhân với số tháng nghỉ sớm (được hưởng tối đa là 60 tháng).
Ngoài chính sách 1 lần kể trên, người nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng nguyên lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó, cán bộ, công chức sẽ được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi bao gồm: Đối với người còn đủ 2-5 năm đến tuổi nghỉ hưu, được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm; đối với người còn trên 5 năm đến 10 năm mới đến tuổi nghỉ hưu, được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm. Cùng với đó, đối tượng này còn được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, đối với một cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, vẫn sẽ được hưởng nguyên lương theo ngạch, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và vẫn được hưởng các loại phụ cấp như: Chức vụ lãnh đạo, công vụ, công tác đảng, đoàn thể... Đây là chính sách nổi trội mang tính nhân văn mà các chính sách liên quan trước đây chưa có được.