Thấy gì từ những trào lưu ẩm thực ?
Năm 2023 được xem là một năm nở rộ của các 'trend' ngành F&B (dịch vụ ăn uống), mang lại sự tươi mới trên thị trường ẩm thực
Gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, cà phê muối, bánh đồng xu hay trà chanh giã tay… là những món đã tạo nên cơn sốt ẩm thực trong năm nay. Hình ảnh nhiều bạn trẻ xếp hàng dài để chờ mua sản phẩm “hot trend” đã không còn quá xa lạ, nhất là ở các thành phố lớn.
Sức mạnh của mạng xã hội
Phải thừa nhận, mạng xã hội chính là công cụ quảng bá vô cùng lợi hại trong thời đại ngày nay. Từ những bài chia sẻ, bình luận trên các nền tảng, đặc biệt là các video clip “review” hấp dẫn trên TikTok, một món ăn hay quán ăn nào đó bất ngờ trở nên nổi tiếng và gây tò mò cho giới trẻ.
Điều này tạo ra hội chứng tâm lý FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) cho nhiều người, từ đó làm bùng nổ các xu hướng. Dưới tốc độ phát triển chóng mặt của truyền thông số, những xu hướng ẩm thực được dự báo sẽ không ngừng lại trong thời gian tới.
Còn nhớ hồi tháng 2, kênh TikTok của một thương hiệu cà phê muối bắt đầu đăng những video đầu tiên, quay lại hình ảnh người đàn ông lớn tuổi đứng bán cà phê trên đường tại TP. Hồ Chí Minh. Với điểm nhấn là món cà phê muối, chỉ trong thời gian ngắn, những video ấy cán mốc hàng triệu lượt xem, còn chiếc xe bán cà phê dạo lại trở thành hiện tượng, với con số bán ra “ấn tượng”: 500 ly mỗi ngày.
Sau vài tháng, thương hiệu này đã mở đến hàng chục cửa hàng chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành. Giờ đây, món cà phê muối được bán rộng rãi khắp nơi nhưng người ta không còn chen lấn, giành giật để mua nữa.
Cà phê muối từng thu hút giới trẻ giờ cũng đã hết thời.
Khoảng đầu tháng 9, các bài đăng về bánh đồng xu Hàn Quốc lan truyền trên mạng xã hội, kèm theo hình ảnh các bạn trẻ đứng xếp hàng đợi mua ở Hà Nội. Dần dần, những chiếc bánh phô mai béo ngậy thơm mùi sữa xuất hiện ở nhiều nơi hơn. Không thể phủ nhận hương vị thơm ngon của món ăn vặt đường phố này, nhưng chỉ sau 2 tháng, hiệu ứng đám đông cũng hạ nhiệt.
Tương tự, trà chanh giã tay “hot rần rần” từ cuối tháng 10 với hàng ngàn bài viết chứa hashtag #trachanhgiatay. Thậm chí, nhiều thương hiệu còn tận dụng sức hút của từ khóa này để gây sự chú ý cho khách hàng, dù họ không kinh doanh món đồ uống này.
Đó cũng là một trong những ý tưởng marketing hiệu quả, bởi các bài viết “bắt trend” như thế luôn mang về lượng tương tác rất cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trà chanh giã tay đã bị soán ngôi, nhường vị trí cho mì tôm thanh long.
Kẻ khóc người cười
Đổ xô chạy theo “trend” kiếm lời, có người phất lên như diều gặp gió, song cũng không ít trường hợp lại rơi vào tình thế dở khóc dở cười. Điển hình như trào lưu bánh đồng xu, thời gian đầu, nhiều cửa hàng bán rất chạy. Lúc đó, một chiếc máy làm bánh đồng xu có giá khoảng 13 triệu đồng.
Với giá thành phẩm bán ra khoảng 25 ngàn đồng/cái bánh, mỗi ngày bán được cả ngàn cái thì dễ dàng thu hồi vốn trong ít ngày. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 1 tháng, lượng khách giảm đi rõ rệt. Hôm nào mưa gió thì càng ế ẩm. Ở Tây Ninh, khi bánh đồng xu mới có mặt, cũng có khá đông người hào hứng xếp hàng chờ mua. Sau đó, nhiều điểm bán hàng xuất hiện thì lượng người mua thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điều đặc biệt của bánh đồng xu là phải ăn nóng mới có thể kéo phô mai thành sợi dài, vì vậy, các cửa hàng không thể làm sẵn số lượng lớn và để lâu, khi có khách đến thì người bán mới đổ bột vào khuôn. Hòng phục vụ nhanh cho nhiều khách cùng lúc, có chỗ đầu tư đến 3-4 chiếc máy, thuê mặt bằng, nhân công, mua nguyên liệu… tốn ngót nghét cả trăm triệu đồng. Đến khi thoái trào, giá của một chiếc máy nướng bánh chỉ còn khoảng 4-5 triệu đồng. Nhiều tiệm không trụ nổi nữa đã đóng cửa, rao thanh lý máy với giá chỉ 2-3 triệu đồng.
Chứng kiến không ít cảnh thua lỗ, đối mặt với đống nợ nần nên thời điểm trà chanh giã tay nổi lên, không ít người đã rút kinh nghiệm, không dám dồn tiền cho “trend” mới. Các quán có tên tuổi lâu năm, các thương hiệu lớn có chuỗi cửa hàng cũng từ chối “bắt trend”.
Bởi một hệ thống lớn thường có cách vận hành chỉnh chu hơn các quán vỉa hè. Chẳng hạn, khi muốn đưa một món mới vào thực đơn, họ phải có đủ thời gian để nghiên cứu thị trường, tìm nguồn nguyên liệu chất lượng, rồi phải cân nhắc tính toán giá cả, duyệt kế hoạch quảng cáo, tập huấn cách chế biến cho nhân viên… Xong xuôi các khâu thì e cũng hết “trend” mất rồi.
Tại Tây Ninh, các quán bán trà chanh giã tay ít hơn hẳn so với bánh đồng xu. Và chỉ sau một vài tuần, giới trẻ cũng không còn quá mặn mà với loại thức uống này. Chị Trúc Linh (ngụ thị xã Hòa Thành) chia sẻ: “Đa phần do tính hiếu kỳ, muốn “đu trend” nên người ta mới bon chen vậy thôi. Mấy món lạ lạ thì mình chỉ thử cho biết, chứ tiền đâu mà mua hoài. Ly trà chanh bình thường chỉ từ 10-15 ngàn đồng, trà chanh giã tay tận 20-25 ngàn đồng, quá trình pha chế còn lâu hơn nữa”.
Thời điểm trà chanh giã tay ra mắt, giá của 1kg chanh thơm Quảng Đông là hơn 100 ngàn đồng nhưng vẫn rất khan hiếm. Hiện nay, loại chanh này được bán khắp các chợ với giá chỉ còn phân nửa (khoảng 50 ngàn đồng/kg).
Bài học kinh doanh
Hàng loạt cơn bão xu hướng ngành F&B ra đời rồi thoái trào sau một thời gian ngắn đã để lại những bài học cho giới kinh doanh. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ăn nên làm ra nhờ chiến lược “đánh nhanh rút gọn” là có thật. Nhưng rõ ràng, chạy theo trào lưu không phải lúc nào cũng thắng. Nó tùy thuộc vào độ nhạy của người kinh doanh, cũng như sự phù hợp với tệp khách hàng, mức sống ở địa phương đó. Nhiều người vỡ mộng làm giàu chỉ vì chưa đánh giá kỹ các rủi ro.
Thông thường, những người đi đầu rất dễ thành công, vì bắt kịp xu hướng, lại chưa có nhiều sự cạnh tranh. Còn muốn có được sự vững chắc, người kinh doanh phải thực sự có tâm, duy trì chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá tốt, đồng thời kết hợp bán thêm nhiều món khác.
Thực tế, cà phê muối, bánh đồng xu hay trà chanh giã tay… vẫn chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ. Những quán ngon, xịn, ổn định vẫn có khách lai rai. Hơn nữa, người bán hoàn toàn có thể sáng tạo ra những món mới dựa trên nền công thức cũ, nhằm tăng thêm sự phong phú cho quán, kéo khách hàng quay trở lại để trải nghiệm.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thay-gi-tu-nhung-trao-luu-am-thuc--a166732.html