Thấy gì từ tín hiệu đảo chiều mua ròng của khối ngoại?
Thị trường chứng khoán trong nước duy trì nỗ lực hồi phục tương đối mạnh mẽ, đưa chỉ số VN-Index chinh phục lại mốc 1.300 điểm. Bên cạnh dòng thông tin 'dễ thở' hơn về thuế quan thì thị trường đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ diễn biến của khối ngoại, khi đảo chiều mua ròng trong những phiên gần đây.

Nguồn: FiinProx, BSC Research.
Khối ngoại tiếp sức cho đà tăng của thị trường
Sự vận hành ổn định của Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX), kết quả kinh doanh quý I tiếp tục khả quan, các chính sách lớn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là căng thẳng thuế quan có phần "dịu nhiệt" hơn hẳn... là những thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm kể từ đầu tháng 5 đến nay.
Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cũng được củng cố hơn khi dòng tiền khối ngoại "đảo chiều" mua ròng trở lại trong những phiên gần đây. Diễn biến này một phần hỗ trợ cho thị trường chinh phục ngưỡng kháng cự trên quan trọng tại 1.300 điểm.
Thống kê cho thấy, khối ngoại đã quay lại mua ròng 1.222 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 5. Mặc dù đây là con số còn khá khiêm tốn so với con số bán ròng lũy kế từ đầu năm (38.081 tỷ đồng), nhưng khối ngoại mua ròng cũng đã củng cố tâm lý cho nhà đầu tư trên thị trường. Trong tuần này, xu hướng mua ròng đang tiếp tục được duy trì khi khối ngoại đã mua ròng gần 1.000 tỷ đồng trong phiên 13/5, gần 2.300 tỷ đồng trong phiên 14/5 và hơn 900 tỷ đồng trong phiên 15/5, góp phần giảm giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm còn khoảng 34.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc khối ngoại mua ròng trở lại không chỉ mang giá trị giao dịch cụ thể về mặt con số hay tạo lực đỡ về mặt tâm lý, mà còn là tín hiệu đáng chú ý, manh nha cho việc dịch chuyển dòng vốn ngoại sau giai đoạn bán ròng mạnh vừa qua.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, diễn biến này nằm trong một xu thế tái cơ cấu dòng tiền toàn cầu. “Sau khi chịu tác động tiêu cực từ các phát ngôn cứng rắn về chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 4, nhà đầu tư quốc tế đã chủ động giảm tỷ trọng tài sản tại Mỹ và dịch chuyển sang các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam” - ông Sơn cho hay.
Nhìn tương quan ra thế giới, nhiều thị trường quốc tế cũng thể hiện xu hướng này. Theo dữ liệu từ VPBankS, các thị trường trong khu vực đã ghi nhận 4 tuần mua ròng liên tiếp từ khối ngoại và Việt Nam nằm trong xu thế này từ tuần đầu tháng 5 với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tại thị trường trong nước, lực mua ròng 3 phiên liên tiếp của khối ngoại đã tạo cú hích tâm lý mạnh mẽ, giúp VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, đóng cửa phiên 15/5 tại 1.313,20 điểm, với sự đồng thuận rộng rãi từ các nhóm cổ phiếu trụ cột. Theo ông Tôn Đạt Quân - Chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, không chỉ Việt Nam mà nhiều thị trường quốc tế như Hàn Quốc hay châu Âu cũng ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên gần nhất, nhờ tín hiệu hạ nhiệt từ các căng thẳng thương mại toàn cầu.
“Thị trường đang có sự lan tỏa rõ nét, với nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong nhịp tăng. Đáng chú ý nhất là hoạt động giải ngân kỷ lục từ khối ngoại, với giá trị mua ròng lên tới gần 2.300 tỷ đồng - mức cao nhất của nhiều tháng qua” - ông Quân cho hay.
Cơ hội nâng hạng mở lối phát triển
Nhìn về triển vọng dài hạn, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội chiến lược nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9 tới của FTSE Russell. Ông Bùi Văn Huy - Phó Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản (FIDT) nhận định, nếu được nâng hạng, Việt Nam không chỉ hút được dòng vốn thụ động lên tới 1,5 - 2 tỷ USD từ các quỹ chỉ số như FTSE Emerging Markets, mà còn bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện về chất lượng thị trường.
“Điều quan trọng hơn cả là sự dịch chuyển trong hành vi đầu tư và tiêu chuẩn vận hành. Khi tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tăng lên, doanh nghiệp niêm yết buộc phải minh bạch hơn, có chiến lược tăng trưởng rõ ràng hơn và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về quản trị, kế toán và ESG (môi trường - xã hội - quản trị)" - ông Huy nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch FIDT, nâng hạng không chỉ là câu chuyện dòng tiền, mà còn là quá trình cải tổ cấu trúc sâu rộng của thị trường. Khi sự hiện diện của dòng vốn dài hạn gia tăng, mức độ phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm, từ đó giúp giảm thiểu các biến động cảm tính - một đặc điểm từng khiến thị trường Việt Nam trở nên kém ổn định trong mắt giới đầu tư quốc tế. Hơn nữa, sự tham gia của các tổ chức quy mô lớn sẽ tạo áp lực buộc doanh nghiệp nâng cấp năng lực công bố thông tin, từ báo cáo tài chính đến tiêu chuẩn ESG, tạo nên một hệ sinh thái đầu tư bài bản và bền vững hơn.
Trong ngắn hạn, sự trở lại của khối ngoại là yếu tố quan trọng giúp thị trường củng cố niềm tin và cải thiện thanh khoản. Trong trung hạn, khả năng nâng hạng sẽ mở ra dư địa lớn cho việc thu hút dòng vốn chất lượng cao, góp phần đưa thị trường Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới - chuyên nghiệp, minh bạch và hội nhập sâu rộng hơn với dòng chảy tài chính toàn cầu.
“Trong bức tranh đó, nhà đầu tư nội địa cũng có thêm cơ sở để tái định hình chiến lược, đồng hành cùng các dòng vốn dài hạn trong một thị trường ngày càng chuẩn hóa và cạnh tranh hơn” - chuyên gia của FIDT chia sẻ thêm.
Tiến triển đàm phán thuế quan góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại
Chuyên gia VPBankS kỳ vọng, chuỗi mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục kéo dài khi Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác cùng đàm phán với Mỹ nhằm giảm thiểu căng thẳng về thuế quan. Anh và Trung Quốc đã có bước tiến ban đầu, dù chi tiết chưa rõ nét. Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam có thêm dữ liệu vĩ mô tích cực hoặc đạt tiến triển trong đàm phán, xu hướng hút vốn ngoại có thể tiếp tục được duy trì, góp phần hỗ trợ tích cực cho triển vọng phục hồi của thị trường trong ngắn hạn.