Thấy gì từ vị trí Top 10 bảng xếp hạng PCI của Phú Thọ?
Với vị trí Top 10 chỉ số PCI, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ tự tin phát triển toàn diện, vững chắc.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phú Thọ năm 2023 là 69,10 điểm. Trong đó, tỉnh Phú Thọ được các doanh nghiệp đánh giá cao về chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (6,24 điểm năm 2023 so với 5,28 điểm năm 2022) và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6,83 điểm năm 2023 so với 5,98 điểm năm 2022).
Với số điểm này, Phú Thọ lần đầu tiên lọt top 10/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023. Nếu tính trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ đứng thứ 2 chỉ sau tỉnh Bắc Giang (69,75 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố).
Kết quả trên được đánh giá là thành công, bước chuyển biến mạnh mẽ và đột phá trong quá trình triển khai chiến lược “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh” của tỉnh Phú Thọ. Việc thực hiện những chủ trương, quyết sách đúng đắn đã phát huy hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của Phú Thọ. Vậy điều gì đã tạo nên bước đột phá ở trên?
Có thể dễ dàng thấy rằng, Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm của khu vực miền núi, trung du phía bắc và là cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Phú Thọ có hệ thống giao thông khá thuận lợi khi gần sân bay Nội Bài và có hệ thống các tuyến đường kết nối như: Đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối liền Phú Thọ với hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh, thuận lợi để trung chuyển hàng hóa trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, địa phương này có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, trong đó một số loại có thể khai thác quy mô công nghiệp như đá nguyên liệu sản xuất xi-măng, nước khoáng nóng, sắt, đất sét, cao lanh, fenspat...
Tuy nhiên, những lợi thế trên không thể phát huy nếu các cấp chính quyền không có sự chuyển động và điều hành một cách hiệu quả. Nhận thấy điều đó, trong những năm qua, Phú Thọ đã quyết liệt chỉ đạo, đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo cùng việc triển khai đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là khâu đột phá phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025 và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục của tỉnh.
Quá trình triển khai, tỉnh Phú Thọ tập trung trọng tâm vào 5 nhóm mục tiêu và 8 giải pháp mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển và khơi thông những “điểm nghẽn” trong việc thu hút đầu tư.
Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chính sách quan trọng trong thu hút đầu tư và đi vào triển khai mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng, hoàn thiện, triển khai quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; các quy hoạch vùng, ngành; thực hiện cơ chế một cửa, một đầu mối; bổ sung cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội, phát huy lợi thế so sánh địa phương. Đồng thời, tập trung triển khai chính quyền điện tử và phát triển kinh tế số…
Đáng chú ý, tỉnh Phú Thọ rất chú trọng trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vốn nước ngoài FDI. Cụ thể, chủ động tiếp cận và thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị cao. Ngoài ra, Phú Thọ còn ưu tiên các dự án đầu tư trung tâm logistics khu vực Tây Bắc, tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA… để mở rộng thị trường mới.
Theo thống kế, trong 5 năm qua, Phú Thọ thu hút thêm 700 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 48.000 tỷ đồng (bằng 3,6 lần số dự án và 2,4 lần vốn so giai đoạn 2011-2015); hơn 3.600 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 21.000 tỷ đồng… Trong số các “đại bàng” rót vốn thì có nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Độ… và các doanh nghiệp mạnh hàng đầu trong nước đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Với những kết quả đã đạt được, việc duy trì sự phát triển và có những bước tăng trưởng hơn nữa là bài toán đặt ra với các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt là vấn đề phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, phát triển theo chiều sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc….Cùng với đó là nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Với những gì đã đạt được cùng vị trí Top 10 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ tự tin và sẽ có những bước đi vững chắc, cùng với sự phát triển toàn diện trong thời gian tới.