Thấy gì từ việc Casuco tạm dừng nhà máy đường tại Hậu Giang?

Khẳng định nếu tiếp tục hoạt động sẽ lỗ nặng nên mới đây Công ty CP Mía đường Cần Thơ đã tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Tạm dừng để… tránh lỗ

Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa quyết định tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp (tại tỉnh Hậu Giang) trong vụ ép mía 2023-2024. Thông tin nêu trên cũng đã được xác thực tại văn bản số 31/NQ-CASUCO/2023 về Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Mía đường Cần Thơ, được ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch HĐQT Casuco ký ngày 19/10. Theo đó, bên cạnh tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp, Casuco sẽ thực hiện giải quyết lao động theo quy định và các tồn tại có liên quan.

Casuco cho rằng, đóng cửa Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ giúp doanh nghiệp tránh lỗ phát sinh thêm.

Casuco cho rằng, đóng cửa Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ giúp doanh nghiệp tránh lỗ phát sinh thêm.

Báo cáo của Casuco cho thấy, niên vụ 2022-2023 vừa qua Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 14.516 tấn mía (kế hoạch ban đầu là 80.000 tấn), với kết quả hoạt động lỗ trên 21,3 tỉ đồng (kế hoạch ban đầu là lãi 2,02 tỉ đồng).

Được biết, trước đó doanh nghiệp này đã đưa ra hai phương án sản xuất cho Nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024. Trong đó, phương án 1 là tiếp tục chạy nhà máy với điều kiện giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục (tối thiểu 2.200 đồng/kg ở thời điểm xây dựng phương án); sản lượng thu mua đảm bảo công suất dao động từ 2.300-2.500 tấn/ngày.

Phương án 2 là tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp niên vụ 2023-2024. Tổng chi phí hạch toán khi tạm dừng sản xuất là hơn 26,5 tỷ đồng, gồm các chi phí về khấu hao nhà máy, giải quyết nhân sự nghỉ việc, bảo dưỡng, bảo vệ…

Tuy nhiên, theo lý giải của doanh nghiệp này, số lỗ trên chỉ bằng một phần ba so với phương án tiếp tục hoạt động.

Chấp nhận ngừng sản xuất để chuyển đổi tái cơ cấu

Đối với việc Casuco tạm dừng nhà máy ở Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA)- cho biết: "Theo thông tin chúng tôi nắm được từ Casuco thì nhà máy chỉ có thể hoạt động đủ công suất nếu “giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục - tương ứng tối thiểu 2.200 đồng/kg”. Điều đó có nghĩa là với giá đường hiện nay, sản xuất chỉ đủ trả tiền mía, như vậy là không hiệu quả.

Theo ông Lộc, Casuco cũng cho biết, sẽ bám sát diễn biến thị trường mía chục, mía đi Long An, Tây Ninh để xây dựng kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu cho các vụ kế tiếp, khi đủ điều kiện sẽ tiến hành đưa Nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất trở lại.

Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng, việc tạm dừng hoạt động nhà máy của Casuco là hợp lý trong hoàn cảnh công ty, và cũng phù hợp với Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường.

Đối với việc Casuco tạm ngừng nhà máy thời điểm này, theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, sẽ tạo nhiều lo lắng cho nông dân trồng mía trên địa bàn. Bởi niên vụ mía 2022-2023, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 3.285ha, hiện tại bà con mới thu hoạch được gần 1.900ha để bán mía chục cho thương lái, với năng suất bình quân đạt khoảng 105 tấn/ha. Hiện hầu hết diện tích mía chưa thu hoạch có thời gian sinh trưởng hơn 10 tháng tuổi, ngày đốn mía đã cận kề nên khó khăn cho nông dân trong việc tìm nơi tiêu thụ mía sắp tới.

Ngọc Thùy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thay-gi-tu-viec-casuco-tam-dung-nha-may-duong-tai-hau-giang-280826.html