Thấy gì từ việc dàn sao nam bị quấy rối?

Chương trình Anh trai say hi sau nghi ngờ từ 'đạo' format đến câu khách bằng những vũ đạo gợi dục, đến lượt chính các nghệ sĩ tham gia chương trình bị quấy rối bằng ngôn từ.

Mới đây cộng đồng mạng dậy sóng với những lời quảng bá về sự kiện họp báo, lịch phát sóng Anh trai say hi từ tài khoản Q.N - được cho là chuyên viên sản xuất cấp cao của chương trình. Qua mạng xã hội, người này dùng những từ ngữ hoàn toàn không phù hợp để nói về chương trình và các nam nghệ sĩ tham gia.

Chẳng hạn: “Một tháng có 30-31 ngày. Chương trình cũng dzị. Coi như mỗi ngày được chơi 1 anh…”, cùng những câu từ khó nghe khác với những lối diễn đạt như “nước sẽ chảy lai láng”, “trứng sẽ rụng hết 2 buồng”… Có thể thấy, những lối diễn đạt này hoàn toàn thiếu tôn trọng các nam nghệ sĩ tham gia chương trình, coi họ như công cụ để tình dục hóa nhằm thu hút một bộ phận khán giả nào đó. Tuy nhiên, trái với mong muốn của người “giật tít”, các phát ngôn này bị phản đối, lên án dẫn đến Q.N phải xóa bài đăng và khóa tài khoản mạng xã hội.

Anh trai say hi có dấu hiệu khai thác nam tính dưới góc độ gợi cảm 18+ trong chương trình phát sóng cho khán giả đại trà. Ảnh: CMH

Anh trai say hi có dấu hiệu khai thác nam tính dưới góc độ gợi cảm 18+ trong chương trình phát sóng cho khán giả đại trà. Ảnh: CMH

Để cho dễ hình dung, chỉ cần hoán đổi giới tính giữa nạn nhân và thủ phạm sẽ rõ. Nếu người chơi là các nữ nghệ sĩ, rõ ràng việc áp dụng các cách nói tương tự sẽ ngay lập tức gây phản cảm và lộ rõ dấu hiệu quấy rối, xúc phạm nhân phẩm. Khi đó, người định phát ngôn cũng phải tự mình kiểm duyệt nếu không muốn bị buộc tội.

Có vẻ như nhận thức của Q.N nói riêng và một bộ phận xã hội nói chung về quấy rối tình dục nam giới vẫn còn khá phiến diện. Vì hình như vẫn tồn tại một số quan điểm sai lầm cho rằng, nam giới không thể bị quấy rối tình dục. Vì đã là “đàn ông đích thực” sẽ thích được như thế. Nó giống như được quấy rối (nhiều) là một thành tích đáng tự hào, chứng tỏ những phẩm chất đàn ông của bạn được đánh giá cao vậy.

Thực tế cho thấy, khi nạn nhân nam giới đủ dũng khí để chia sẻ cảnh ngộ của mình, lại nhận được những bình phẩm như: “số hưởng”, “sướng thế còn gì”… làm họ cảm thấy lại bị tổn thương một lần nữa.

Nhận thức về quấy rối tình dục nữ giới cũng không phải tự nhiên mà có. Nó phải trải qua một quá trình đấu tranh, truyền thông để nâng cao nhận thức kèm những chế tài xử phạt rõ ràng.

Phát ngôn có tính chất quấy rối dàn thí sinh Anh trai say hi được cư dân mạng chụp lại. Ảnh: CMH

Phát ngôn có tính chất quấy rối dàn thí sinh Anh trai say hi được cư dân mạng chụp lại. Ảnh: CMH

Có lẽ cũng bởi các nạn nhân nam giới ít khi lên tiếng khi bị quấy rối. Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai (ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan), điều này xuất phát từ định kiến gắn giá trị đàn ông với ham muốn nhục dục: “Chúng ta thường mặc định, giá trị của họ được quyết định bằng thước đo ham muốn dục tính theo khuôn mẫu của xã hội. Khi cơ thể họ bị tấn công, họ không thể thanh minh vì logic cơ thể của đàn ông là vũ khí. Làm gì có chuyện kẻ có vũ khí lại không dùng nó để tấn công”. Kết quả là chỉ khoảng 13% đàn ông tố cáo kẻ hãm hại, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ là 39%.

Số liệu từ WHO cách đây 2 năm: khoảng 35% phụ nữ trên toàn thế giới và từ 5-10% nam giới là nạn nhân của bạo lực tình dục, bao gồm cả hiếp dâm. Tuy nhiên, tỷ lệ đàn ông bị quấy rối có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn, ở Malaysia năm 2023, cảnh sát ghi nhận hơn 3 nghìn vụ quấy rối, tấn công tình dục, trong đó có 135 nạn nhân là nam, trong khi năm 2021 mới chỉ có 82 nạn nhân nam. Ở Hàn Quốc, năm 2020, tỷ lệ nam giới liên lạc với trung tâm tạm lánh dành cho nạn nhân của bạo hành tình dục và bạo lực gia đình là 11,5%. Tới năm 2021, tỷ lệ này đã là 17,2%. Sự gia tăng này cũng có thể do nam giới đã nhận thức tốt hơn và đã dám đứng lên để tự bảo vệ mình.

Một trường hợp đau lòng trong lịch sử nhạc rock là vụ tự sát của Chester Bennington - ca sĩ của nhóm Linkin Park vào năm 2017. Trước đó 11 năm, anh đã tiết lộ với báo chí về việc mình bị đánh đập và lạm dụng tình dục khi mới 7 tuổi. “Điều đó đã phá hủy toàn bộ sự tự tin của tôi. Tôi cũng không thể kể với ai vì sợ họ sẽ nghĩ rằng tôi đồng tính hay nói dối,” anh nói. Sau đó, anh có thời gian rơi vào trầm cảm và đã không thể vượt qua.

Dĩ nhiên, nam giới cũng chịu tổn thương khi bị quấy rối. Trong khi họ lại ít được xã hội quan tâm hơn nữ khi lâm vào cùng cảnh ngộ. Sự việc từ Anh trai say hi hi hữu ở chỗ, nó được thể hiện công khai trước bàn dân thiên hạ và nạn nhân là một tập thể. Sau đó, trong lời cảm ơn của một vài nghệ sĩ sau số phát sóng tối 13/7, cái tên Q.N vẫn được nhắc tới. Nhiều khả năng nếu có cảm thấy gợn hay bị xúc phạm, các anh trai trong trường hợp này hầu như cũng không có cơ hội lên tiếng, nếu vẫn muốn tham gia cuộc chơi, và rộng ra là showbiz (?).

Ngoài ra, những diễn ngôn về một gameshow đang được nhiều người quan tâm (không loại trừ các khán giả trong tuổi vị thành niên) sẽ gây tác hại khôn lường, vì nó tiếp tục cổ xúy cho quấy rối tình dục, góp phần bình thường hóa những nội dung tục tĩu trên mạng xã hội. Vì thế nó cũng nên bị xử phạt như việc tung tin giả xúc phạm người khác vậy.

AN SƠN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thay-gi-tu-viec-dan-sao-nam-bi-quay-roi-post1654885.tpo