Thấy gì từ việc hãng taxi Saigon Tourist bị dừng hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất

Nhìn từ việc xe taxi của CTCP vận chuyển Sài Gòn Tourist bị dừng hoạt động ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vì tai tiếng có những tài xế gian lận cước, để thấy bước trượt dài của hãng taxi này, từ chuyện 'chặt chém' ảnh hưởng đến ngành du lịch cho đến vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, những rối ren trong nội bộ và chuyện làm ăn bết bát.

Bắt đầu từ ngày 22/6, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quyết định không cho xe taxi của CTCP vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) và Saigon Taxi vào đón trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi phát hiện tài xế của hai hãng taxi này có dấu hiệu nâng khống giá cước.

Quá nhiều tai tiếng

Vụ việc đã được Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cùng các đơn vị liên quan phát hiện hôm 19/6. Cụ thể là với trường hợp tài xế taxi của STT, có hai công tắc phụ lắp dưới cần số.

Lực lượng thanh tra yêu cầu tài xế của hãng taxi này chạy từ ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình, Tp.HCM) rồi quay lại. Với tổng chiều dài đi và về hơn 2 km, giá cước thực tế là 54.000 đồng, thế nhưng khi tài xế dùng công tắc phụ, giá cước hiển thị trên đồng hồ tính tiền tăng hơn 540.000 đồng, gấp hơn 10 lần.

Việc bị dừng hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhấtcàng cho thấy bước trượt dài của hãng taxi Saigon Tourist.

Nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ quyết định nêu trên của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm loại bỏ kiểu làm ăn gian dối. Họ cho rằng nếu không xử lý mạnh tay, để cho tình trạng gian lận cước taxi còn tiếp diễn sẽ tiếp tục hủy hoại hình ảnh sân bay và ảnh hưởng tiêu cực đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Cần nhắc lại, cách đây 3 tháng, tài xế của hãng taxi Sài Gòn Tourist đã thu số tiền cước 1,2 triệu trong khi đồng hồ báo giá 120.000 đồng khi đưa du khách Nhật Bản từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về một khách sạn ở quận 1, Tp.HCM. Khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tài xế này thừa nhận việc thu giá cước cao và hoàn trả số tiền cho hành khách.

Chuyện này đã gây bức xúc trong dư luận. Sự việc xảy ra cũng gây nhầm lẫn cho nhiều du khách khi nhầm tưởng hãng taxi Saigontourist thuộc Saigontourist Group (Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn).

Ngay sau đó, Saigontourist Group đã phải lên tiếng là hãng taxi Saigontourist không phải đơn vị thuộc Saigontourist Group, mà đơn vị này đã nhiều lần cố tình sử dụng thương hiệu Saigontourist gây nhầm lẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của Saigontourist Group.

Trên thực tế, CTCP vận chuyển Sài Gòn Tourist trước đây là đơn vị trong hệ thống Saigontourist Group. Vào năm 2005, Saigontourist Group đã thoái vốn ở đây nhưng công ty này vẫn sử dụng thương hiệu Saigontourist trong hoạt động kinh doanh taxi.

Điều này cũng đặt ra dấu hỏi là liệu có vi phạm về luật Sở hữu trí tuệ hay không trong việc sử dụng logo và tên thương mại của Saigontourist Group sau khi STT tách khỏi công ty mẹ.

Bài học để không đi vào “vết xe đổ”

Vào ngày 22/6, đại diện của Saigontourist Group cho biết, đơn vị này vừa có đơn gửi Tòa án nhân dân (TAND) Tp.HCM để khởi kiện STT vì tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Nhất là việc này vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến tình trạng khách hàng nhầm lẫn hàng hóa, dịch vụ với Tổng công ty du lịch Sài Gòn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của tổng công ty.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, STT đã bị ông Nguyễn Văn Hồng, cổ đông lớn nắm giữ 21,8% vốn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Lý do được cổ đông này đưa ra do công ty đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 6/2023, STT đã công bố thông tin bất thường, gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, trong đó có báo cáo về quản trị và kết quả hoạt động của HĐQT và từng thành viên HĐQT trong năm 2022.

Cụ thể, báo cáo có dẫn ý kiến của các ông Ryotaro Ohtake (Chủ tịch HĐQT), Kakazu Shogo (Phó chủ tịch HĐQT), Shimabukuro Yoshinori (thành viên HĐQT), đó là cho đến thời điểm này, do sự không đồng thuận trong nội bộ thành viên HĐQT cũng như các cổ đông lớn, nên HĐQT và đại hội đồng cổ đông đã không thể thông qua những quyết định quan trọng đối với bộ phận taxi nói riêng và STT nói chung. Do đó, STT đã không thể nào mở rộng quy mô kinh doanh taxi. Đội ngũ điều hành hiện tại chỉ đang cố gắng cầm cự và duy trì bộ máy kinh doanh.

Ngoài ra, gần đây, STT đang phải giải quyết hàng loạt vụ kiện tại tòa án, đơn tố cáo đến các sở ban ngành của ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên HĐQT.

Theo đó, vào năm 2020, với quyền cổ đông lớn của mình, ông Hồng đã nộp đơn yêu cầu TAND Tp.HCM yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với STT. Sau đó, vào tháng 6/2020, TAND Tp.HCM đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, không dừng ở đó, mặc dù không thể chứng minh việc mất khả năng thanh toán, ông Hồng vẫn tiếp tục nộp đơn đề nghị xem xét lại quyết định không mở thủ tục phá sản nêu trên. Tiếp đó, vào tháng 11/2020, TAND Tp.HCM đã xem xét, giải quyết và ra quyết định bác đơn đề nghị của ông Hồng.

Cũng theo báo cáo nêu trên, dù vụ kiện hay những yêu cầu không mang đến kết quả như kỳ vọng của nhóm ông Hồng nhưng đã ảnh hưởng đến uy tín, tiền bạc và tác động tiêu cực nặng nề đến hoạt động kinh doanh của STT.

Nói một cách công bằng, nhìn vào chuyện tai tiếng gian lận cước, “chặt chém” du khách, làm ăn bết bát, rối ren nội bộ và cả vấn đề về sở hữu trí tuệ như trường hợp của STT, để hoạt động kinh doanh của hãng taxi này trở nên sáng sủa hơn trong thời gian tới là cả thách thức lớn. Đây cũng là điều mà các hãng taxi truyền thống khác cần rút ra bài học cho mình để không phải đi vào “vết xe đổ”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thay-gi-tu-viec-hang-taxi-saigon-tourist-bi-dung-hoat-dong-o-san-bay-tan-son-nhat-1093411.html