Thầy giáo 25 năm gắn bó với bệnh lao: Cần nâng cao chất và lượng đội ngũ nhân sự

Từng bị gia đình phản đối nhưng TS.BS Nguyễn Văn Thọ vẫn quyết tâm theo đuổi chuyên ngành Lao và Bệnh phổi với mong muốn giúp ích được cho cộng đồng.

Người thầy 25 năm gắn bó với bộ môn Lao và Bệnh Phổi

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ - Trưởng bộ môn Lao và Bệnh Phổi Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên ban chấp hành của Hội Hô hấp Việt Nam, Liên chi Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, Liên chi Hội Hen Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Thọ đã có 25 năm gắn bó với chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi, hiện là bác sĩ điều trị của Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000, bác sĩ nội trú bệnh viện chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi năm 2004 và Thạc sĩ Y học, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008.

Sau đó, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ tiếp tục tu nghiệp và trở thành Tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Khoa Shiga, Nhật Bản năm 2015. Ngoài ra, bác sĩ Thọ còn tham gia khóa đào tạo nâng cao về hô hấp và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đa Khoa Singapore năm 2007 và từng nhận học bổng Harasawa của Hiệp hội Hô hấp Nhật Bản để học tập và nghiên cứu tại Khoa Hô hấp Trường Đại học Y Khoa Shiga, Nhật Bản năm học 2009-2010.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đã có 25 năm gắn bó với chuyên ngành Lao và bệnh Phổi. (Ảnh: Nhật Lệ)

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với chuyên ngành đặc biệt này, thầy Thọ cho hay: “Cách đây khoảng 25 năm khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, tôi phải chọn một chuyên ngành để thi vào bác sĩ nội trú bệnh viện. Thời điểm đó chỉ 10% bác sĩ tốt nghiệp trở thành bác sĩ nội trú bệnh viện, bởi đây là chương trình đào tạo nhân tài cho ngành y.

Khi tìm hiểu nội dung đào tạo bác sĩ nội trú của các bộ môn, tôi nhận thấy chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi có chương trình vừa đào tạo lao vừa đào tạo bệnh phổi không lao. Và tôi từng đi thực tập tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, là một bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chứng kiến cảnh bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bệnh lao và các loại bệnh phổi không lao này nên tôi quyết định thi bác sĩ nội trú để học tại chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi. Sau khi tốt nghiệp tôi ở lại trường làm giảng viên. Từ đó tôi đã gắn bó với Lao và Bệnh Phổi cho tới thời điểm này”.

Lựa chọn ngành học bị cả xã hội kỳ thị, thời điểm đó thầy Thọ cũng bị tất cả thành viên trong gia đình phản đối. Thầy đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình đồng ý cho mình theo đuổi ngành học này.

“Thời điểm tôi quyết định thi vào chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi, tất cả mọi người trong gia đình đều phản đối. Tôi đã phải giải thích với gia đình là lĩnh vực này không chỉ có bệnh lao mà còn cả bệnh phổi nữa. Ngoài ra học chuyên ngành này cũng có thể làm được nhiều thứ, điều trị được nhiều dạng bệnh khác nhau chứ không chỉ khám bệnh nhân mắc bệnh lao.

Tôi đã phải thuyết phục gia đình mình rằng tôi có thể làm được nhiều thứ, có thể sống được với nghề và đặc biệt là có khả năng phòng ngừa lây nhiễm. Bởi khi mình hiểu rất rõ về bệnh lao thì sẽ tránh được lây nhiễm cho bản thân và gia đình… Thấy được sự quyết tâm của tôi như vậy lúc đó người nhà mới đồng ý cho tôi học chuyên ngành này”, thầy Thọ nhớ lại

Một trong nguyên do khác khiến thầy Thọ quyết tâm gắn bó với bộ môn đặc biệt này là sự ám ảnh khi chứng kiến bệnh nhân phải đương đầu với tử thần mà bác sĩ không thể làm gì được. Chính điều đó đã khiến thầy càng quyết tâm theo đuổi và chữa trị cho thật nhiều bệnh nhân hơn.

“Khi trực cấp cứu ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ấn tượng làm tôi nhớ nhất là tôi đã chứng kiến một cô gái trẻ chỉ khoảng hơn 20 tuổi ho ra máu. Vì bệnh nhân này mắc lao phổi kháng nhiều loại thuốc nên bác sĩ không thể làm gì được. Phải chứng kiến bệnh nhân ho ra rất nhiều máu cho đến khi mất đi khiến tôi cảm thấy rất ám ảnh. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi gắn bó với bộ môn này, giúp cho càng nhiều bệnh nhân có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lao, giảm nguy cơ thất bại điều trị và tránh tử vong.

Tôi đã làm lĩnh vực này rất lâu và tôi thấy rằng bác sĩ có thể chữa được rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh lao hoàn toàn. Có những người trước đó rất yếu nhưng sau khi chữa thì họ vẫn trở lại được sức khỏe như bình thường. Khi làm được điều đó bản thân tôi cảm thấy rất vui vì giúp được nhiều người chữa khỏi hẳn bệnh Lao và trả họ về với cuộc sống như một người chưa bao giờ bị bệnh Lao”, bác sĩ Thọ cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Thọ cùng các giảng viên Bộ môn Lao và Bệnh Phổi Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Cần nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ y bác sĩ ngành Lao và Bệnh Phổi

Theo Trưởng bộ môn Lao và Bệnh Phổi Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh: “Hiện nay, đội ngũ y bác sĩ trong lĩnh vực lao và bệnh phổi vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chuyên môn phần lớn là do xã hội kỳ thị. Nhiều gia đình không muốn con em theo đuổi lĩnh vực này vì phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm. Thêm nữa là thu nhập của bác sĩ chuyên khoa lao và bệnh phổi cũng tương đối thấp. Chính vì thế, bản thân xã hội đã làm cho rất nhiều người chùn bước và không muốn tham gia vào lĩnh vực này ngay từ khi tốt nghiệp y khoa. Hiện nhiều người làm công tác phòng chống lao là bị điều chuyển từ các chuyên ngành khác sang".

Cũng theo thầy Thọ, muốn có thêm nhân sự trong lĩnh vực lao và bệnh phổi thì cần tăng số lượng học viên sau đại học. Hiện tại, đang có 3 vấn đề chính cần thay đổi để góp phần nâng cao số lượng học viên theo đuổi chuyên ngành này.

Thứ nhất, do lịch sử, khi nói tới bệnh lao, hoặc nói tới bệnh phổi là người ta nghĩ ngay tới bệnh lao nên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế chỉ quy định đào tạo chuyên ngành Lao mà thôi. Vì thế, hiện nhiều cơ sở giáo dục đào tạo sau đại học cũng chỉ ghi là đào tạo chuyên ngành Lao mà không có thêm cụm từ “và bệnh Phổi”. Do đó, để tăng số lượng học viên thì chương trình đào tạo nên đổi tên chuyên ngành thành “Lao và Bệnh Phổi” để xã hội bớt kỳ thị, phù hợp với xu hướng các bệnh viện lao và bệnh phổi của nhiều tỉnh thành đã đổi tên thành Bệnh viện Phổi. Hơn nữa, bác sĩ phải giỏi bệnh phổi thì mới có thể giỏi bệnh lao được, vì lao phổi chiếm tới 80% các trường hợp mắc bệnh lao. Do đó, lao và bệnh phổi lúc nào cũng phải được đào tạo chung với nhau.

Thứ hai, trong khi chờ đợi cấp có thẩm quyền cho phép đổi tên chuyên ngành từ Lao sang “Lao và Bệnh Phổi” hoặc Nghị định của Chính phủ quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe (dự thảo đã có chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi) có hiệu lực thì các Sở Y tế xem xét cấp giấy phép hành nghề cho bác sĩ khi tốt nghiệp chuyên ngành Lao nên cấp giấy phép theo nội dung đào tạo chứ không phải tên của chuyên ngành. Bởi vì, trong thực tế tên chuyên ngành chỉ là Lao nhưng nội dung đào tạo bao gồm cả các bệnh phổi không lao. Do đó, nếu học viên tốt nghiệp được cấp giấy phép hành nghề ghi cả “Lao và Bệnh Phổi” thì số lượng học viên sẽ tăng do phù hợp nhu cầu tuyển dụng của các bệnh viện lao và bệnh phổi hoặc các khoa Nội phổi hoặc phòng khám chuyên khoa của các bệnh viện hoặc trung tâm y tế.

Thứ ba, nên miễn học phí cho học viên theo học chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi. Vì đây là lĩnh vực rất ít người theo đuổi nên xã hội cần hỗ trợ để những sinh viên, học viên, hay những người có hoàn cảnh khó khăn mà rất giỏi, tâm huyết với lĩnh vực này có thể theo học được.

Bác sĩ Thọ tham gia đào tạo tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Cần nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng chống và điều trị bệnh lao

Theo Trưởng bộ môn Lao và Bệnh Phổi Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 174.000 người mắc mới bệnh Lao. Nếu tính cả những bệnh nhân đang mắc và điều trị thì con số còn cao hơn nữa. Dân số của Việt Nam khoảng 100 triệu dân. Như vậy, cứ 100.000 dân sẽ có khoảng 170 người mắc mới căn bệnh này.

So với Hoa Kỳ một năm họ chỉ có khoảng 7.000 người mắc mới, dân số của họ là 340 triệu người. Tính ra trong 100.000 dân họ chỉ có khoảng 2 người mắc mới mà thôi. Điều đó cho thấy tỷ lệ mắc mới bệnh lao của Việt Nam cao hơn Mỹ khoảng 80-90 lần. Như vậy, có thể thấy gánh nặng bệnh Lao ở nước ta là rất lớn. Việt Nam cũng được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ mắc Lao rất cao trên thế giới.

Những năm trước đại dịch Covid-19 (trước năm 2019), tỷ lệ bệnh Lao có xu hướng giảm, tỷ lệ tử vong cũng giảm. Nhưng sau đại dịch Covid-19 thì hiện tại tỷ lệ bệnh Lao tăng lên và tỷ lệ tử vong do Lao cũng tăng lên trên toàn thế giới và Việt Nam cũng trong xu hướng đó.

“Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo chứng kiến của tôi thì tỷ lệ mắc bệnh lao đang tăng lên. Đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh lao phổi đi khám bệnh muộn hơn, khi đờm của họ có nhiều vi khuẩn lao, gây ra lây lan cho người khác giống như Covid-19.

Một trường hợp lao phổi có nhiều vi khuẩn lao trong đờm có thể lây cho từ 10-15 người khác. Như vậy số người bị lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm tăng lên sẽ làm lây lan rất nhiều trong cộng đồng.

Nguyên nhân có thể trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều người bị cách ly tại nhà, những người bị bệnh lao không đi khám bệnh và dễ dàng lây lan hơn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, mật độ dân cư rất cao và có thể họ sống chung phòng một thời gian dài với người bệnh lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm.

Một nguyên nhân khác có thể do tình hình kinh tế khó khăn, người ta chậm đi khám bệnh. Nhiều người bị các bệnh nền khác, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc cuộc sống căng thẳng nhiều hơn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Bởi vì bệnh lao là kết quả của cuộc chiến hai bên giữa vi khuẩn lao và sức đề kháng con người. Sức đề kháng con người giảm xuống thì vi khuẩn lao sẽ phát triển và gây ra bệnh lao.

Ngoài ra cũng có thể do các cơ sở y tế thiếu phương tiện chẩn đoán sớm bệnh lao khiến việc phát hiện bệnh trễ hơn, làm tăng tỷ lệ lây lan. Đó là những lý do khiến tỷ lệ mắc bệnh lao tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng lên, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19”, thầy Thọ nhận định.

Bác sĩ Thọ trong lớp học nội soi phế quản. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, sau nhiều năm làm về bệnh lao và hiểu về cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao thì ở Việt Nam, để chấm dứt căn bệnh này là cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, có một số giải pháp cần thực hiện để giảm thiểu gánh nặng căn bệnh này.

Thứ nhất phải có nhân sự chuyên về lao và bệnh phổi được đào tạo một cách bài bản. Vì nếu chất lượng đội ngũ nhân sự không tốt thì khả năng phát hiện sớm bệnh lao sẽ giảm xuống; hoặc điều trị không đúng thì bệnh nhân sẽ bị kháng thuốc.

Thứ hai, các cơ sở y tế cần có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán bệnh lao để phát hiện bệnh lao sớm hơn. Chứ không nên đợi bệnh lao đã lây nhiễm cho người khác rồi mới phát hiện.

Thứ ba, bệnh nhân nên được tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lao một cách dễ dàng hơn và từ nhiều cơ sở y tế hơn. Hiện tại đang có tình trạng bệnh nhân ngại đi tới các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao miễn phí vì phương tiện chẩn đoán sớm có thể không đầy đủ, thời gian được chẩn đoán bị kéo dài, nhân viên đón tiếp bệnh nhân không tốt hoặc bị người quen kỳ thị.

Cuối cùng, xã hội cần phải bớt kỳ thị về bệnh lao và cần hỗ trợ để bệnh nhân bớt mặc cảm. Đồng thời, bệnh nhân cần được động viên, khích lệ tinh thần nhiều hơn thì họ mới yên tâm chữa trị.

“Có một thực trạng rất đáng buồn là xã hội hiện nay vẫn còn kỳ thị rất lớn đối với bệnh lao, ngay cả người bệnh cũng kỳ thị căn bệnh này. Ví dụ có những bệnh nhân khi tôi thông báo với họ: anh/ chị mắc bệnh lao phổi thì người ta phản đối một cách dữ dội. Người ta cảm thấy rất xấu hổ, nhưng nếu tôi nói người đó: anh/ chị bị ung thư phổi thì họ lại chấp nhận nó một cách rất dễ dàng.

Họ cho rằng bị ung thư phổi không xấu hổ bằng bị lao phổi. Trong khi bệnh lao phổi có thể chữa khỏi được còn bệnh ung thư phổi giai đoạn muộn thì không. Như vậy mới thấy là xã hội kỳ thị tới mức như vậy, họ chấp nhận bản thân mắc một bệnh không chữa khỏi được còn hơn là mắc bệnh lao.

Để giải tỏa được kỳ thị của xã hội, tôi phải khẳng định rằng bệnh lao là bệnh chữa khỏi được. Nếu không bị lao kháng thuốc thì hơn 95% bệnh nhân lao sẽ được chữa khỏi hẳn. Bởi vậy, bác sĩ luôn chúc mừng bệnh nhân một khi kết quả sinh thiết là lao chứ không phải ung thư.

Đồng thời, việc lây nhiễm vi khuẩn lao chỉ xuất hiện ở những người bị lao phổi, phát hiện trễ. Tức là những người bị lao phổi có số lượng vi khuẩn lao rất nhiều trong đờm thì mới lây nhiễm cho cộng đồng. Còn nếu phát hiện sớm lao phổi, khi bệnh nhân chưa có triệu chứng hay số lượng vi khuẩn lao trong đờm rất ít thì hầu như không lây cho người khác”, thầy Thọ nhấn mạnh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cũng tham gia nhiều hội thảo khoa học. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cũng khẳng định bệnh lao không chỉ là lao phổi, mà còn có thể mắc lao ở các bộ phận khác như: màng phổi, hạch, màng bụng, da, xương, khớp, màng tim, màng não… Những thể lao ngoài phổi này không lây nhiễm. Cho nên không thể nói hễ mắc bệnh lao là sẽ lây nhiễm.

Không chỉ vậy, giả sử một người nào đó bị bệnh lao phổi đang lây nhiễm mà được điều trị đúng đắn thì 85% khả năng họ sẽ không còn lây nhiễm trong vòng hơn 2 tuần. Phần lớn nguồn lây lao cho cộng đồng là những người bị lao phổi có số lượng vi khuẩn lao rất nhiều trong đờm, nhưng không được phát hiện. Còn nếu đã phát hiện và điều trị đúng đắn thì khả năng lây lan sẽ giảm đi rất nhanh. Đến thời điểm này không cần thiết phải cách ly người bệnh suốt cả quá trình điều trị.

“Có cả những bệnh nhân tôi phải trực tiếp nhắn tin cho người nhà là tới thời điểm này người bệnh không còn lây nhiễm nên đừng bắt người bệnh phải đeo khẩu trang suốt cả ngày, kể cả lúc ngủ, gây khổ cho bệnh nhân. Như vậy cần tìm hiểu kỹ để biết khi nào bệnh lao có khả năng lây nhiễm và thể lao nào lây nhiễm.

Ngoài ra, nhiều người cứ nghĩ bệnh lao chỉ xảy ra với những người nghèo khổ thôi, không xảy ra ở những người giàu là quan điểm sai lầm. Thực tế, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lao nếu sống trong một xã hội mà số lượng người mắc bệnh lao quá cao và sức đề kháng của người đó giảm. Hiện tại, bệnh nhân của tôi có những người bị lao gần như không gầy gò, có những người còn mập mạp.

Nếu họ bị bệnh đái tháo đường không được kiểm soát hay mất ngủ triền miên, họ bị căng thẳng về tinh thần hay thể xác thì khi họ hít phải vi khuẩn lao của những người khác như đi vào chung thang máy, đi siêu thị chung, đi xe chung thì họ vẫn có khả năng mắc bệnh lao. Như vậy, ai cũng có khả năng mắc bệnh lao nên cả xã hội cần phải hỗ trợ để chống lại bệnh lao chứ không phải việc phòng chống lao chỉ là của y bác sĩ.

Cần động viên những bệnh nhân mắc lao để họ yên tâm điều trị chứ không phải kỳ thị để họ càng lo lắng, càng trầm cảm. Nếu bị vấn đề tâm lý như vậy thì khả năng điều trị khỏi sẽ giảm xuống và mắc rất nhiều tác dụng phụ khi điều trị”, thầy Thọ bày tỏ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cùng nhiều chuyên gia tham gia hội thảo đào tạo chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi. (Ảnh: NVCC)

Nhân dịp ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, thầy Thọ cũng muốn nhắn gửi tới đội ngũ nhà giáo cũng như cán bộ y tế tham gia giảng dạy và làm việc phòng chống lao rằng: Nghề nào cũng vậy chỉ cần làm tốt thì xã hội sẽ ghi nhận.

Bên cạnh đó, bệnh lao là một loại bệnh phức tạp, nó có thể biểu hiện giống nhiều loại bệnh khác, đặc biệt là các bệnh phổi không do lao. Cho nên muốn làm tốt công tác phòng chống lao thì bác sĩ phải giỏi về bệnh phổi thì mới không bỏ sót hay chẩn đoán quá mức bệnh lao. Đó cũng là lý do mà bác sĩ Thọ luôn mong muốn lao và bệnh phổi lúc nào cũng phải đi chung với nhau.

Ngoài ra, hiện những người làm lĩnh vực này rất ít, thiếu đội ngũ tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội. Chính vì thế, theo thầy Thọ những người làm lĩnh vực này nên đem những hiểu biết của mình ra để giúp nhiều người hơn biết cách phòng tránh bệnh lao. Hiện tại, xã hội đang kỳ thị nên hiểu sai về bệnh lao. Chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục để làm sao xã hội hiểu rõ hơn, biết cách phòng ngừa và giảm bệnh lao trong cộng đồng.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-giao-25-nam-gan-bo-voi-benh-lao-can-nang-cao-chat-va-luong-doi-ngu-nhan-su-post241591.gd