Thầy giáo 9X được vinh danh ở chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô'

'Để có thể đến được điểm trường lẻ, chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường dốc đá trơn trượt vào mùa mưa, những khu vực giao thông nguy hiểm, sạt lở,...'

Ngày 03/11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 đã xét chọn được 58 giáo viên tiêu biểu từ 47 tỉnh, thành phố để vinh danh vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thầy giáo Trần Lê Minh Chiến, sinh năm 1996, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong hai giáo viên trẻ nhất được vinh danh trong chương trình này.

Vượt nhiều khó khăn để mang con chữ đến các điểm trường lẻ

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Chiến bày tỏ niềm vinh dự và hạnh phúc khi nhận được tin mình là một trong hai giáo viên trẻ tuổi nhất được vinh danh ở chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Thành tích này dường như đã đền đáp sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của thầy giáo trẻ trong suốt 5 năm qua.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn ở Quảng Ngãi nên việc chàng trai 9X được đi học cũng là cả sự nỗ lực rất lớn của bố mẹ. Nhận thức được điều đó, ngay từ khi còn nhỏ, thầy Chiến đã luôn cố gắng trong việc học tập.

Từ lúc học phổ thông, thầy Chiến đã có ấn tượng với những hình ảnh người thầy, người cô mang con chữ đến với các em đồng bào dân tộc thiểu số qua các kênh truyền hình, chương trình về giáo dục. Và mong muốn trở thành thầy giáo vùng cao cũng khởi nguồn từ đây, đặc biệt, Chiến lựa chọn học sư phạm do được miễn học phí, điều này giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình.

Thầy giáo Trần Lê Minh Chiến cùng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu (Ảnh: NVCC).

Thầy giáo Trần Lê Minh Chiến cùng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu (Ảnh: NVCC).

Để có được thành quả như hiện tại, thầy giáo trẻ bày tỏ, bản thân luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ phía gia đình, đơn vị quản lí, đơn vị công tác và đặc biệt là sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp xung quanh.

Tuy nhiên, là giáo viên trẻ nên vào những năm đầu tiên chập chững vào nghề, do còn ít kinh nghiệm, thầy Chiến đã gặp khó khăn trong việc thích nghi môi trường làm việc, bỡ ngỡ về lý thuyết đã từng học so với thực tế giảng dạy…

Không những vậy, dạy học tại một trường phổ thông dân tộc bán trú nên thầy cũng gặp phải một số khó khăn trong công tác dạy học.

Đa số học sinh ở trường là người đồng bào Ca Dong, chính vì vậy, việc sử dụng tiếng Việt của các em trong giao tiếp, học tập vẫn còn nhiều hạn chế.

Điều này đòi hỏi bản thân thầy Chiến luôn phải tìm hiểu, trau dồi thêm về ngôn ngữ địa phương kết hợp sử dụng song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc Ca Dong) để thuận tiện trong việc giảng dạy, giao tiếp, trao đổi cùng học sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, trong 5 năm công tác tại đơn vị, đã có đến 4 năm thầy Chiến được phân công chủ nhiệm và giảng dạy tại điểm trường lẻ - những cơ sở còn khó khăn về kinh tế, giao thông đi lại.

“Để có thể đến được điểm trường lẻ, chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường dốc đá trơn trượt vào mùa mưa, những khu vực giao thông nguy hiểm với nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sạt lở đất, đá, những con suối có thể xảy ra lũ quét, lũ cuốn… Có những lúc, nước suối dâng lớn, chúng tôi phải đi bộ mấy cây số trên những con đường trập trùng nguy hiểm để cố gắng mang những con chữ đến với các em học sinh”, thầy Chiến kể.

Không những vậy, việc dạy học ở điểm trường lẻ còn gặp nhiều vướng mắc do cơ sở, trang thiết bị dạy học chỉ ở mức tương đối, không thể lắp đặt, bảo quản được các thiết bị công nghệ nên rất khó khăn cho thầy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới lại rất cần điều đó để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học.

Dù nhiều điều kiện còn hạn chế là vậy, thế nhưng, thầy Chiến chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, thay vào đó, thầy luôn nỗ lực phấn đấu và tâm niệm rằng bản thân còn trẻ, còn khỏe nên dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng vượt qua để mang đến con chữ, con số đến với học sinh dân tộc thiểu số. Có như vậy, mới giúp các em được học, được trau dồi kiến thức mới, tư duy mới để trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần giúp đất nước ngày càng phát triển.

Để làm được điều này, trong quá trình giảng dạy, thầy Chiến đã luôn chủ động điều chỉnh về kế hoạch bài dạy, đồ dùng cùng các phương tiện, phương pháp, kĩ thuật dạy học để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của học sinh tại mỗi điểm trường.

Thầy Chiến luôn nỗ lực mang đến những phương pháp dạy học mới, sáng tạo cho các em học sinh dân tộc thiểu số (Ảnh: NVCC).

Thầy Chiến luôn nỗ lực mang đến những phương pháp dạy học mới, sáng tạo cho các em học sinh dân tộc thiểu số (Ảnh: NVCC).

Năm học 2020 – 2021, thầy Chiến đã thực hiện và vận dụng sáng kiến của bản thân là “Một số giải pháp khắc phục học sinh đọc chậm, viết chậm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu” với các giải pháp: Sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mới nhằm thu hút học sinh đến lớp; Giúp học sinh ghi nhớ các âm, vần các em chưa thuộc và tập đánh vần; Tiến hành dạy học phân hóa đối tượng học sinh; Tăng cường tiếng Việt cho học sinh trong các môn học; Phối hợp cùng nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh.

Nhờ việc áp dụng các giải pháp này vào thực tiễn giảng dạy, học sinh trong lớp của thầy Chiến đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là tình trạng học sinh đọc chậm, viết chậm đã được cải thiện. Sau đó, sáng kiến này đã được các cấp công nhận, đưa vào áp dụng thực tiễn tại trường và thực tế là đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

“Tôi tin rằng, dù có bao nhiêu khó khăn, bản thân vẫn sẽ luôn vượt qua và hoàn thành những nhiệm vụ được giao để xứng đáng với “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, thầy Chiến bày tỏ.

Nói về mục tiêu, dự định trong tương lai, thầy giáo trẻ cho biết, bản thân sẽ luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, phấn đấu trở thành người giáo viên tiêu biểu, tấm gương về đạo đức để các em học sinh noi theo.

Trong 5 năm công tác, thầy giáo Trần Lê Minh Chiến đã đạt được nhiều thành tích, tiêu biểu như:

Năm học 2020-2021, thầy Chiến được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây tặng giấy khen đạt giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học; Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Năm học 2021-2022, thầy được Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây tặng danh hiệu lao động tiên tiến

Năm học 2022-2023, thầy đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi Tiểu học huyện Sơn Tây; đạt chứng nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-giao-9x-duoc-vinh-danh-o-chuong-trinh-chia-se-cung-thay-co-post239073.gd