Thầy giáo 9X là điểm tựa cho học trò lúc khó khăn
Thầy Nguyễn Quang Phú cho nhiều học viên mượn tiền đóng tiền học, tiền trọ mà không cần biết khi nào học sinh trả lại cho thầy.
Gần 10 năm qua, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh có một thầy giáo đã cưu mang cho nhiều thế hệ học viên có hoàn cảnh khó khăn.
Chính nhờ sự giúp đỡ của người thầy giáo này, các em đã dần tìm được lối đi cho riêng mình trên con đường học vấn, thậm chí có em đạt được nhiều giải thưởng học sinh giỏi các cấp. Đó chính là thầy Nguyễn Quang Phú.
Người thầy đặc biệt của nhiều thế hệ học viên
Dù có gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thầy Nguyễn Quang Phú vẫn chọn việc thuê một căn chung cư ở gần trường, để tiện cho việc đi dạy , và chính yếu nhất là có thể giúp đỡ cho những học viên, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo 9x được mời về thỉnh giảng rồi sau đó là giáo viên chính thức của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7 từ năm 2013 cho đến nay.
Ngay từ những ngày tháng đầu tiên giảng dạy tại đây, thầy Phú đã bắt đầu nhận phụ đạo miễn phí cho học viên có học lực yếu, kém. Địa điểm học là ngay tại chính căn nhà mà thầy bỏ tiền ra thuê.
Ngày đi dạy, tối về, thầy Phú bồi dưỡng, phụ đạo thêm kiến thức cho các em sống cùng nhà (ảnh: V.D)
Dần dần, số lượng học viên đến xin học ngày càng đông, ngồi kín cả căn phòng. Tại căn chung cư nhỏ này, phòng khách được thầy Phú tận dụng làm nơi ôn tập, hỗ trợ kiến thức cho học sinh, phòng còn lại được thầy sử dụng làm nơi cho các em đọc sách, thư giãn sau những giờ học.
Cứ như thế, hàng ngày, sau những giờ dạy ở trung tâm, thầy Phú lại trở về nhà, ôn luyện kiến thức cho từng em đến tối muộn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Phú cho hay, thầy ở chung với 4 em, bao gồm 2 em là sinh viên ngành Cơ khí chế tạo máy, Thiết kế thời trang của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, 2 em học ở trung tâm thầy đang dạy (một học lớp 9, một học lớp 11)
Nói về những em học viên có hoàn cảnh khó khăn, được mình giúp đỡ, thầy Nguyễn Quang Phú tự hào chia sẻ, có nhiều em trong số này được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Có em được giải ở cuộc thi máy tính cầm tay, có bạn cũng được giải Olympic Toán, có em năm nay là sinh viên thì được tặng học bổng.
Học từ sự nỗ lực của những học viên lớn tuổi
Là thầy giáo dạy trong môi trường giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, thầy giáo 9X cũng có nhiều học viên lớn tuổi rất đặc biệt.
Bà Ngô Thị Kim Chi (65 tuổi) – thí sinh lớn tuổi nhất của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cũng là học viên của lớp thầy Nguyễn Quang Phú làm chủ nhiệm.
Thầy Phú kể lại: “Khi đến nhận lớp, ban đầu, tôi cứ ngỡ rằng trong lớp có bà của học viên đến lớp dự giờ. Thế nhưng, khi trò chuyện và hỏi han học viên, tôi khá bất ngờ vì không thể nghĩ rằng lớp mình lại có học viên lớn tuổi như vậy”.
Thầy Nguyễn Quang Phú và học viên Ngô Thị Kim Chi (Ảnh tư liệu)
Thầy Nguyễn Quang Phú chia sẻ, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên có rất nhiều học viên lớn tuổi đi học, nhưng với học viên Ngô Thị Kim Chi là lớn tuổi nhất tại đây.
“Tôi khâm phục vì sự ham học hỏi, nghị lực và quyết tâm học rất cao của cô” – thầy Nguyễn Quang Phú khẳng định.
Nam giáo viên chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, việc dạy học cho người lớn tuổi ban đầu cũng có nhiều áp lực, ngại ngùng.
Bởi lẽ, theo thầy Quang Phú giải thích là do các học viên ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên rất đa dạng về hoàn cảnh và cá tính.
Đó có thể là học viên đã mất căn bản về mặt kiến thức, học viên lớn tuổi hay học viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tùy vào từng trường hợp học viên cụ thể, thầy Phú sẽ có những cách ứng xử khác nhau.
Dù vậy, thầy Nguyễn Quang Phú vẫn bày tỏ: “Cứ gần gũi và hòa nhập với các em, lập tức các em sẽ coi mình như là người cùng một nhà, gần gũi và chia sẻ bất cứ lúc nào”.
“Mỗi lần tôi áp lực, cứ nhìn các em sẵn sàng chia sẻ với thầy suốt ngày, tôi lại cảm thấy vui ngay” – thầy Nguyễn Quang Phú cho biết.
Cho học viên mượn tiền mà không cần biết khi nào trả lại
Bùi Minh Mẫn (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những học viên đã gắn bó với thầy Nguyễn Quang Phú được gần 4 năm kể từ ngày còn học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 7.
Mẫn vừa trúng tuyển vào ngành Thiết kế thời trang với bao niềm vui sướng, điều mà em chưa từng bao giờ dám nghĩ tới. Mẫn kể lại, ba em mất sớm nên chỉ còn một mình mẹ bươn chải, làm đủ nghề để lo cho em ăn học.
Thương mẹ, trong quá trình đi học, Mẫn luôn tranh thủ đi làm để kiếm thêm tiền, trang trải và lo cho cuộc sống khi đi học. Bất ngờ đại dịch Covid-19 xảy ra khiến Mẫn rơi vào hoàn cảnh bế tắc.
Mấy tháng không được đi làm do giãn cách xã hội, nợ tiền nhà nhiều tháng nên em bị chủ nhà đuổi đi. Trong hoàn cảnh bế tắc, tương lại thì mù mịt khi đó em không biết đi đâu về đâu.
Được một người bạn giới thiệu, Mẫn liên hệ ngay với thầy Nguyễn Quang Phú. Thầy Phú đã cho em mượn tiền trả tiền trọ còn nợ chủ nhà. Đồng thời, thầy Phú mời Mẫn về nhà ở chung, ăn uống chung với thầy.
Bùi Minh Mẫn nói rằng, em vay tiền của thầy Phú như vậy, nhưng cũng không biết đến khi nào có thể trả lại cho thầy được. Mẫn chỉ biết tự nhủ rằng, chỉ biết cố gắng học tập thật tốt để sớm đi làm, tự nuôi bản thân và báo đáp phần nào những cơ hội mà thầy Phú trao cho em.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Quang Phú cho rằng: “Khi các em xin vào trung tâm học lại, có nghĩa là các em đã muốn thay đổi cuộc sống. Khi đó, đa số các em đều đã có sự cố gắng hết mình.
Chính vì vậy, tôi cũng muốn góp một phần nhỏ vào con đường thực hiện ước mơ của các em. Tôi đã cho các bạn mượn tiền, lúc nào có thì trả lại cho tôi”.