Thầy giáo chỉ ra mốc thời gian quan trọng trong việc học Tiếng Anh và 3 đặc tính nổi bật của ngôn ngữ này

Học tiếng Anh là hoàn toàn chủ động và tự học. Luôn nghĩ mình đang học tiếng Anh, gặp bất cứ điều gì, cái gì cũng tự hỏi trong tiếng Anh sẽ là thế nào.

Đối với những bạn chưa hề có bất kỳ thói quen học tiếng Anh nào mỗi ngày thì giai đoạn đầu tiên là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Đây là thời điểm đòi hỏi bạn cần phải có nỗ lực cực kỳ lớn để vượt qua sức ì, sức lười của bản thân.

Theo thầy giáo Đỗ Cao Sang, thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, nguyên là giảng viên bộ môn tiếng Anh của một trường đại học trong suốt 15 năm cho rằng: 90 ngày đầu tiên là mốc thời gian quan trọng để một người rèn luyện các thói quen trong việc học tiếng Anh.

Thầy Đỗ Cao Sang.

Thầy Đỗ Cao Sang.

Xin chia sẻ quan điểm của thầy Sang về vấn đề này:

Trong các bài giảng kinh tế ở ĐH Harvard, các giáo sư luôn nhấn mạnh về đặc điểm, ý nghĩa, vai trò 1 triệu USD đầu tiên của một doanh nghiệp làm nên. Họ coi đó là điểm nút căn bản để khẳng định doanh nghiệp đó đã thực sự cất cánh. Một doanh nghiệp thực sự đã tự tay gây vốn được 1 triệu đô thì rất khó bị suy thoái, ít nhất là trong một thời gian khá dài.

Một triệu đô kiếm được ở đây phải được hiểu là do ngành nghề mà doanh nghiệp bạn kinh doanh đã mang lại. Không phải do lĩnh vực khác hoặc do ai đó trao tặng. Tục ngữ Anh có câu: Hãy quan tâm đến tiền xu, đồng đô la sẽ tự biết chăm sóc cho chính nó. Khi có chút vốn liếng (tiền, kinh nghiệm, các mối quan hệ) thì việc làm ăn trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Một triệu đô la trong kinh tế học khiến tôi liên tưởng đến kiến thức và kỹ năng tích lũy trong 90 ngày đầu tiên của các môn học. Bất cứ ai bền gan vượt qua được 90 ngày thử thách để thu về một thói quen học tập và một nền "dữ liệu gốc" thì việc xây lên tòa tháp tri thức sẽ không mấy khó khăn. Thường người ta bỏ cuộc trước khi cán đích quan trọng này.

Giống như một triệu đô la tích lũy, data gốc trong học tập vô cùng quan trọng. Nếu một triệu đô la được làm từ các lao động cực nhọc và cả... mánh khóe thì dữ liệu gốc của một người đi học được hình thành bằng việc thuộc lòng.

Đúng vậy, trong 90 ngày đầu tiên của học tiếng Anh, học nhạc, học võ, bạn phải thuộc cho kỳ được và làm thành thạo những bản mẫu. Những bản mẫu này chính là dữ liệu gốc để bạn tư duy và liên tưởng, kết nối với các thông tin tri thức ở giai đoạn sau. Dữ liệu gốc phải được kiến tạo chắc chắn và chuẩn mực. Không thể lơ mơ và lớt phớt.

Bạn không thuộc và nhuần nhuyễn những bản nhạc ban đầu, rất khó có thể đi xa trên con đường âm nhạc. Bạn không đọc dăm ba cuốn sách kinh điển một cách kỹ lưỡng và nghiêm chỉnh, bạn khó có thể đi xa trong lĩnh vực bạn nghiên cứu.

Vậy nên, một triệu đô la trong kinh tế học và dữ liệu gốc của người học có đặc điểm khá giống nhau. Đó là mốc son ghi dấu một người, một doanh nghiệp đã thực sự trưởng thành trong lĩnh vực mà người ấy đang hoạt động và đã sẵn sàng cất cánh.

90 ngày đầu tiên trong việc học ngoại ngữ - một giai đoạn quan trọng chủ chốt, rất vất vả, rất cần sự kiên trì học đúng phương pháp, và thường các bạn bỏ cuộc khi chưa cán đích 90 ngày này.

Học tiếng Anh là hoàn toàn chủ động và tự học. Luôn nghĩ mình đang học tiếng Anh, gặp bất cứ điều gì, cái gì cũng tự hỏi trong tiếng Anh sẽ là thế nào. Cứ như vậy, ta duy trì bền bỉ nhiều năm, nhiều tháng thì đó mới là cách làm đúng đắn. Thầy cô giáo không thể giúp bạn nhồi chữ vào đầu mà chỉ có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho bạn tự học mà thôi!

Hiểu 3 đặc tính nổi bật của ngôn ngữ để học tốt

Ngôn ngữ có nhiều đặc điểm, tuy nhiên có ba thuộc tính nổi bật của ngôn ngữ nói chung cần nắm để soi kỹ vấn đề học ngoại ngữ và tự trả lời câu hỏi "học như thế nào là đúng đắn nhất".

1. Tính quy ước - mặc định

Khi ta nói các từ định danh như cơm, canh, cá, ớt, tỏi hoặc đi, đứng, chạy, nhảy… đều do ta học một cách máy móc từ cha ông, những người đi trước. Họ chỉ ra, biểu diễn minh họa cho ta cái gì đó, hành động nào đó rồi bảo ta phải nói như thế. Chưa có ai giải thích tại sao cái thứ hạt ăn màu trắng hàng ngày lại có tên là cơm. Tất cả những hiện tượng, sự vật, hành động khác cũng như vậy.

Lên đến cấp độ cao hơn là thành ngữ. Cách diễn đạt thành quen miệng cũng chẳng ai giải thích nổi. Người ta chỉ hiểu nghèo rớt mồng tơi nghĩa là rất nghèo chứ không hiểu tại sao lại là mồng tơi, tại sao rớt mồng tơi là nghèo. Nhiều thành ngữ có gốc gác và giải thích được, nhưng đa số rất khó giải thích và có vẻ như không thể giải thích.

Đó chính là tính quy ước và mặc định của ngôn ngữ. Ta buộc phải dùng và buộc phải chấp nhận cách nó đã tồn tại. Miễn chất vấn, miễn giải đáp.

Suy ra: Để học ngôn ngữ đúng cách, ta phải thuộc lòng mọi thứ như đứa trẻ học nói theo ông bà. Người ta bảo rằng "I am eating" là "tôi đang ăn cơm" thì cứ thế mà nói cho giống, cho thuộc.

Với học tập nói chung, sự chất vấn sẽ làm kiến thức sâu thêm. Tuy nhiên, bạn phải buông bỏ mọi thứ hoài nghi và thói quen chất vấn khi học ngôn ngữ. Cứ học thuộc và làm cho giống. Đó chính là nguyên tắc lớn nhất của học ngôn ngữ! Đừng bao giờ quên điều này!

2. Tính liên tưởng

Tuy nhiên, nếu cái gì ta cũng phải học thuộc thì quả là khó khăn khi muốn chiếm lĩnh một ngôn ngữ. Thậm chí, nếu cái gì cũng học thuộc thì cả đời ta cũng không thể làm chủ được một ngôn ngữ, dù là tiếng mẹ đẻ.

Thật may thay, ngôn ngữ có tính liên tưởng. Nghĩa là, ta chỉ phải thuộc mẫu câu, mẫu diễn đạt. Những tình huống tương tự, ta có thể suy diễn ra cách nói tương tự. Ví dụ: Để diễn tả tôi đang làm gì đó. Ta đã có mẫu "I am eating" (Tôi đang ăn). "I am cooking" (Tôi đang nấu). "I am writing" (Tôi đang viết). "I am swimming" (Tôi đang bơi)..., thì ta cũng suy ra tương tự "I am sleeping" (Tôi đang ngủ). Nếu không có tính suy diễn này, học ngoại ngữ sẽ trở thành điều không tưởng dù bạn có năng lực ghi nhớ cao siêu đến đâu.

Suy ra: Hãy học thuộc lòng các mẫu câu và cách diễn đạt căn bản. Càng về sau, sự học thuộc lòng càng giảm dần vì năng lực liên tưởng đã gia tăng do nguồn dữ liệu của ta đã phong phú. Ghi nhớ, người mới học tiếng Anh, hãy học thuộc lòng bất cứ cái gì (đoạn văn, bài khóa, bài hát, câu ví dụ…) trong năng lực có thể. Nghĩa là, tài liệu đó có 70% thứ ta đã biết và 30% thứ ta chưa biết.

3. Tính ngoại lệ

Liên tưởng giúp ta nhàn đi khi học ngoại ngữ. Nhưng liên tưởng cũng là cái bẫy nguy hiểm vì sự liên tưởng không phải luôn luôn đúng.

Ví dụ: Ta thấy 100 lần cứ thêm "s" vào danh từ đếm được thì tạo thành số nhiều. Nhưng trường hợp man - men, child – children, foot – feet thì không phải vậy. Ta thấy 100 lần cứ thêm "ed" vào động từ là được cách diễn đạt quá khứ. Nhưng take - took, give - gave, hit - hit thì không phải vậy. Ta thấy 100 lần cứ thêm "ly" vào sau tính từ thì thành trạng từ. Nhưng fast, hard, well... thì không phải vậy.

Nghĩa là, ngôn ngữ có tính ngoại lệ rất cao. Ta không thể tin tưởng tuyệt đối vào suy luận. Dù là ngữ âm, ngữ pháp hay cách dùng từ vựng, ngôn ngữ không có một luật lệ nào bất biến.

Suy ra: Hãy đọc nhiều, nghe nhiều, xem phim phụ đề nhiều. Càng đọc nhiều, xem nhiều và nghe nhiều, ta càng thấy nhiều biến và nhiều sự dị biệt trong cách sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, thiếu trải nghiệm, ta không thể biết đáy sông, đáy hồ, đáy biển trong tiếng Anh được gọi là river - bed, lake - bed, ocean - bed, sea - bed. Ta cũng không thể biết ngọn cỏ tiếng Anh lại viết là grass - blade, kim đồng hồ lại gọi là hands. Những điều này không thể suy luận mà ra được. Thêm vào đó, hãy tra từ điển khi ta thấy nghi ngờ về cách phát âm hoặc lối kết hợp từ.

Hãy lập ra một cuốn sổ tay ghi chép những trường hợp dị biệt và trái với suy luận thông thường. Cuốn sổ ấy nên chia là 3 mục: Ngữ âm, ngữ pháp và cách dùng từ. Hãy chăm chỉ chép lại những lần bạn dùng sai, phát âm sai, diễn đạt sai chỉ vì sự suy diễn. Càng nắm chắc nhiều trường hợp dị biệt (irregular) thì bạn càng có khả năng tiến xa hơn người khác trong việc học ngôn ngữ.

Thanh Hương

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thay-giao-chi-ra-moc-thoi-gian-quan-trong-trong-viec-hoc-tieng-anh-va-3-dac-tinh-noi-bat-cua-ngon-ngu-nay-20230525104259268.htm