Thầy giáo đam mê đồng ruộng, viết ước mơ xanh
Thầy giáo Lương Quốc Đạt (sinh năm 1975 ở xã Hoằng Thành, Hoằng Hóa) là nguời đam mê với nông nghiệp. Anh đã thành công với việc sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch trên chính mảnh đất quê hương.

Thầy giáo Lương Quốc Đạt bên ruộng dưa chuột sắp đến ngày thu hoạch.
Năm 1994, thanh niên Lương Quốc Đạt từng thi đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) nhưng vì nhiều lý do anh tạm chia tay giảng đường đại học, gác lại bao hoài bão. Năm 1996 anh tiếp tục đỗ và theo học tại Trường Đại học Sư phạm I, Khoa Địa Lý. Tốt nghiệp ra trường, anh trở về quê nhà, công tác tại Trường THPT Hoằng Hóa 4.
Gặp thầy Đạt vào một ngày đông rét ngọt, từ xa anh đã nở nụ cười hiền hậu. Trong câu chuyện của chúng tôi, anh chia sẻ: "Khi đứng trên bục giảng mình là một thầy giáo, hết giờ dạy, thoát vai, mình biến hình thành một ông nông dân thực thụ mà mọi người vẫn thường gọi vui là “thầy giáo nông dân”. Nhiều người trong xã còn lầm tưởng tôi đã bỏ nghề dạy học".
Kể về quá trình bén duyên với nông nghiệp, thầy Đạt cho biết, ban đầu thầy nhận 16ha đất để canh tác các loại rau màu như khoai tây, ngô ngọt, dưa chuột xuất khẩu... Không dừng lại ở đó, thầy nhận thêm gần 20 ha đất của dự án do bà con trong xã để lại để canh tác. Cùng với đó, thầy còn liên kết với hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện làm nông nghiệp sạch.

Các loại cây rau màu được thầy phân khu khoa học để tiện chăm sóc.
Khi hỏi về quy trình làm nông nghiệp, thầy cho biết thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc quy hoạch vùng trồng, huy động vốn, nhân công... Nhưng được gia đình, bạn bè động viên, thầy bắt tay vào công việc xây dựng kế hoạch, chiến lược, phân khu vực sản xuất một cách khoa học, đảm bảo được tiến độ sản xuất theo đúng mùa vụ. Quy mô sản xuất được thầy đầu tư với hệ thống máy tưới phun sương, nhỏ giọt và hàng loạt trang thiết bị máy móc hiện đại khác. Trên mỗi cánh đồng sản xuất, thầy phân công 20 công nhân làm việc và chia nhóm dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật theo dõi hàng ngày, kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển tiện cho việc chăm sóc.
Vụ nào thức đó, vụ đông trồng khoai tây, dưa chuột, ngô ngọt, ớt, các loại rau màu khác... Đến tháng giêng trồng dưa lê, dưa chuột... Thu hoạch dưa xong thì trồng ngô ngọt trái vụ và sẵn sàng cho cây vụ đông của năm tiếp theo.
Ngoài ra, diện tích đất ở khu đồng bị bỏ phí trước đó được thầy tận dụng trồng mướp đắng, mướp hương và các loại rau màu ngắn ngày khác. Khung lịch thời vụ thường được bố trí trồng sớm hơn so với các nông hộ khác từ năm ngày tới nửa tháng để đón đầu xu hướng thị trường. Cách làm này phát huy hiệu quả sản phẩm khi giá bán cao gấp đôi. Với việc đa canh, kéo dài thời vụ, giúp thầy tránh được tình trạng hàng hóa được mùa nhưng bị mất giá. Đặc biệt, các cây trồng do thầy canh tác đều nói không với phân hóa học.

Diện tích khoai tây sắp cho thu hoạch.
Dù là người quản lý sản xuất nhưng thầy không nề hà một công việc gì, cứ ra đồng là trở thành “bác nông dân” thực thụ. Những nông dân ở xã Hoằng Thành làm việc cho thầy đùa rằng thầy chẳng khác gì “con tắc kè hoa”, sáng thong dong trên lớp chiều lại tất bật với công việc đồng ruộng.
Thầy Đạt cho biết thêm: Nông dân bây giờ làm nông nghiệp sướng hơn nhiều so với trước đây, không những được hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, mà còn được cung cấp giống, phân bón trả chậm và bao tiêu sản phẩm, không còn phải băn khoăn về giá thành và đầu ra nữa.
Thầy tính nhanh với 1 sào ruộng sản xuất rau màu người nông dân chỉ bỏ ra khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/vụ, một năm 3 vụ nếu thời tiết, giá thành ổn định, có thể thu lời gấp 3 lần số vốn ban đầu. Chỉ tính mình cây khoai tây đã cho thầy thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.
Với cách làm đổi mới so với cách làm truyền thống, mô hình canh tác rau an toàn của gia đình thầy Đạt hiện là mô hình tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa, tạo nguồn thu nhập ổn định và kinh tế phát triển cho bà con nông dân nơi đây.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thay-giao-dam-me-dong-ruong-viet-uoc-mo-xanh-239952.htm