Hợp tác xã dịch vụ vận tải Ba Sơn: Hiệu quả từ trồng và chế biến hạt mắc ca
Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ vận tải Ba Sơn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc đã tập trung đầu tư thiết bị chế biến, mở rộng liên kết sản xuất với người dân để sản xuất sản phẩm hạt mắc ca. Đến nay, sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao từ trồng và chế biến sản phẩm hạt mắc ca.

Thành viên HTX dịch vụ vận tải Ba Sơn thực hiện công đoạn tách vỏ mắc ca
HTX Dịch vụ vận tải Ba Sơn được thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Năm 2020, qua quá trình tìm hiểu, HTX nhận thấy giá trị dinh dưỡng và nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm mắc ca ngày càng cao, các thành viên HTX đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, HTX đã đầu tư trồng, chăm sóc cây mắc ca với diện tích trên 6 ha. Đồng thời nhận bao tiêu các sản phẩm mắc ca của người dân. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua trên 20 tấn với giá 30 nghìn đồng/kg hạt tươi.
Ông Vi Văn Kiều, thành viên HTX chia sẻ: Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được trao đổi, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Với mong muốn cung cấp tới người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất, năm 2021, HTX đã xây dựng xưởng chế biến và đầu tư hệ thống máy móc khép kín như: máy đập vỏ, máy sấy, giàn phơi, máy cắt hạt, máy đóng túi hút chân không… để chế biến ra sản phẩm hạt mắc ca đảm bảo chất lượng. Hiện nay, sản phẩm hạt mắc ca sấy nứt vỏ và hạt mắc ca tách vỏ của HTX được đóng gói hút chân không với trọng lượng 0,5kg/hộp.
Đầu năm 2024, HTX được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ thiết kế logo, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm hạt mắc ca với tên gọi “Hạt macca Hải Đăng” để xây dựng hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Cùng với đó, HTX còn được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua các hội thảo, hội chợ thương mại và các gian hàng trưng bày trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra HTX đã tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX ngày càng được mở rộng với lượng khách ổn định ở các tỉnh.
Chị Đàm Linh Chi, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thông qua mạng xã hội Facebook, tôi biết đến sản phẩm hạt macca Hải Đăng. Tôi ấn tượng bởi mùi thơm bùi đặc trưng của hạt, rất ngậy và giàu chất dinh dưỡng. Do vậy, ngoài mua về ăn, tôi còn đặt mua 10 hộp làm quà cho người thân, bạn bè.
Hiện nay, sản phẩm hạt mắc ca của HTX đã có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp cho hệ thống các cửa hàng tiện ích, điểm bán các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng… Trung bình mỗi năm, sản lượng hạt mắc ca thành phẩm của HTX đạt trên 4 tấn/năm, đem lại doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng, giúp tạo việc làm thường xuyên cho 4 đến 5 lao động tại địa phương.
Nói về dự định trong tời gian tới, ông Hà Văn Cán, Giám đốc HTX chia sẻ: Để mở rộng thị trường hơn nữa, HTX sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm hạt macca Hải Đăng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Đồng thời, HTX chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, HTX đang tập trung cải tiến bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc nhận xét: Thời gian qua, HTX Dịch vụ vận tải Ba Sơn đã năng động, nhạy bén trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2024, sản phẩm hạt macca Hải Đăng đã được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Qua đó, từng bước khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn”.
Hướng đi đúng đắn từ việc xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến của HTX Dịch vụ vận tải Ba Sơn đã và đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo chuỗi liên kết ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập từ cây mắc ca.