Thầy giáo dạy bơi trong vụ nam sinh lớp 9 tử vong có thể bị xử lý thế nào?

Sau khi dẫn học sinh vào bể bơi, thầy giáo Trần Lâm Thắng không phổ biến, hướng dẫn mà ngồi ở ghế đầu bể bơi sử dụng điện thoại, để cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành, dẫn đến một nam sinh lớp 9 bị đuối nước.

Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Trần Lâm Thắng (24 tuổi, giáo viên dạy bơi trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam) để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan vụ nam sinh lớp 9 đuối nước khi học bơi tại trường.

Theo điều tra ban đầu, chiều 22/8, lớp 9A1 của trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (phường Dương Nội, quận Hà Đông) có tiết bơi lội từ 13h20 đến 14h, do giáo viên Trần Lâm Thắng phụ trách.

Giáo viên dạy bơi Trần Lâm Thắng. Ảnh: Nam Hà

Giáo viên dạy bơi Trần Lâm Thắng. Ảnh: Nam Hà

Giáo viên Thắng cho học sinh khởi động khoảng 10 phút, sau đó chia ra làm 2 nhóm, 1 nhóm tự hoạt động thể thao tại khu vực sân trường và 1 nhóm do giáo viên Thắng trực tiếp dẫn vào bể bơi để thực hành bơi lội. Nhóm này gồm 11 học sinh (trong đó có cháu P.H.A, SN 2008, nhà ở quận Nam Từ Liêm).

Sau khi dẫn học sinh vào bể bơi, giáo viên Thắng không phổ biến, hướng dẫn mà để cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành.

Đồng thời, giáo viên Thắng cũng không giám sát mà ngồi sử dụng điện thoại. Dó đó nam giáo viên đã không phát hiện việc cháu P.H.A. xuống bể bơi nhưng không bơi, mà chỉ đi bộ đến đoạn qua dây phao ngăn cách độ sâu 1,2m và 1,55m. Cháu bé vùng vẫy liên tục trong thời gian khoảng 3 phút trước khi bị chìm.

Sau khi học sinh H.A bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên Thắng vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, khoảng 20 phút sau mới gọi và yêu cầu các em học sinh lên bờ rồi cho lớp tự giải tán. Lúc này, vẫn chưa ai phát hiện H.A bị chìm.

Bể bơi tại trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam. Ảnh: Nam Hà

Bể bơi tại trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam. Ảnh: Nam Hà

Đến 14h06, anh Hà Văn X. (nhân viên vệ sinh của bể bơi) trong lúc dọn vệ sinh bể bơi thì phát hiện H.A nằm bất động dưới đáy bể, khu vực mực nước sâu 1,55 m. Lúc đó một số giáo viên trong trường đã đưa cháu H.A vào BVĐK Hà Đông cấp cứu. Cơ quan chức năng xác định cháu H. A đã tử vong ngoại viện.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là một sự việc rất đau lòng, một mất mát không thể nguôi ngoai của cha mẹ học sinh. Trách nhiệm của người phạm tội đã rõ, tuy nhiên quá trình điều tra cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần xác định phần trách nhiệm dân sự của nhà trường nơi người giao viên này làm việc.

Theo quan điểm của luật sư, người giáo viên dạy bơi có chức vụ quyền hạn trong việc tổ chức dạy học và đảm bảo an toàn cho học sinh khi học bơi. Các quy tắc đảm bảo an toàn trong hoạt động dạy, học bơi với một giáo viên dạy bơi thì người này buộc phải nắm rõ.

Tuy nhiên người này đã vi phạm các nguyên tắc, thực thi không đúng nhiệm vụ, sử dụng điện thoại trong khi học sinh học bơi, không đếm số lượng học sinh khi xuống và khi dời bể... Từ hành vi vi phạm trên dẫn tới hậu quả học sinh bị đuối nước nhưng giáo viên không phát hiện được, không có biện pháp can thiệp, ứng cứu.

Đây là hành vi phạm tội được thực hiện với lỗi vô ý, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Trong trường hợp này, thầy giáo dạy bơi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thay-giao-day-boi-trong-vu-nam-sinh-lop-9-tu-vong-se-bi-xu-ly-the-nao-169230824154642217.htm