Thầy giáo làng trong kháng chiến

Quê chồng tôi ở ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước. Thỉnh thoảng trong những lần về quê, nhất là dịp đám tiệc đông người, tôi hay nghe nhắc về ông thầy giáo làng tên Giang (Lê Văn Giang) mà theo vai vế thân tộc, bà con lối xóm, nhiều người gọi cụ đến bằng ông chú, ông cố... Tất cả đều thừa nhận: 'Cả xứ này nhờ ông mà nhiều người biết chữ'.

Khi tôi nói muốn tìm hiểu về ông cụ, bà Nguyễn Thị Nàng (58 tuổi), cháu dâu, gọi cụ bằng ông nội (hiện vợ chồng bà đảm nhận việc thờ cúng cụ tại ấp Năm Ðảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), ngẫm ngợi rồi tặc lưỡi: “Phải sớm hơn chừng vài năm trước thì còn nhiều người biết. Giờ những người lớn tuổi theo ông theo bà muốn hết rồi...”.

Rồi bà đưa tôi đến gặp ông Lê Minh Quang (Bảy Quang, 82 tuổi, cùng ấp Năm Ðảm), mà theo bà, có thể còn biết tương đối về ông; bởi ngoài tuổi cao, ông Bảy Quang còn là cháu, gọi cụ bằng chú ruột, cũng coi như thế hệ lão làng còn lại.

Mừng là ông Bảy còn khá minh mẫn, nhưng ông nói ngay: “Ðoạn trước tôi không biết. Khi tôi lớn lên thì thấy ông đã đi dạy học từ đời nào rồi. Ông sinh năm 1890, cùng năm sinh với Bác Hồ. Hồi thiếu niên tôi có đi làm giao liên mật, biết ông hoạt động bí mật trong tổ Ðảng, còn cụ thể chức danh gì thì không rõ. Chỉ biết ông dạy học xuyên suốt tới khi mất, là năm 1972”.

Chân dung thầy giáo làng Lê Văn Giang.

Chân dung thầy giáo làng Lê Văn Giang.

Ông Bảy kể, ông học cụ năm 1958, tới lớp Nhì (tương đương lớp 4 ngày nay) thì đến tuổi quân dịch, ông nghỉ học, đi bộ đội. Ông Bảy cho biết, từ năm 1958 đến năm 1972, ông cụ phải dời trường học 3 lần. Ban đầu trường cất ở đập Bào Bèo (nơi có đồn địch), năm 1963 trường bị lính đốt, ông cụ bị lính bắt, bị đánh đập. “Hồi đó ông già tôi là anh ruột, nghe nói bán bộn lúa để lo, ông cụ mới được thả ra”, ông Bảy nhớ lại.

Sau khi được thả, cụ tiếp tục về phần đất gia đình, cách đó 5-6 cây số (trên tuyến sông Bào Kè nối với sông Bào Bèo) để cất trường dạy học tiếp. Ðến khoảng năm 1969, trường bị hư, cụ dời trở ra mấy cây số (cũng trên tuyến sông Bào Kè). “Các điểm trường đều nằm trên đất gia đình. Hồi đó, nghe nói gốc gác tôi ở miền Trung, tới đời ông nội vô khai phá mảnh đất này. Ðất hoang, rừng rậm, có sức bao nhiêu thì khai phá bấy nhiêu để sản xuất nên các cụ mới có nhiều đất vậy”, ông Bảy giảng giải.

Cũng theo ông Bảy, ông cụ dạy học không lấy tiền bạc của ai. Cất trường thì vận động cha mẹ học sinh đóng góp cây lá. Cụ xả cây gòn, cây còng, cây cau lấy ván làm bàn ghế. “Chương trình dạy cũng mỗi năm lên 1 lớp. Hồi đó không có sách giáo khoa, chỉ thấy ông soạn bài trong cuốn sổ rồi dạy. Ông dạy ngày 3 buổi: sáng, trưa, chiều, gồm các lớp khác nhau”, ông Bảy nhớ lại.

Ông Lê Minh Quang (cháu ruột) cũng coi như thế hệ lão làng còn lại, có hiểu biết tương đối về cụ Lê Văn Giang.

Ông Lê Minh Quang (cháu ruột) cũng coi như thế hệ lão làng còn lại, có hiểu biết tương đối về cụ Lê Văn Giang.

Cũng theo lời ông Bảy, hồi đó chiến tranh, điều kiện khó khăn, cũng không có lộ làng, đường sá gì. Mùa mưa, học sinh bơi xuồng đi học hoặc lội bộ dưới sình dưới nước men theo xóm đến trường, vì vậy mà trẻ em thường cỡ 10, 11, 12 tuổi trở lên mới đi học. “Vậy chứ mỗi lớp cũng mấy chục học sinh. Hồi đó nơi đây là xã Thạnh Phú, địa bàn xã lớn lắm, bao gồm cả xã Lương Thế Trân và Thạnh Phú bây giờ. Học trò không chỉ ở Bào Kè mà còn nhiều nơi tới học, như Cây Dương, Lung Cỏ, Nhà Phấn... Có nơi cách trường 5-7 cây số”, ông Bảy lần hồi nhớ lại.

“Có lúc ban ngày ông dạy học sinh nhỏ, ban đêm dạy xóa mù chữ cho người lớn. Hồi đó tôi về làm dâu, trường cất gần bên nhà này, mỗi tối, mỗi người xách 1 cây đèn lội tới học ì xèo, vui lắm! Mình lúc đó con nhỏ không có tham gia, nhưng mà bên này nghe dạy, cũng thuộc làu làu”, bà Hứa Thị Búi (77 tuổi, vợ ông Bảy), cũng góp vào câu chuyện. Ðó là khoảng năm 1963 trở về sau, lúc trường dời về, sau khi bị giặc đốt.

“Nghe nói ông dạy học từ hồi còn thanh niên. Dân ở đây từ trên 60 đến hơn 90 tuổi hầu như học ông hết. Ông Ba Vinh, ông Hai Tảng (hơn 90 tuổi, đã mất), trước đây, khoảng năm 1971, 1972 người là Chủ tịch, người là Bí thư xã Thạnh Phú, đều là học trò của ông. Ở xóm này, có rất nhiều gia đình 2 thế hệ đều học ông".

Quay sang tôi, ông Bảy nhắc: "Theo chú biết, ba chồng cháu hồi đó cũng học ông, nói chung, bên chồng cháu nhiều người theo học chỗ ông”.

Ba chồng tôi là Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Chung Thành Châu, nguyên Chính ủy Trung đoàn 962. Trước, ông là Bí thư Huyện ủy Cái Nước, rồi Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Ông tham gia cách mạng năm 1947, như vậy chắc chắn ông học cụ trước thời gian này. Như vậy, cũng đồng nghĩa là cụ đã dạy học từ trước năm 1947.

Dĩ nhiên, sau này ba chồng tôi cũng như anh chị em chồng tôi đi làm cách mạng, tham gia công tác đều học thêm lên, nhưng cái nền biết chữ đầu tiên cũng chính là nhờ ông.

Tôi hẹn gặp thêm chồng bà Nàng, tức cháu nội, đang thờ cúng cụ, là ông Lê Văn Thôi (Út Thôi, 61 tuổi) và ông Nguyễn Anh Tuấn (Ba Tuấn, 70 tuổi, cùng ấp Năm Ðảm) để mong tìm thêm thông tin giai đoạn sau. Ông Ba Tuấn kể, ông học cụ từ năm 1966, 2 năm sau thì xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân 1968, và ông tham gia địa phương quân nên không biết thêm. Ông Út Thôi thì học cụ năm 1969, thuộc thế hệ học trò của những lớp sau cùng được cụ dạy.

Ông Lê Văn Thôi (bìa trái, là cháu nội cụ Giang) và vợ là bà Nguyễn Thị Nàng (ngồi cạnh) cùng ông Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải) cố gắng nhớ và kể lại những ký ức về cụ Lê Văn Giang.

Ông Lê Văn Thôi (bìa trái, là cháu nội cụ Giang) và vợ là bà Nguyễn Thị Nàng (ngồi cạnh) cùng ông Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải) cố gắng nhớ và kể lại những ký ức về cụ Lê Văn Giang.

Ông Ba Tuấn chỉ nhớ rằng, cụ giản dị, hiền từ, dạy dễ hiểu, vui tính; không có kiểu nổi giận, đập bàn đập ghế, hăm he hay đánh đập học sinh.

Ông Út Thôi thì nhớ: “Lúc đó ông dạy lớp ghép, độ hai mấy học sinh. Ông vui tính, khi dạy xong thường hát một bài bằng tiếng Pháp để cho học sinh vui”.

Cũng theo dòng hồi nhớ của ông Út Thôi: “Thấy ông cụ lớn tuổi, sức khỏe kém mà dạy cực khổ quá, cha tôi khuyên nghỉ, nhưng ông cương quyết không chịu. Dạy đến qua Tết năm 1972 thì ông đổ bệnh. Ðến ngày 19/10/1972 thì ông mất, thọ 82 tuổi".

Nhìn thấy huân chương kháng chiến của ông chỉ được hạng Ba, tôi thắc mắc, vì thời gian cống hiến dài, công trạng của ông lại nhiều. Gia đình cho biết, do không rành việc làm báo công, phải nhờ tới lui nên muộn, những người biết về ông giai đoạn trước không còn. Tiếc thay!

Lại thêm những chiêm nghiệm rút ra từ cuộc sống. Ðôi khi vì những trì hoãn, chậm trễ, chúng ta mất đi nhiều cơ hội làm được điều tốt đẹp cho người thân, người có công trạng, hay để mất đi nhiều thông tin, tư liệu lịch sử quý báu mà không tìm lại được.

Và cũng từ câu chuyện về cụ, tôi biết thêm, thời kháng chiến, ở tỉnh ta không chỉ có những thầy cô được đào tạo cấp tốc để phổ cập nhanh kiến thức văn hóa cho các địa phương, mà còn có những thầy cô giáo tại thôn làng, âm thầm mang ánh sáng văn hóa đến cho người dân từ năm này đến năm khác, thế hệ này đến thế hệ khác, mà không nhận thù lao, lương bổng. Họ có những đóng góp ý nghĩa cho ngành giáo dục tỉnh nhà một thời, nhưng đôi khi không phải nhiều người, hay ngành chuyên môn đã biết và ghi nhận./.

Huyền Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thay-giao-lang-trong-khang-chie-n-a30882.html