Thầy giáo 'mách chiêu' giúp học sinh quên điện thoại

Từ bộ sưu tập sách xưa quý hiếm, ông Lê Tấn Tri (47 tuổi, giáo viên toán, ngụ quận 12, TP.HCM) nảy sinh ý tưởng tạo thói quen đọc sách cho học sinh vô cùng độc đáo.

Sách xưa mang vẻ đẹp tri thức quý giá của quãng thời gian đã qua. Đọc và sưu tầm sách rất dễ dàng nhưng không phải ai cũng hợp với thú chơi sách xưa: Đó là bộ môn đòi hỏi tư duy chín chắn và hoài cổ, đôi khi còn đòi hỏi điều kiện kinh tế phải ở mức khá. Một thầy giáo dạy toán ở TP.HCM đã tìm thấy niềm đam mê trong việc sưu tầm sách xưa và nhờ đó ông đã tạo ra nguồn tri thức đa dạng, giúp cải thiện khả năng đọc của học sinh (HS).

Mua sách đến độ trong túi không còn tiền

Thấy có người đến tìm hiểu về tủ sách quý, thầy Lê Tấn Tri hồ hởi đón tiếp bằng rượu nho hảo hạng do chính tay mình chưng cất. Mở đầu câu chuyện về thú vui sưu tầm sách xưa là những ký ức về quyển sách đầu tiên mà thầy Tri sở hữu: Minh Tâm Bửu Giám (in năm 1968) do cha thầy tặng vào năm học lớp 5.

“Cuốn Minh Tâm Bửu Giám là kho tàng kiến thức văn hóa, đối nhân xử thế Đông Tây kim cổ. Tôi đọc từ lớp 5 đến lớp 9 thì làm mất. Sau này cũng nhờ một bạn bán sách tôi mới tìm lại được. Lúc đó vui lắm, cầm được cuốn sách giống như tìm lại quá khứ của mình. Và cũng kể từ đó tôi mới ý thức rõ rệt về sách xưa, cũng là lúc dấn thân vào con đường sưu tầm sách xưa” - thầy Tri nhớ lại.

 Sưu tầm sách không chỉ bổ sung kiến thức mà còn là niềm đam mê của thầy Lê Tấn Tri. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Sưu tầm sách không chỉ bổ sung kiến thức mà còn là niềm đam mê của thầy Lê Tấn Tri. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Năm 2018, thầy Lê Tấn Tri kết nối với cộng đồng sưu tầm sách và được mọi người hướng dẫn cách phân biệt các bản sách quý hiếm. Do còn “non nghề” nên có lúc mất hơn 1 triệu đồng vì mua nhầm sách kéo lụa, loại sách giả tương tự sách in phôtô, hoàn toàn không có giá trị về mặt sưu tầm.

Tủ sách gia đình của thầy Lê Tấn Tri hiện sở hữu hơn 150 cuốn sách xưa, trải rộng các chủ đề văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học… Trong đó, quyển sách cổ nhất là Kinh Hồi giáo được viết bằng tiếng Đức, xuất bản năm 1860. Quyển sách cổ nhất bằng tiếng Việt là tập Thơ ngụ ngôn La Fontaine (Nguyễn Văn Vĩnh dịch) do nhà in Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1920 tại Hà Nội.

Hiểu biết hơn về thú chơi sách, thầy dần chọn được gu sưu tầm nhất định. Đó là những quyển sách có tuổi đời từ vài chục năm đến cả trăm năm, hoặc không cao tuổi thì phải là những cuốn sách thật kinh điển, có đề tài về mặt văn hóa, lịch sử.

“Nhưng từ ngày “ghiền” sách xưa tới giờ là trong túi tôi không bao giờ có tiền. Cứ mỗi khi dư ra 500.000 là thế nào cũng rước một cuốn về nhà nên không bao giờ dư tiền. Thậm chí có lúc ham quá, đặt mua một lần 5-7 cuốn. Rồi đơn về liên tục, mình bắt đầu chạy tiền, mượn tiền đuối luôn” - thầy Tri dí dỏm nói.

Tủ sách miễn phí dành cho học sinh

Không phải tất cả HS đều có khả năng tiếp cận và mua được sách. Chính vì thế, thầy Tri đã thành lập tủ sách miễn phí, giúp các em có cơ hội giải trí, tiếp cận với tri thức một cách dễ dàng, qua đó tăng sự tương tác giữa các đối tượng trong quá trình giáo dục.

Thầy ưu tiên lựa chọn các nội dung phù hợp với lứa tuổi như báo Nhi đồng, Mực Tím, các tựa sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… Để tạo thói quen, theo thầy, cần có phương pháp “dụ” các em hứng thú đọc sách mà không bị phân tâm bởi các ứng dụng trên điện thoại di động.

“Khi lập tủ sách cho học sinh, tôi chỉ nghĩ thế này: Nếu như các em không đọc sách thì sẽ xài điện thoại. Điều đầu tiên tôi nghĩ không có gì lớn lao đâu mà chỉ muốn học sinh thoát điện thoại trước.”

“Tôi còn xây thêm một phòng riêng cho các em đọc sách và nghỉ ngơi sau giờ học căng thẳng. HS bây giờ rất thông minh, mình chỉ cần có cách kích thích sao cho hợp với tuổi teen, tạo môi trường học tập thoải mái thì các em thích đọc lắm” - thầy Tri chia sẻ.

 Học sinh chăm chú đọc sách giải trí trước khi bắt đầu tiết học toán. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Học sinh chăm chú đọc sách giải trí trước khi bắt đầu tiết học toán. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Em Trần Thị Tuyết Quỳnh (HS lớp 9A11 Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12) cho biết từ năm học lớp 7 đã tham gia đọc sách tại lớp của thầy Tri. Đối với Quỳnh, đọc là cơ hội để em kịp thời giải đáp thắc mắc và giải trí sau những giờ học căng thẳng.

“Từ lúc dành nhiều thời gian cho việc đọc, em hay tò mò về những điều xung quanh, ít lướt mạng xã hội và đỡ mỏi mắt hơn. Thầy hay hướng dẫn cách lựa chọn chủ đề để đọc, em thắc mắc chỗ nào thì thầy giải thích ngay. Em hy vọng hoạt động này luôn được duy trì và càng có nhiều cuốn sách bổ ích hơn nữa” - Quỳnh chia sẻ.

Bốn chiêu “dụ” học sinh đọc sách của thầy Tri

- Giáo viên cần trang bị kiến thức rộng. Khi HS thắc mắc về chủ đề bất kỳ, thầy cô với hiểu biết dàn trải có thể sẵn sàng giải đáp, tháo gỡ và giúp các em hiểu sâu hơn.

- Hướng HS đến những điều tử tế. Bằng cách nào đó, người thầy nên động viên HS rằng ý nghĩa của mỗi quyển sách, mỗi câu chuyện mang một bài học nhân văn, có ích trong cuộc sống.

- Kích thích thị giác. Bố trí những quyển sách có bìa được thiết kế màu sắc, độc lạ. Theo tâm lý chung, vật dụng đẹp mắt sẽ cuốn hút cái nhìn của các em.

- Tạo phần thưởng. Khi HS biết rằng có phần thưởng sau khi thưởng thức một quyển sách, các em sẽ tích cực nỗ lực và nghiêm túc hơn trong việc đọc.

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-giao-mach-chieu-giup-hoc-sinh-quen-dien-thoai-post756776.html