Thầy giáo mỹ thuật và niềm đam mê… đồ cổ
Là thầy giáo dạy môn mỹ thuật, vốn có tâm hồn nghệ thuật nên anh Lâm Văn Cường (giáo viên Trường THCS Phú Thuận, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) sở hữu trong tay bộ sưu tập đồ cổ 'đồ sộ' từ các loại tiền xưa đến những món đồ gốm giá trị và hàng trăm cổ vật thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Niềm đam mê sưu tập cổ vật của anh Cường xuất phát từ thời học THPT đến khi lên đại học, anh Cường có thêm niềm đam mê với những tờ tiền xưa. Có lẽ do cái duyên nên anh Cường không lý giải trọn niềm say mê tiền xưa. Khi ấy, chỉ mới "chập chững" làm quen với các loại tờ tiền xưa, nhưng niềm ao ước muốn sở hữu chúng rất mãnh liệt. Được người đi trước chỉ bảo, lẫn học hỏi kinh nghiệm, anh Cường dần tự tin hơn khi bước chân vào sưu tập tiền xưa. Đến hôm nay, niềm đam mê với những tờ tiền xưa vẫn chưa bao giờ vơi trong tâm hồn người thầy giáo ấy.
“Có lẽ những nét vẽ người xưa để lại trên các tờ tiền đã cuốn hút tôi nhiều như vậy. Nó không chỉ liên quan nhiều đến môn mỹ thuật mà còn là “người bạn tri kỷ” giữa bộn bề công việc. Dù mệt mỏi đến đâu chỉ cần lật từng tờ tiền xưa trong bộ sưu tập của mình ra ngắm, tâm hồn nhẹ nhàng đến lạ. Thế nên, bộ sưu tập tiền xưa luôn được cất ở nơi đặc biệt trong không gian sống của mình” - anh Cường chia sẻ.
Anh Cường có niềm đam mê lớn đối với đồ cổ
Hào hứng nói về tình yêu với bộ sưu tập tiền xưa của mình, anh Cường cho rằng, do bản thân muốn giữ lại nền văn hóa Việt Nam qua những tờ tiền xưa. Bởi, tiền cổ Việt Nam gắn liền với những thời kỳ lịch sử và mỗi thời kỳ ấy có một loại tiền khác nhau, có giá trị sưu tập khác nhau. Do Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ lịch sử và đất nước chia cắt, nên chủng loại tiền vô cùng phong phú, càng tạo hứng thú cho giới sưu tập tiền cổ trong và ngoài nước.
Theo anh Cường, tiền giấy xưa, tất cả hình ảnh được in trên đó đều là ảnh vẽ. Từ bố cục hình ảnh đến từng nét vẽ người xưa có thể khám phá được nhiều điều thú vị. Không chỉ là danh lam thắng cảnh mà còn chứa đựng cả nền văn hóa. Đến nay, bộ sưu tập tiền giấy xưa của anh Cường khoảng mấy chục ngàn tờ, tiền đồng là mấy chục ngàn đồng. Đặc biệt, anh Cường còn sở hữu tiền xưa liền số seri với trên 500 bộ (1 bộ gồm 3 tờ tiền liền số). Có thể nói, những tờ tiền xưa đã hiếm, sở hữu tờ tiền liền số lại càng hiếm.
Đến năm 2004, thầy giáo Cường "có thêm" niềm đam mê với cổ vật. Anh bắt đầu sưu tập đồ gốm, đồ đồng, đồ gỗ và hiện là có hẳn bộ sưu tập dụng cụ nông - lâm nghiệp xưa. Niềm đam mê ấy không nằm ngoài bộ môn mỹ thuật anh đang dạy. Theo anh Cường, không chỉ giải khuây, mà những hình vẽ độc đáo trên các món đồ xưa ấy bổ trợ thêm kiến thức cho anh trong quá trình giảng dạy, truyền đạt kiến thức về môn mỹ thuật đến với học trò.
Qua đó, giúp anh giáo dục văn hóa nước nhà, truyền cảm hứng say mê với môn mỹ thuật cho học sinh. Để thỏa niềm đam mê, anh Cường phải chắt chiu lắm để mua các món đồ cổ giá trị. Khi đã sở hữu số lượng khá lớn trong tay, anh trao đổi, mua bán trong giới đồ cổ để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Ngoài việc chịu khó rong ruổi sưu tập đồ cổ, anh Cường còn dành thời gian gặp gỡ giới sưu tập đồ cổ để nâng cao kiến thức về cổ vật.
Nhờ nghiên cứu và sưu tập những hiện vật của quá khứ nên vốn hiểu biết của người thầy giáo ấy không ngừng được bổ sung, đặc biệt là lĩnh vực mỹ thuật. Anh Cường cho rằng, không chỉ có niềm đam mê, mà người chơi phải hoài cổ, tri ân với cổ vật mới có thể dành thời gian, công sức khám phá ra những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa. Anh Cường cho biết, qua năm tháng, thú chơi đồ cổ đã phần nào giúp anh khám phá được giá trị chân - thiện - mỹ, từ đó đúc kết những kiến thức và kinh nghiệm riêng cho bản thân trong quá trình truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thay-giao-my-thuat-va-niem-dam-me-do-co-a307245.html