Thầy giáo siêu lầy: 'Hack' mật khẩu của sinh viên để cảnh báo không truy cập vào link lạ
Mở đầu cho bài học mới, thầy dạy sinh viên 'không truy cập vào các đường link và quảng cáo lạ'. Nhưng để cho chân thực hơn thầy giáo còn lấy hẳn một ví dụ khiến các học trò 'dở khóc dở cười'.
Thầy cô giáo thường được biết đến với hình ảnh rất nghiêm khắc, không cần nói nhiều cũng đủ khiến học sinh phải nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, bên cạnh những lúc nghiêm túc như vậy thì thầy cô cũng có những giây phút vô cùng "mặn mòi". Thậm chí có thầy cô còn lầy lội đến mức học sinh cũng phải chào thua. Như thầy giáo dưới đây chính là một ví dụ.
Mở đầu cho bài học mới, thầy dạy sinh viên "không truy cập vào các đường link và quảng cáo lạ". Nhưng để cho chân thực hơn thầy giáo còn lấy hẳn 1 ví dụ khiến các học trò phải "cười ra nước mắt". Cụ thể thầy đã chia sẻ một đường link tài liệu học tập và yêu cầu học sinh tải xuống.
Tuy nhiên, rất nhiều bạn đã thông báo lại rằng không thể tải được tài liệu xuống. Cứ tưởng rằng tài liệu có lỗi gì, ai ngờ tất cả đều là kế hoạch của thầy giáo. Thầy ngay lập tức nhấn mạnh: "Bạn nào vừa bảo thầy là thầy ơi không tải được tài liệu? Bạn nào bật mic lên thầy xem nào. Vậy xin chúc mừng các em. Tất cả những em nào mà vừa nãy đăng nhập và báo là không tải được tài liệu thì các em đã bị mất cái tài khoản gmail và mật khẩu của các em. Và các em đã click vào 1 cái link lạ. Link lạ cho cái bài học đầu tiên trên màn hình của các em là tài khoản, mật khẩu của tất cả những người vừa tham gia vào".
Sau đó thầy giáo đã hiển thị lên màn hình một loạt tài khoản và mật khẩu của các sinh viên vừa đăng nhập mà mình đã "hack" được. "Rồi tôi đã có một list cực kỳ nhiều mật khẩu của các ông. Rồi hiểu thế nào là link lạ chưa? Thế nào là nguy hiểm chưa? Có thấy không?" - thầy giáo này cho biết.
Ví dụ này đúng là thực tế đến mức học sinh phải "khóc thét". Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng. Nhiều bạn không ngần ngại đặt cho thầy giáo biệt danh "Chúa tể IT - Người thầy hacker".
Tuy rằng lầy lội nhưng ai cũng phải công nhận rằng ví dụ này của thầy quá chân thực, sát với thực tế. Sinh viên mà học xong bài này chắc chắn sẽ không dám tùy tiện bấm vào bất cứ link "lạ" hay quảng cáo nào nữa.