Thầy Nay A Yôn: Ăn cơm độn lấy bằng thạc sĩ và nâng bước trò nghèo
Từng ăn cơm độn để đến trường học chữ, thầy Nay A Yôn thấu hiểu khó khăn, vất vả mà học trò vùng khó trải qua.
GD&TĐ - Từng ăn cơm độn để đến trường học chữ, thầy Nay A Yôn thấu hiểu khó khăn, vất vả mà học trò vùng khó trải qua.
Do đó, thầy đã mở lớp dạy bổ túc cho học sinh và tìm hiểu, chia sẻ khó khăn để các em tiếp tục đến trường.
Ăn cơm độn bắp đến trường
Thầy Nay A Yôn, giáo viên, kiêm Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) sinh ra và lớn lên ở làng Pleipa Ama H’Lăk (xã Chứ Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai). Ngay từ nhỏ đã chẳng được hạnh phúc như chúng bạn khi cha mẹ đường ai nấy đi. Vừa dứt sữa, Nay A Yôn được ông bà chăm sóc vì mẹ cùng mọi người trong nhà phải lên nương rẫy từ sáng sớm, đến tối mịt mới trở về. Mặc dù, quần quật làm từ sáng đến tối nhưng gia đình cũng chỉ đủ sống qua ngày. Có những hôm hết gạo, cả nhà Nay A Yôn phải ăn cơm độn với bắp và khoai.
Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của ông bà, mẹ… để nuôi mình khôn lớn, Nay A Yôn luôn ý thức phải cố gắng trong học tập. Mỗi ngày, Nay A Yôn cùng đám bạn cuốc bộ đến trường học con chữ. Dù đường xa, khó nhọc, nhưng chưa một lần cậu học trò nghĩ đến việc bỏ học. Gia cảnh khó khăn, ngoài buổi đến trường, những lúc ở nhà cậu xắn quần lội xuống ruộng phụ giúp mẹ công việc đồng áng.
Năm cậu học trò người Jrai lên cấp 3, khoảng cách từ nhà đến trường dài khoảng 10km. Không muốn con trai nghỉ học giữa chừng, mẹ Nay A Yôn phải bán đi đàn gà để mua chiếc xe đạp cũ, sửa sang lại cho cậu đến lớp.
“Khi học cấp 3, cả làng có khoảng 12 người đi học. Tuy nhiên đến cuối năm chỉ còn lại 4 bạn. Các bạn nghỉ học vì đường sá xa xôi, có bạn thì do hoàn cảnh khó khăn và phải theo bố mẹ đi làm nương rẫy. May mắn, gia đình mình luôn ủng hộ, động viên để tôi tiếp tục học tập. Bản thân cũng muốn học để biết thêm nhiều kiến thức, sau này có cơ hội thoát nghèo và quay về giúp quê hương phát triển”, Nay A Yôn chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2004 Nay A Yôn theo học tại Trường Dự bị Đại học Trung ương Nha Trang. Học xa nhà, chi phí đi lại, ăn ở nhiều nên Nay A Yôn luôn cố gắng tiết kiệm và kiếm việc làm thêm để đỡ đần mẹ. Sau 1 năm học tại đây, cậu sinh viên lúc bấy giờ được xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, chuyên ngành Toán.
Tốt nghiệp ra trường, Nay A Yôn cầm tấm bằng đại học và hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai để xin việc. Sau khi xem xét hồ sơ, Nay A Yôn đã trúng tuyển và được phân công về dạy tại Trường THPT Trần Hưng Đạo. Với bản tính ham học hỏi và muốn nâng cao tri thức, năm 2019, thầy Nay A Yôn quyết tâm học lên thạc sĩ. Năm 2021, thầy Nay A Yôn bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học Huế.
“Từ những ngày còn nhỏ tôi đã ăn cơm độn bắp, khoai để có thể học chữ. Dù đói, khổ nhưng bản thân luôn mong ước có thể trở thành một người giáo viên để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo. Giờ đây, khi đứng trên bục giảng, tôi thấu hiểu được khó khăn, vất vả mà học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số trải qua. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, hết lòng giảng dạy để học sinh có tương lai tốt đẹp hơn”, thầy Nay A Yôn tâm sự.
Hỗ trợ học trò vững bước đến trường
Hơn 10 năm giảng dạy, tháng 10/2019 thầy Nay A Yôn đảm nhận thêm chức vụ Phó Bí thư Đoàn trường. Trên cương vị mới, thầy Nay A Yôn vừa hỗ trợ học sinh về kiến thức, bên cạnh đó nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của các em để chia sẻ, giúp đỡ.
“Học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Gia đình thường có đông anh chị em, kinh tế khó khăn nên ngay cả phương tiện đến trường học sinh cũng không có. Không những vậy, một số trường hợp bố mẹ không muốn cho con đến lớp mà ở nhà phụ làm nương rẫy”, thầy Nay A Yôn nói.
Mong muốn học sinh cải thiện thành tích học tập, ngoài giờ lên lớp thầy Nay A Yôn đến làng, vào từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em. Bên cạnh đó, động viên, khích lệ học sinh cố gắng đến trường. Với những học sinh khó khăn, thầy Nay A Yôn cùng nhà trường kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để các em có thể tiếp tục đi học. Còn với học sinh có học lực yếu thầy mở “lớp học tình thương” để bổ túc thêm kiến thức cho các em sau giờ lên lớp.
“Học sinh nơi đây khá nhút nhát và ngại giao tiếp với mọi người, nhưng lại sống rất tình cảm. Những năm trước vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay vì quà và hoa các em hát tặng thầy cô. Chỉ cần những điều gần gũi, đơn giản như vậy cũng khiến mình thấy vui và hạnh phúc.
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục trau dồi thêm trình độ chuyên môn để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho học trò nhiều hơn. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm để giúp học sinh yếu tiến bộ hơn và bồi dưỡng thêm cho học sinh giỏi. Đồng thời, chú trọng phát triển đội ngũ đoàn viên trong thanh niên và tham gia ôn thi, tư vấn cho học sinh lớp 12”, thầy Nay A Yôn chia sẻ.
Thầy Ngô Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết: Thầy Nay A Yôn là giáo viên trẻ và rất nhiệt tình, năng động. Thầy Nay A Yôn thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ để học sinh cố gắng trong học tập và bổ túc thêm kiến thức cho các em, đặc biệt là khối 12.
Không những vậy, trong hoạt động giảng dạy, thầy thường xuyên đầu tư, nâng cao trình độ về chuyên môn. Bên cạnh đó, hàng năm thầy cũng phối hợp với Hội chữ thập Đỏ kêu gọi nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ cho học sinh.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, thầy Nay A Yôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen... Ngoài ra, thầy Nay A Yôn là một trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số trên toàn quốc được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức.