Thầy ra đi, lửa đam mê sáng tạo ở lại

GS-TS Võ Tòng Xuân, 'cây đại thụ' của nông nghiệp Việt Nam, vừa qua đời. Ông ra đi nhưng lửa đam mê sáng tạo, tinh thần cống hiến vì sự phát triển của ngành nông nghiệp cả nước, cải thiện đời sống của nông dân, vẫn còn đó, mãi được thắp sáng. Câu chuyện về cách sống, cách làm việc khoa học, nhiều sáng tạo của thầy Xuân được PV Báo SGGP ghi lại qua lời kể của những người từng gắn bó, làm việc chung với ông.

Người thắp lửa đam mê sáng tạo

Kỹ sư Hồ Quang Cua là một trong những lứa học trò đầu tiên của GS-TS Võ Tòng Xuân sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Mối giao tình thầy - trò hơn 40 năm, gắn kết qua rất nhiều công trình nghiên cứu nông nghiệp, với tôi, thầy không chỉ là một nhà khoa học tài năng, người bạn chân thành với nông dân, mà còn là người luôn thắp lửa đam mê sáng tạo đến rất nhiều thế hệ sinh viên, chuyên gia nghiên cứu khoa học...”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, thầy Xuân là người làm việc không biết mệt mỏi. Hai năm trước, sau cơn nhồi máu cơ tim, sức khỏe thầy yếu dần, nhưng hễ thấy khỏe là thầy lại lên đường đi tỉnh này qua tỉnh khác bàn chuyện nông nghiệp, cùng nông dân đi xuồng vào tận trong bưng, lội bùn xuống ruộng tìm hiểu quá trình tăng trưởng của các giống lúa mới... Ở mỗi nơi đến khảo sát, thầy Xuân luôn đau đáu suy nghĩ, phải nghiên cứu ra được nhiều giống lúa chất lượng, tăng sản lượng, giảm sâu bệnh... Đích đến cuối cùng là làm sao để nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả, khá lên, giàu lên hơn.

 GS-TS Võ Tòng Xuân thăm nông dân ĐBSCL trồng mít

GS-TS Võ Tòng Xuân thăm nông dân ĐBSCL trồng mít

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, GS-TS Võ Tòng Xuân và ông gắn bó với cây lúa từ trận “đại dịch rầy nâu”. Đó là năm 1976, khi nhiều đồng lúa ở miền Tây bị rầy nâu càn quét trơ trụi, GS-TS Võ Tòng Xuân cùng sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đã dùng hết tâm sức tìm giống lúa kháng rầy giúp nông dân. Từ gần 1.000 hạt giống lúa (lúa nổi có, giống lúa mùa dài ngày, ngắn ngày cũng có) chống rầy đã gieo mạ và nhân rộng trên nhiều diện tích. Sau 2 vụ mùa trồng giống lúa này, rầy nâu hoàn toàn vắng bóng.

“Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là cả một quá trình kiên trì của GS-TS Võ Tòng Xuân. Đầu tiên, thầy dùng điện tín nhờ mấy người bạn ở Viện Lúa quốc tế (IRRI) gửi giống lúa kháng rầy (đựng trong mấy bì thư) sang. Sau đó, lấy giống đem gieo, ban đầu nhân ra được 4kg, về sau nhân lên được gần 2.000kg. Đó là một trong những đóng góp của thầy giúp vựa lúa ở châu thổ miền Tây vượt qua đại nạn rầy nâu, góp phần tăng sản lượng lương thực sau những năm đất nước thống nhất”, kỹ sư Hồ Quang Cua tâm sự.

Câu chuyện về những giống lúa thơm đầu tiên “đặt chân” vào vùng đất Sóc Trăng cũng mang đậm dấu ấn tri giao giữa GS-TS Võ Tòng Xuân (người mang giống lúa KDM 105 về Việt Nam) và kỹ sư Hồ Quang Cua. “Nếu GS Võ Tòng Xuân không dành hết tâm huyết, e khó có dòng lúa thơm ST hiện nay. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngành nông nghiệp không có kinh phí. Nhờ GS Xuân hỗ trợ giống rồi chi trả kinh phí, anh em cán bộ kỹ thuật mới đủ lực quản lý sản xuất nhân giống”, kỹ sư Hồ Quang Cua kể.

Mãi trăn trở về vùng đất châu thổ

Sau năm 2000, GS-TS Võ Tòng Xuân về hưu, nhưng nhiệt huyết với miền Tây hay “khát vọng gieo con chữ trên ruộng đồng” luôn hiện hữu trong ông. Vì vậy, ông tiếp tục làm Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, rồi Trường Đại học Nam Cần Thơ. Mỗi lần có dịp trò chuyện, ông miệt mài nói về những trăn trở của vùng đất châu thổ, mà theo ông, chỉ có nâng chất giáo dục mới hy vọng có một lớp nông dân giàu tri thức trên đồng ruộng. Họ sẽ phá bỏ “cái bờ cơm nếp, tiểu nông” trên đồng, bắt tay liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã mới ra biển lớn được. GS-TS Võ Tòng Xuân luôn mong chính quyền các địa phương phải xem hợp tác xã kiểu mới là một công cụ để hỗ trợ những cách thức sản xuất tiên tiến, giao dịch mua bán mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Không chỉ là một nhà khoa học tài năng, nhiệt huyết, GS-TS Võ Tòng Xuân còn là một người gần gũi, làm việc khoa học, sống bình dị.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ, chia sẻ: “Nhiều lần đi công tác ở nước ngoài chung với GS-TS Võ Tòng Xuân, thông thường sau khi làm thủ tục sân bay, mọi người đều nghỉ ngơi, thư giãn cho chuyến đi dài, nhưng GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn mở máy tính làm việc. Ông không có trợ lý, thi thoảng làm cả việc phiên dịch đoàn, không nề hà việc gì. Nay một nhà tri thức, nhân cách lớn ra đi như một ngọn đuốc đã ngừng cháy. Giới khoa học, tri thức, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn biết ơn GS-TS Võ Tòng Xuân”.

Là một người Khmer Nam bộ, hiện làm quản lý một công ty phiên dịch ở ĐBSCL và đã từng du học Australia cách hơn 10 năm, nhưng anh Danh Quốc Cường vẫn nhớ như in hình ảnh khá nhiều sinh viên ngành nông nghiệp của các quốc gia tìm đọc những cuốn sách của GS Võ Tòng Xuân. “Tôi vào thư viện, rất vui và tự hào khi thấy sách của GS Võ Tòng Xuân viết về cây lúa rất nhiều. Không chỉ sinh viên Việt Nam, mà rất nhiều sinh viên quốc tế tìm đọc và xem sách của GS Võ Tòng Xuân là tư liệu quý để nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trong thực tiễn”, anh Danh Quốc Cường kể. Qua đó có thể nói, tên tuổi và những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận.

Ngày 20-8, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cùng lãnh đạo TP Cần Thơ đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân tại Nhà tang lễ Câu lạc bộ hưu trí TP Cần Thơ. Ghi vào sổ tang, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường viết: “Vô cùng thương tiếc Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học lỗi lạc, người Thầy tận tụy, người bạn chân thành của hàng triệu người nông dân Việt Nam! Thành kính tiễn biệt Thầy với niềm tiếc thương vô hạn!”.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-ra-di-lua-dam-me-sang-tao-o-lai-post754985.html