Thầy thuốc quân y của người nghèo

Ở Đà Nẵng, tôi nghe nhiều người nói về Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh, nhân viên quân y, Phòng Hậu cần (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) với lòng trân quý, biết ơn.

Từ năm 2009 đến nay, y sĩ Ninh Công Khánh cùng người thân trong gia đình đã điều trị miễn phí hơn 9.000 bệnh nhân nghèo. Anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Tấm gương tiêu biểu thầm lặng vì cộng đồng”...

“Áo vợ, cơm nhà... lo việc thiện”

Chiến tranh đã đi qua gần 1/2 thế kỷ nhưng còn đó nỗi đau thấm sâu vào lòng đất, vào da thịt, vào ký ức của mỗi con người. Hàng vạn người dân bị thương tật bởi chiến tranh; mắc các bệnh về xương khớp do nhiễm chất độc da cam, do tai nạn giao thông... Trăn trở trước những nỗi đau ấy, y sĩ Ninh Công Khánh đã âm thầm, lặng lẽ chữa bệnh miễn phí cho người dân.

Tấm lòng nhân ái của Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh thật đáng trân trọng bởi điều kiện gia đình anh chưa khá giả gì. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của anh nép mình giữa kiệt 85/20 Nguyễn Chánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Trên bàn làm việc la liệt địa chỉ liên lạc, quê quán, danh bạ điện thoại và rất nhiều thư cảm ơn của những gia đình người bệnh từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, Quảng Bình cho tới tận TP Hồ Chí Minh và cả Việt kiều tận Hoa Kỳ, Australia... được anh chữa bệnh miễn phí. Chỉ tay vào những vật dụng trên bàn, anh Khánh cười: “Gia tài quý giá của tôi đấy!”.

 Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Đang sửa soạn dụng cụ y tế cho anh Khánh chuẩn bị đi chữa bệnh giúp dân, chị Nguyễn Thị Thúy Nga (vợ anh Khánh) trách yêu: “Anh sướng nhất, suốt ngày “áo vợ, cơm nhà... lo việc thiện”. Nghe vợ nói vậy, anh Khánh phân bua với tôi: “Nghĩ cho cùng thì cô ấy nói rất đúng! Vợ chồng tôi lương ba cọc, ba đồng, ngoài chi tiêu trong nhà, hằng tháng còn phải trích ra một khoản để mua thêm thuốc thang, dụng cụ y tế, cấp thuốc cho người nghèo nữa”.

Tuy anh Khánh không nói ra nhưng tôi biết, quá trình điều trị bệnh nhân tốn kém không ít kinh phí, thế nhưng chưa bao giờ anh nhận của ai một đồng tiền công. Mọi khoản chi phí đó chủ yếu trích ra từ tiền lương của hai vợ chồng, một phần từ số tiền làm thêm ngoài giờ học của con gái Ninh Hảo Vy. Nhiều gia đình có người thân là bệnh nhân thấy anh vất vả nên tính chuyện “bồi dưỡng” nhưng anh từ chối vì nghĩ mình là Bộ đội Cụ Hồ, làm được gì có lợi cho dân, cho nước thì nên làm.

Sở dĩ Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh yên tâm “áo vợ, cơm nhà... lo việc thiện” là nhờ có hậu phương vững chắc. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga là nhân viên điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng nên rất hiểu việc thiện chồng đang làm. Cũng chính từ sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người bệnh nên chị Nga ủng hộ chồng hết mình.

Chị thức khuya, dậy sớm lo cho anh chu đáo từ lọ dầu, viên thuốc, bình nước đun sôi... với tất cả tấm lòng nhân hậu, bao dung của người vợ chung thủy. Trong tuần, ngoài giờ hành chính đến bệnh viện và thời gian trực, chị Nga phụ giúp chồng khám, chữa bệnh miễn phí. Con gái đầu lòng là cháu Ninh Hảo Vy, sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cũng tranh thủ thời gian cùng mẹ và em gái là Ninh Hảo Phi làm những trợ thủ đắc lực giúp bố. Khi nói về chồng mình, giọng chị Nga đầy tự hào: “Anh ấy thẳng tính lắm, đã nói là làm, suốt ngày ở trạm xá đơn vị, nếu không thì đến nhà sinh hoạt cộng đồng khám, chữa bệnh giúp bà con. Trông thì khô như ngói, nhưng anh ấy hết lòng thương vợ con, tận tình tận nghĩa giúp đỡ đồng đội và người dân”.

Ân nhân của bệnh nhân nghèo

Những lần về cơ sở, chứng kiến người dân vì lam lũ trên ruộng nương, bươn chải với cuộc sống mưu sinh nên ốm đau, bệnh tật, điều đó khiến Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh nhiều đêm trăn trở. Anh tâm sự: “Ở những vùng căn cứ cách mạng năm xưa, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế. Họ lại thường xuyên hứng chịu thiên tai. Vì lẽ đó, quan tâm, chăm lo tới việc khám, chữa bệnh cho dân và đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm của người thầy thuốc quân y giữa thời bình!”.

Lời nói nhất quán với hành động, trong những năm qua, anh Khánh đã cùng vợ con và các cộng sự hết lòng vì người bệnh. Biết rõ được việc làm trách nhiệm, tận tình, tận nghĩa chữa bệnh miễn phí giúp dân của y sĩ Ninh Công Khánh nên phường Hòa Khánh Bắc đã tạo điều kiện bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng “3 trong 1” để anh chữa bệnh. Thế nên mới có chuyện khi anh Khánh được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng điều từ Đồn Biên phòng Hải Vân về trạm xá quân dân y thì bà con viết thư gửi đến Bộ chỉ huy yêu cầu giữ anh ở lại.

Về vị trí mới, anh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà khi được Phòng Hậu cần dành một căn phòng rộng rãi, thoáng mát, anh Khánh đã hết lòng chữa bệnh miễn phí giúp dân.

Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ khắp nơi tìm đến y sĩ Ninh Công Khánh ngày càng đông. Không riêng bệnh nhân nghèo mà cả những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá giả nhưng sau một thời gian chữa trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế không khỏi cũng tìm đến anh. Ước tính từ năm 2009 đến nay, y sĩ Ninh Công Khánh đã chữa bệnh miễn phí cho hơn 9.000 bệnh nhân. Phần lớn trong số họ khi được điều trị đều có chuyển biến tích cực, nhiều người hoàn toàn khỏi bệnh.

Tôi đến Trạm xá quân dân y Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng vào lúc khá đông bệnh nhân đến điều trị. Ngày cuối đông nhưng vạt áo Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh thấm đẫm mồ hôi. Lúc thì anh dùng đèn soi chiếu lưng cho bệnh nhân này, lúc lại thấy anh quay sang bấm huyệt cho bệnh nhân khác.

Trò chuyện với chị Lê Thị Cảm (sinh năm 1957) quê ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi được biết, gần 10 năm nay chị bị đau khớp vai và khớp chân, đi lại khó khăn. Tuy uống đủ các loại thuốc và nhiều lần đến trung tâm y tế điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Thế nhưng, sau hơn 3 tuần được Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh điều trị miễn phí bằng phương pháp bấm huyệt, đến nay bệnh của chị Cảm đỡ hơn trước nhiều.

Trường hợp bà Lê Thị Thiết (78 tuổi) ở khối phố Lộc Phước 3, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đau khớp gần 20 năm qua, đi lại khó khăn. Sau khi được y sĩ Ninh Công Khánh điều trị gần một tháng, bệnh tình thuyên giảm hẳn. Bây giờ bà Thiết đã tự đi lại thuận tiện hơn trước nhiều. Trao đổi với chúng tôi, giọng bà Thiết cảm động: “Nhà tui nghèo, chạy vạy chữa trị nhiều nơi không khỏi, may nhờ được chú Khánh điều trị bằng phương pháp soi chiếu và bấm huyệt, nên giờ tôi đã tự đi lại mà không cần phải chống nạng nữa!”.

Cùng đến Trạm xá quân dân y Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng điều trị, ông Nguyễn Văn Hiệp ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị tai biến gần một năm nay nằm ở nhà. Sau 3 tuần được y sĩ Ninh Công Khánh điều trị thì giấc ngủ sâu hơn, ông có thể tự chống gậy đi lại trong nhà.

Đồng hành với với Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh có hai “trợ lý” khá đặc biệt, đó là vợ chồng anh Trần Duy Khanh và chị Trần Thị Lương Vân ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Vợ chồng anh Khanh, chị Vân do làm công việc nặng nhọc nên bị chứng đau lưng hành hạ. Được người thân giới thiệu, hai người tìm đến y sĩ Khánh điều trị và khỏi hẳn. Vì mến mộ tài chữa bệnh và tấm lòng nhân ái của người y sĩ “quân hàm xanh” nên vợ chồng anh Khanh tự nguyện xin ở lại phụ giúp Thiếu tá Ninh Công Khánh chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và học thêm nghề bấm huyệt.

Câu chuyện giữa tôi và Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh bị gián đoạn bởi có điện thoại gọi tới. Sau khi tắt máy, anh Khánh nói: “Cô Hiền ở tổ 29, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu mời vợ chồng tôi đến dùng cơm. Hai gia đình kết thân với nhau từ ngày cô ấy được tôi điều trị!”. Thiếu tá Ninh Công Khánh kể: “Vào khoảng tháng 6-2012, khi tôi còn ở Đồn Biên phòng Hải Vân, trong lần về cơ sở, tôi thấy một bà cụ hai tay giữ chiếc xe lăn, còn cụ ông thì tay run run bón cháo cho một cô gái trẻ ngồi trên xe lăn. Hỏi chuyện, tôi biết cô gái ấy là Lê Thị Hiền (24 tuổi) bị tai nạn giao thông, liệt nửa người. Cảm thương trước gia cảnh và số phận của Hiền nên tôi nhận lời điều trị cho cô ấy. Thế là ròng rã 6 tháng trời, tôi tích cực chữa trị cho đến khi cô ấy đi lại và làm được một số công việc nhẹ nhàng trong nhà”.

Nói về Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh, Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng khẳng định: “Đồng chí Khánh là gương điển hình tiên tiến của đơn vị trong nhiều năm qua. Anh luôn được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp nể trọng, bệnh nhân tin yêu bởi sự tận tâm với công việc chuyên môn và tấm lòng nhân ái, bao dung. Anh là người ham học hỏi, yêu nghề, theo đúng lời dạy của Bác Hồ: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”.

Lặng thầm làm việc thiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ quân y, Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về “Tấm gương tiêu biểu thầm lặng vì cộng đồng” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bình chọn; được Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng 7 Bằng khen. Anh còn 8 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...

Vừa tiễn tôi ra tận ngõ, Thiếu tá QNCN Ninh Công Khánh đã vội vàng quay vào nhà ngay vì có điện thoại của bệnh nhân. Nhìn dáng đi tất tả ấy, tôi thầm cảm phục, tuy điều kiện kinh tế gia đình chưa dư giả nhưng anh vẫn âm thầm, lặng lẽ làm việc thiện. Anh không ngại khó khăn, gian khổ, chỉ mong sao chữa được thật nhiều người dân khỏi bệnh. Những gì anh và vợ con cùng các cộng sự đã, đang và sẽ làm, tất cả vì mục đích chữa bệnh miễn phí giúp người nghèo...

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/thay-thuoc-quan-y-cua-nguoi-ngheo-761609