Thầy tôi

Tháng 9 năm 1989, tôi về nhận công tác tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103. Buổi đầu tiên đến khoa, tôi được thầy Ngô Ngọc Tản tiếp. Lúc bấy giờ, thầy Tản đã là chủ nhiệm khoa, còn tôi chỉ là một bác sĩ mới ra trường.

Ngày tốt nghiệp đại học, tôi háo hức với các dự định của mình về nghề nghiệp bao nhiêu thì ngày đầu tiên đến khoa tôi lại thất vọng bấy nhiêu. Khoa Tâm thần nghèo nàn, chịu nhiều sự kì thị của xã hội và của đồng nghiệp, đội ngũ cán bộ chỉ có đến chuyên khoa cấp 1 thần kinh – tâm thần. Tôi đã thầm khóc, oán trách số phận hẩm hiu của mình. Nhìn các buồng bệnh tuềnh toàng, không có tường ngăn cách giữa các buồng bệnh, giường chiếu cũ kĩ... lòng tôi se lại. Xưa, khi còn là sinh viên, tôi học rất giỏi và nuôi ước mơ trở thành bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió của bệnh viện là khoa hồi sức.

Như đọc được tâm tư của tôi, thầy Tản an ủi rằng ở chuyên khoa Tâm thần này cũng có nhiều cái hay lắm. Dù ai gièm pha, dè bỉu thì cũng không để bụng bởi họ có hiểu được đâu là hoang tưởng, thế nào là ảo thanh hoặc ám ảnh nghi bệnh. Thầy kể cho tôi nghe một câu chuyện về một cô gái trẻ trong làng Yên Xá, gần bệnh viện. Cô gái này luôn cho rằng có một con rắn sống trong dạ dày của mình. Cô ta đã đi khám nhiều nơi nhưng không hề có con rắn nào cả. Song tất cả những lời giải thích, khẳng định của bác sĩ đều bị cô ta bác bỏ. Cuối cùng, các bác sĩ phải giả vờ là đã lấy được con rắn trong dạ dày của cô gái đó. Bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện được 1 tháng thì… tái phát. Cô ta lại khăng khăng có một con rắn khác chui vào bụng mình khi cô ta đang ngủ. Cực chẳng đã, gia đình đã đưa bệnh nhân đến khám ở khoa Tâm thần. Thầy Tản đã khám và nhận định đó là ảo giác nội tạng và kê đơn điều trị. Cô ta đã khỏi, đi làm và vẫn duy trì thuốc củng cố.

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Câu chuyện của thầy Tản như một ánh chớp lóe sáng trong đầu tôi, xua tan những phiền muộn và mặc cảm về nghề nghiệp. Hóa ra, chuyên ngành Tâm thần cũng có rất nhiều cái hay, cái đẹp chờ mình khám phá, rằng làm bác sĩ tâm thần cũng có thể giúp ích cho đời không kém các bác sĩ ở chuyên khoa khác.

Nghe lời thầy Tản, tôi lao vào đọc sách về bệnh tâm thần. Những quyển sách của Kerbicov dày cộp, bản dự thảo ICD 10 của Tổ chức Y tế thế giới… tôi đã học gần như thuộc lòng. Tôi chờ thầy dạy thêm cho mình những kinh nghiệm thực tế lâm sàng phong phú của thầy. Nhưng tôi chẳng được thầy dạy gì cả. Thầy chỉ khuyên tôi học tiếng Anh, tập đọc điện não, bỏ học đàn, thôi làm thơ, không tập hát nữa. Bỏ học đàn, hát, thơ ca thì tôi làm dễ dàng, có điều tôi không hiểu tại sao. Thầy Tản có rất nhiều bài thơ hay, sao thầy lại khuyên mình bỏ nàng thơ nhỉ?

Tôi đem thắc mắc đó hỏi thẳng thầy. Thầy giải thích rằng bác sĩ phải giỏi tay nghề, nhưng không nhất thiết phải biết làm thơ, biết sáng tác nhạc, biết vẽ tranh. Những thứ đó chỉ là các nốt chấm tô điểm cho cuộc sống, rằng tôi chưa giỏi nghề thì nên dành thời gian học tập chuyên môn đã. Vậy sao thầy không dạy tôi về chuyên môn bao giờ mà chỉ toàn bắt tôi đọc sách? Thầy cười bí hiểm và nói rằng sau này tôi sẽ hiểu.

Tôi làm ở khoa Tâm thần đến cuối năm 1994 thì được đi học nghiên cứu sinh ở Cộng hòa Rumani. Trong 5 năm đầu tiên làm ở khoa Tâm thần, đã nhiều lần tôi xin đi học chuyên khoa cấp 1, cao học ở Đại học Y Hà Nội và Học viện Quân y, nhưng thầy Tản đều từ chối. Chỉ khi tôi dự định đi học nghiên cứu sinh ở Rumani thầy mới ủng hộ tôi.

Sau thời gian học tiếng Rumani, tôi về Bệnh viện tâm thần trung ương ở thủ đô Bucaret của nước bạn làm việc và nghiên cứu. Những điều thầy tây dạy về lí thuyết giống như trong sách mà tôi đã đọc, còn thực hành thì khác rất xa những thứ mà tôi vẫn làm ở Việt Nam, những kinh nghiệm, phác đồ điều trị ở khoa tâm thần nơi tôi đã công tác. Ví dụ bác sĩ Rumani chỉ dùng 1 thuốc an thần để điều trị tâm thần phân liệt còn bác sĩ Việt thì phối hợp 2-3 loại thuốc. Trong điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, sau khi ra viện, họ yêu cầu bệnh nhân tiếp tục điều trị củng cố hàng năm trời, còn ở Việt Nam thì khi bệnh nhân ra viện là kết thúc điều trị. Vì thế, tỷ lệ tái phát của họ rất thấp, bệnh nhân trở lại lao động, công tác, tiếp tục sống có ích và đóng góp cho xã hội. Còn rất nhiều những điều mà tôi đã học được ở thầy tây.

Thời gian dần trôi, tôi đã làm xong luận án và học được nhiều kiến thức, kĩ năng ở nước bạn. Về nước, tôi gặp lại thầy Tản. Thầy đã già hơn trước nhiều và giao cho tôi trọng trách điều trị các bệnh nhân khó, bệnh nặng. Thầy bảo tôi viết các phác đồ điều trị cho các rối loạn tâm thần chính như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, nghiện rượu… các phác đồ này được thầy Tản đưa ra cho các bác sĩ trong khoa thực hiện. Kết quả là số ngày nằm viện của bệnh nhân giảm xuống, tỷ lệ tái phát, bỏ thuốc điều trị đều giảm rất rõ rệt.

Giờ đây, tôi đã có nhiều học trò ở khắp trong nam, ngoài bắc. Các kiến thức của tôi truyền thụ cho họ đã được nhân rộng. Nhưng tôi luôn nói với các học trò của mình về công lao của thầy Tản, luôn dạy họ biết kính trọng các bậc tiền bối đã có công xây dựng ngành tâm thần Việt Nam từ thưở trứng nước.

PGS.TS.Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quây y 103)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thay-toi-n175030.html