Thầy tôi

Tạp bút của Đào Thanh Tùng

Tháng mười một ghé sang, một buổi chiều cuối tuần bao ngổn ngang, lòng xao động, hình ảnh về người thầy năm xưa cứ bám lấy mãi trong tâm trí tôi.

Cuộc đời cho tôi được gặp thầy như một định mệnh, tôi sẽ không bao giờ quên. Là một học sinh cá biệt, tôi cứ nghĩ rằng thầy sẽ trút lên tôi những trận đòn roi hay lời mắng mỏ như nhiều thầy cô từng áp dụng, nhưng không, thầy đối xử với tôi thật nhẹ nhàng giống như bao học sinh khác trong lớp. Thời gian trôi đi, sự bao dung, yêu thương của thầy đã cảm hóa tôi từ một học sinh cá biệt thành một cậu học sinh ngoan ngoãn và bắt đầu biết phấn đấu học tập.

Tôi vẫn nhớ rất rõ, những tiết học của thầy, thầy luôn mang một chiếc thước gỗ rất to để trên bàn giáo viên. Tuyệt nhiên chưa bao giờ cái thước ấy chạm vào người học trò mà chỉ dùng đúng chức năng vốn có là kẻ những hình lên bảng trong giờ toán. Cái thước gỗ là hữu hình nhưng gián tiếp đánh vào ý thức của học trò, giữ được cái nề nếp, trật tự. Trong suốt những năm học thầy, rất hiếm khi tôi thấy một lời quát tháo từ thầy khi học trò của mình mắc lỗi. Khuôn mặt thầy chỉ thoáng qua nét buồn rồi lại từ tốn khuyên bảo học trò nên làm cái này, không nên làm cái kia, động viên quan tâm sâu sát.

 Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Chúng tôi những học sinh nội trú, từ vùng xa về trường học tập ở ký túc xá của trường. Thầy tôi thuê nhà ở cạnh bên. Được ở gần thầy, đám học trò chúng tôi được lợi vô cùng. Thầy không ngại thức tới khuya, mở cửa cho học trò hỏi bài và khuyến khích những học trò chăm hỏi bài. Ở gần thầy, những lần thầy xuống xuôi, đám học trò lại chạy sang xúm xít vây quay với không biết bao nhiêu là quà mà thầy cất công khệ nệ mang từ dưới xuôi lên. Ở gần thầy, những hôm đói quá, liền chạy sang xin thầy một chén cơm, bát mì ăn no căng bụng rồi lại về phòng. Ở gần thầy, thầy chỉ cho cách trồng rau, nuôi gà, áp dụng bài học từ trang sách ra thực tiễn.

Thầy tôi là một người thầy giản dị. Giản dị như chưa từng giản dị hơn thế. Những bộ đồ thầy mặc đến lớp đơn giản với áo sơ mi trắng, quần ka ki màu sẫm. Thầy vẫn giữ hình ảnh ấy cho mãi đến tận sau này. Thầy từng nói với chúng tôi rằng bộ quần áo không làm nên giá trị của mỗi con người, hãy ăn mặc sao cho gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp với bản thân, hoàn cảnh khi thấy học trò nào đó đua đòi theo mốt này mốt nọ. Khi trưởng thành ra trường, đi làm kiếm được đồng tiền bằng chính sức lực của mình, dành dụm một ít mua quà cho thầy tôi cũng phải nghĩ tới nghĩ lui mua quà ra sao để thầy nhận vui lòng và không bị mắng là tiêu pha không đúng mực.

Lần cuối cùng, tôi về thăm thầy vào một ngày đầu tháng mười một. Căn bệnh phổi cùng tuổi già khiến thầy vốn dĩ gầy gò lại càng gầy gò hơn, thầy không thể ngồi dậy, nằm trong lớp chăn dầy sụ, nói những lời nặng nhọc. Thầy vẫn nhớ tôi, cậu học trò nghịch ngợm thuở nào, nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Tôi nắm lấy bàn tay thầy, rời tạm biệt, mà lòng nặng trĩu, thương thầy vô ngần.

1,073

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/thay-toi-90198.html